Việt Nam Thời Báo

VNTB- Hàm ý gì sau “Việt Nam cần cuộc cải cách thứ hai” của Quỹ tiền tệ quốc tế?

Thể chế chính trị Việt Nam đã trôi qua thời vàng son vay mượn quá thoải mái. Những tín hiệu mới nhất vào đầu năm 2016 từ các chủ nợ lớn nhất đều thiếu hẳn tính lạc quan.

Christine Lagarde: “Việt Nam cần cuộc cải cách thứ hai”.
Vào giữa tháng 3/2016, bà Christine Lagarde – Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) – đã đến làm việc tại Việt Nam. Tương tự kết quả chuyến làm việc tại Việt Nam Chủ tịch nhóm Ngân hàng thế giới (WB) Jim Yong Kim vào tháng 2/2016, IMF đã không hứa hẹn bất cứ khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo Hà Nội, dù cả chủ tịch nhóm WB và Tổng giám đốc IMF đều được những nhân vật cao nhất Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp mặn nồng.
Không những không có khoản cho vay mới, IMF còn khuyến cáo: “Việt Nam cần cuộc cải cách thứ hai”.
Với quá nhiều khó khăn về ngân sách và tài chính ở Việt Nam hiện thời, chính quyền chỉ còn 2 cách: cách thứ nhất là in tiền, in thật nhiều tiền để trám vào những vực thẳm đã bị nạn chi tiêu vô tội vạ, lãng phí và tham nhũng bào nát; hoặc vay mượn nước ngoài.
Nhưng in tiền tất sẽ dẫn đến lạm phát. Đã có những chuyên gia bắt đầu cảnh báo về tỷ lệ lạm phát năm 2016 có thể trở lại như năm 2011, tức vọt đến 20%. Quốc hội lại đang tỉnh giấc đòi chính phủ phải “trả lại” cho cơ quan này quyền xem xét  và quyết định ngân sách. Do vậy khả năng in tiền vô tội vạ là khó xảy ra, ngay cả trong trường hợp tân ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình không bị điều động về Ban kinh tế trung ương mà vẫn “xin” được ở lại Ngân hàng nhà nước.
Còn với việc vay mượn quốc tế, những tín hiệu mới nhất từ IMF và WB đã cho thấy muốn có tiền, Việt Nam phải cải cách, hoặc “đổi mới” lần 2.
Mặc dù IMF không nói rõ ra, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam tất ngầm hiểu nhiều khuyến nghị, được phát ra trong nhiều lần, của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế về những nội dung thiết yếu mà chính thể Việt Nam cần cải cách kinh tế và cải cách thể chế: bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, tăng độ minh bạch thị trường tài chính và minh bạch ngân sách, cải cách luật theo hướng dân chủ hơn, phải chống tham nhũng một cách có hiệu quả, chấp nhận phản biện xã hội của Xã hội dân sự. Kể cả tự do báo chí…
Không phải ngẫu nhiên mà tổng giám đốc IMF lại đề cập đến cải cách lần 2. Cuộc Đổi mới lần đầu tiên diễn ra sau đại hội 6 vào năm 1986, do tổng bí thư lúc đó là ông Nguyễn Văn linh khởi xướng. Từ năm 2015, dường như đảng cầm quyền ở Việt Nam đã phải tính đến việc Đổi mới lần 2. Bắt đầu xuất hiện cụm từ “cải cách thể chế” trong giới chuyên gia và sau đó lan sang giới chức chính phủ. Đến tháng 8/2015, tại một hội thảo tư tại Đại học Humboldt, CHLB Đức trong dịp Hè 2015, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và là một trong những chuyên gia được xem là gần gũi với chính phủ Việt Nam, đã nêu quan điểm: “Việt Nam hiện nay đang đứng trước một yêu cầu rất cơ bản và cấp bách là đổi mới lần thứ hai, mà trong đó trọng tâm là cải cách thể chế”.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Doanh cũng đề cập đến mặt nhân quyền:
Việt Nam cam kết sẽ gia nhập Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu gia nhập cái đó, Việt Nam phải tôn trọng một số cam kết về mặt nhân quyền, về mặt tự do được thành lập công đoàn.
Và nhân quyền ở đây không có cái gì to tát, cũng không có câu chuyện gì là diễn biến hòa bình cả, đấy là quyền của người dân được biết thông tin.
Đấy là quyền của người dân được phát biểu ý kiến, đấy là quyền của người dân được biểu tình; như là đốn cây xanh ở Hà Nội thì người dân có quyền đi biểu tình để phản đối việc đốn cây xanh ấy. Tất cả điều đó không có gì ghê gớm cả và một quyền nữa là quyền lập hội…”.
Đúng là “không có gì to tát”, chính thể Việt Nam chỉ cần thực hiện những yêu cầu nhỏ nhoi về nhân quyền như ông Lê Đăng Doanh đề cập thì sẽ có ngay tiền từ WB và IMF để “bù đắp khó khăn ngân sách”.
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.