VOA
15.02.2016
Đại hội XII của đảng cầm quyền ở Việt Nam là một bi kịch không chỉ trong hậu trường và trên sàn diễn, mà việc quan sát bên hành lang của nó cũng cho thấy không ít tín hiệu về thế cục thắng – thua.
Ba ngày trước khi Đại hội XII, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) – bất ngờ trả lời báo chí “EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện trong năm 2016”.
Phát biểu trên được nêu ra sau khi Bộ Công Thương đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ý kiến người dân về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cho phép mức tối thiếu mỗi lần tăng giá điện là 3% và thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá điện bình quân là 3 tháng.
Tâm trạng và giá đỡ cho túi tiền của các tập đoàn lợi ích Việt Nam lại tùy thuộc cơn đau đẻ Đại hội XII. Chính sách sinh ra bởi con người. Hậu Đại hội XII, một khi dàn nhân sự chính phủ có thể bị đảo lộn, cơ hội “ăn của dân không chừa thứ gì” từ những “doanh nghiệp công ích” như EVN cũng khó sinh sản hơn nhiều.
Tác nhân ‘nợ máu’
Trước khi “sám hối” không tăng giá điện, vào đầu năm 2016, EVN đã đề xuất xin tăng giá bán điện thêm 21,2 đến 21,4 đồng/kWh năm 2016 so với giá bình quân hiện hành. Đáng lên án là năm 2015, giá điện bình quân đã tăng gần 13%, giúp doanh thu của tập đoàn tăng đến 18,5% so với năm 2014, giúp cho doanh nghiệp này giảm đáng kể số lỗ lên đến 30.000 tỷ đồng trước đó do đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm.
2016 cũng là năm thứ 8 nền kinh tế Việt Nam tiếp diễn suy thoái, còn tình cảnh người dân Việt Nam khổ trăm bề với hơn 400 loại phí và lệ phí đè đầu.
Từ nhiều năm qua, EVN là một tác nhân gây “nợ máu” cho tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam bởi quán tính tăng giá điện bất chấp dân sinh.
Được “bảo kê” bởi cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương, hồ sơ “tội ác” của EVN đã dày quá khổ, không chỉ bởi quá nhiều lần tăng giá điện vô lối đánh úp túi tiền nghèo kiệt của người dân, mà hành vi cực kỳ nhẫn tâm còn xảy đến vào mùa mưa bão cuối năm 2013: tập đoàn này hoàn toàn vô trách nhiệm khi để 15 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ lên đầu người dân vùng rốn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc… khiến gây ra cái chết cho hơn năm chục mạng người.
Nhưng từ bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng trở xuống, đã không một kẻ nào phải ra trước vành móng ngựa để trả lời cho những cái chết trên.
Vào năm 2014, một cuộc thanh tra của Tổng thanh tra chính phủ đã khơi gợi không ít khuất tất trong hạch toán giá thành của EVN, trong đó tập đoàn này đưa cả việc xây dựng khách sạn và hồ bơi vào giá để “thanh toán” với nhân dân. Những tưởng vụ việc sẽ được làm rõ trắng đen, nhưng qua một thời gian, giới quan chức của hai bộ Tài chính và Công thương lại vẫn ung dung mở ra lối thoát cho EVN. Vụ việc này cũng gần như chìm xuồng.
Hiện thực còn nguyên cho tới nay là EVN vẫn nghiễm nhiên đóng vai con nợ bậc nhất của các ngân hàng. Số nợ mà doanh nghiệp siêu độc quyền này đang phải gánh lên tới ít nhất 118.000 tỷ đồng – con số mà mới chỉ được “tiết lộ” vào năm bi đát kinh tế 2013, cũng là thời điểm mà “Phe lợi ích” phải gánh búa rìu dư luận và áp lực phải tiến hành “minh bạch hóa”.
Tình hình vẫn căng thẳng đối với EVN, dù rằng gần đây doanh nghiệp này được mô tả “đã có lãi sau nhiều lần tăng giá điện”. Thế nhưng một phép tính đơn giản của “chiến lược ngành điện” đã cho thấy để thu hồi được toàn bộ thất thoát do đầu tư trái ngành, EVN sẽ có thể phải tăng giá liên tục trong… 10 năm nữa.
Không có gì bảo đảm là dân chúng Việt Nam sẽ đủ sức chịu đựng sự dày vò của EVN trong 10 năm tới. Không có gì chắc chắn là xã hội Việt Nam sẽ không “biến chứng” như đất nước Bungaria vào đầu năm 2013 khi hàng chục ngàn người dân ùa xuống đường, rốt cuộc đã làm cho toàn bộ chính phủ phải từ chức.
Chưa kể đến “thành tích” suốt gần một chục năm qua, EVN đã nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá cao gấp 3 lần giá bình quân trong nước, nhưng lại từ chối mua hoặc gây khó khăn khi mua điện của các doanh nghiệp trong nước – một biểu cảm mà cách nào đó cho thấy EVN là một doanh nghiệp của… Trung Quốc.
EVN có bị ‘tính sổ’?
Chỉ ba ngày trước Đại hội XII của đảng cầm quyền ở Việt Nam, thông điệp “không tăng giá điện năm 2016” của lãnh đạo EVN, dù chưa có bằng chứng nào để tin là thành thực, đã phát thêm một tín hiệu về quyền lực của phe chính phủ có thể bị sút giảm nghiêm trọng trước, trong và sau đại hội này.
Quả vậy, những người bên chính phủ đã nhận lãnh thất bại nặng nề trước cả khi Tổng Bí thư tái đắc cử Nguyễn Phú Trọng thốt lên “Tôi bất ngờ!”.
Nếu để ý, không khó để nhận ra một “quy luật”: Từ năm 2011 đến nay, cơ chế giá điện của EVN phụ thuộc mật thiết vào các kỳ họp Quốc hội và đặc biệt là thân nhiệt phe chính phủ. Rất thường, giá điện được đẩy lên vào khoảng thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, rồi đứng im trong khi các đại biểu Quốc hội cúi đầu bấm nút cho nhũng dự án “quốc kế dân sinh” như Sân bay Long Thành.
Không chỉ được “bảo kê” bởi Bộ Công Thương, EVN còn bị xem là “cậu ấm hư hỏng” của giới quan chức chính phủ. Trong cuộc chiến quyền lực tại các hội nghị trung ương, khá thường khi vị thế của phe chính phủ nổi bật hơn bên đảng, nhóm lãnh đạo EVN tỏ ra tự tin hơn hẳn trong các trả lời phỏng vấn của báo chí. Cũng ngay vào những thời điểm đó, tập đoàn này cùng Bộ Công Thương lại lấp ló đề xuất tăng giá điện.
Nhưng ngược lại, cứ mỗi lúc phe chính phủ bị thất thế trước bên đảng, đề xuất tăng giá điện của EVN hầu như biến khỏi chính trường và nghị trường.
Đại hội XII đã chứng kiến sự thất thế khá lớn của phe chính phủ. Không chỉ bị chỉ trích về năng lực điều hành yếu kém, tệ tham nhũng không hề thuyên giảm, mà một số quan chức chính phủ còn bước đầu bị “sờ gáy”.
Hiện tượng không thể bỏ qua là trong số các ủy viên Trung ương bị trượt tại Đại hội XII, có mặt hai giám đốc của hai tập đoàn lớn là Than và Khoáng sản và EVN.
Nếu sau Đại hội XII diễn ra một cuộc cải cách hoặc lớn hơn nữa, – “thay máu chính phủ” – những tập đoàn quá dày ăn tạp như EVN sẽ đương nhiên nằm trong danh mục phải “tính sổ”.
Hẳn là Tổng Bí thư Trọng đang mong muốn làm một điều gì đó, một điều mà ông chưa từng làm được mà chỉ có thể làm vào thời gian cuối như một dấu ấn để lại cho cuộc đời chính khách đầy dửng dưng của ông.
Trong số các doanh nghiệp có tác động đến dân sinh có thể làm dân chúng nổi loạn, EVN nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhất.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.