Gần 4 tháng sau vụ “Tiếng súng Yên Bái”, Ủy ban nhân dân TP.HCM là cơ quan cấp tỉnh thành đầu tiên công bố về việc sẽ thiết lập cơ chế kiểm tra an ninh với những người ra vào cơ quan này, kể cả với Bí thư, Chủ tịch quận, huyện.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết thêm TP. HCM sẽ đưa ra các mức xanh, vàng, cam, đỏ để từ đó có những ứng xử phù hợp, nhưng trước mắt sẽ chỉ áp dụng mức xanh. Mức xanh là nhẹ nhàng, người đi qua sẽ chỉ bị hỏi khi có vấn đề, còn không thì cứ đi vào.
“Xanh, vàng, cam, đỏ” lại khá giống với các mức độ cảnh báo mà cơ quan hình sự quốc tế Interpol đặt ra trong việc cảnh báo và truy nã tội phạm. Phải chăng chính quyền TP.HCM đang “học tập tấm gương” của Interpol?
Dù gì, có thể cho rằng tâm lý đề cao cảnh giác đang bao phủ trong giới chức chính quyền và đảng ở Việt Nam, sau khi xảy ra vụ Yên Bái với kết luận “hai người bị bắn” của công an tỉnh này, nhưng một số dư luận lại cho rằng “cả ba bị bắn” và vẫn còn một nhân vật thứ tư đang giấu mặt.
Trước đây, thỉnh thoảng cũng xảy ra một vụ quan chức bắn nhau, nhưng chỉ ở cấp thấp (chủ yếu cấp xã). Còn giờ đây, cái chết đến với cả giới quan chức cao cấp – những chân đứng trong Ban chấp hành trung ương đảng.
“Vừa nghe tin trên mạng về mấy đồng chí bị bắn ở Yên Bái, đến chiều không khí cơ quan bọn này nặng nề phát sợ luôn. Bên ngoài thì bảo vệ cùng cảnh sát được tăng cường gấp đôi, soát xét từng người vào cổng, bên trong mọi người im re như không biết gì, nhưng cứ lấm lét nhìn nhau xa cách chưa từng thấy…” – một cán bộ thuộc một cơ quan kiểm tra đảng địa phương thổ lộ.
Bây giờ thì không một quan chức nào còn an toàn. Ở Việt Nam, không một địa phương nào là không có mâu thuẫn, thậm chí nhiều chính quyền địa phương nổ ra xung đột nội bộ rất nặng nề, đặc biệt về quyền lực và lợi ích nhóm. Sau vụ quan chức bắn nhau ở Yên Bái, điều chắc chắn sẽ xảy ra là nhiều quan chức ở nhiều tỉnh thành khác sẽ đòi có cơ chế cảnh vệ bảo vệ cá nhân họ, đồng thời sẽ ban hành cơ chế kiểm tra vũ khí, chất nổ… tại những cuộc họp quan trọng của thành/tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh/thành, thậm chí xuống cả cấp quận/huyện… Không khí họp hành sẽ bước vào thời chiến.
Chỉ vài ngày trước vụ thảm sát Yên Bái, Quốc hội đã họp bàn về Luật cảnh vệ. Theo đó, khá nhiều “yếu nhân” như nguyên tổng bí thư, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị, và đương nhiên tất cả các ủy viên Bộ Chính Trị hiện nay đều được đặc ân có cảnh vệ bảo vệ. Trong cuộc họp bàn này, đã hiện rõ nhu cầu “tha thiết được bảo vệ” – không phải như một thời trang quyền lực, mà là một thực tế cần thiết.
Có lẽ Ủy ban nhân dân TP.HCM không phải là cơ quan duy nhất cho tới nay quyết định xây dựng hàng rào an ninh để kiểm soát lẫn nhau. Nhiều khả năng trong thời gian qua, không ít cơ quan hành chính địa phương, kể cả cấp sở ngành và quận huyện, đã âm thầm bố trí cơ chế giám sát an ninh, nhưng không công bố ra công luận.
Lê Dung / SBT