Mai Tú Ân
(VNTB) – Không lo sợ già néo đứt dây, không sợ sự trừng phạt có thể có thì các thủ lĩnh CS sẽ ra tay thẳng thừng. Để trả thù và cũng để làm hài lòng những tay cứng rắn nhất trong BCT CS. Thế là sẽ có nhiều nhà đấu tranh dân chủ nước nhà sẽ được mau mắn nhập kho là chuyện có thể dự đoán được.
Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã gần như chết yểu khi ông Donald Trump, người từng tuyên bố sẽ cho TPP vào thùng rác đã đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Mặc dù Tổng thống B. Obama, cha đẻ của Hiệp Định này vẫn cố gắng khích lệ 12 nước liên quan rằng ông vẫn tin vào thành công của Hiệp Định nhưng có lẽ càng lúc ông càng tuyệt vọng hơn khi thời gian làm tổng thống của ông đã sắp hết. Theo các nguồn tin chắc chắn thì Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ không bỏ phiếu về hiệp định này trước khi tổng thống mới nhậm chức. Coi như TPP đã chết khi chưa kịp ra đời. TPP mà không có nước Mỹ thì coi như chết mất gần một nửa với hàng chục tỷ đô la tăng lên cùng các nguồn lợi đủ thứ đổ về với thuế xuất nhập hàng vào Mỹ bằng 0.
Thế là các lãnh đạo Ba Đình của Việt Nam ngẩn ngơ, lúng túng. Họ đã đánh cược vào bà Hillary Clinton quá nhiều với niềm tin bà này sẽ vẫn tiếp nối truyền thống đối xử mềm dẻo của ông B. Obama. Một chính sách ngoại giao thiếu cứng rắn cần thiết của Đảng Dân Chủ đối với chế độ CS ở Việt Nam cũng như khiến cho chế độ này ung dung chơi trò đu dây một cách công khai giữa hai siêu cường là Trung Quốc và Mỹ suốt nhiều năm qua. Nhất là trong vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Có lẽ hiếm có nhà nước nào mà tình hình nhân quyền, sự cởi mở dân chủ trong nước lại phụ thuộc vào nước ngoài nhiều như nước Việt Nam ta. Mỗi khi Việt Nam trước cơ hội được gia nhập một khối chính trị, kinh tế quan trọng nào đó thì nhân quyền lại được cởi trói một chút. Tùy theo sự quan trọng của nơi gia nhập, tùy theo đối tác mạnh hay yếu thì nhân quyền ở Việt Nam, một thứ quyền con người đầy vẻ khôi hài và giả tạo lại được thăng giáng, được đem ra mua bán, trao đổi nếu có kẻ mua. Và trên đời này thì chỉ có mỗi nước Mỹ là nước có đủ khả năng có củ cà rốt và cây gậy (yếu xìu) để mua mà thôi. Và Việt Nam chúng ta cứ ung dung mà chơi trò mặc cả, hét giá lên xuống để trục lợi trước anh Mỹ giàu có và bao dung.
Nhưng than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu. Cuộc bầu cử 2016 đã đưa một nhân vật cứng rắn là ông Donald Trump lên làm tổng thống, với một quốc hội Hoa Kỳ lưỡng viện đều là các ông nghị Cộng Hòa còn cứng rắn hơn. Các đầu lĩnh CS ở Ba Đình ngơ ngác như những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, không biết kiếm sữa ở đâu để bú mớm. Chẳng biết làm gì hơn thôi thì bổn cũ soạn lại, lấy ngay chuyện nhân quyền và tự do của các nhà đấu tranh dân chủ trong nước ra để ăn vạ.
Trước tiên là TPP bị đe dọa chết trước khi sinh. Mất TPP thì cũng đồng nghĩa việc thành lập các hội đoàn độc lập mà hai nước đã đàm phán xong cũng đi tong. Các công đoàn độc lập mới chào đời đón TPP thì bị giải tán, cùng với hy vọng cho phép lập hội đoàn tự do vào cuối năm nay cũng chết ngắc. Những điều luật cởi mở đôi chút như Quyền Biểu Tình chẳng hạn sẽ ở lâu lắm trong bóng tối. Quan trọng hơn nữa là sẽ có nhiều nhà đấu tranh dân chủ sẽ bị bắt, nhiều phong trào độc lập sẽ bị đánh phá để trút cơn hả dạ.
Ở đời có chuyện “Bánh ít đi, bánh qui lại” nhưng bây giờ ở phía “đối tác” là Mỹ thì phe Dân Chủ mềm xèo xuống, phe Cộng Hòa cứng rắn lên thì làm gì còn bánh ít để mà vòi vĩnh nữa nên các lãnh đạo Việt Nam đương nhiên cũng chẳng có bánh qui lại. Và nhân quyền ở Việt Nam, một thứ nhân quyền hạng hai cũng đương nhiên bị trả giá, bị bóp nghẹt không thương tiếc. Không lo sợ già néo đứt dây, không sợ sự trừng phạt có thể có thì các thủ lĩnh CS sẽ ra tay thẳng thừng. Để trả thù và cũng để làm hài lòng những tay cứng rắn nhất trong BCT CS. Thế là sẽ có nhiều nhà đấu tranh dân chủ nước nhà sẽ được mau mắn nhập kho là chuyện có thể dự đoán được.
Nhưng biết đâu việc ông Trump đắc cử cùng với việc mất TPP lại là cái may cho nền tự do dân chủ ở Việt Nam. Vì ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh…
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả