Việt Nam Thời Báo

VNTB- Họ cũng là CON NGƯỜI

Phương Thảo


(VNTB) – Không thể phủ nhận nhờ có sự lan truyền thông tin trên Facebook mà công an Campuchia và công an Việt nam mới vào cuộc một cách nhanh chóng như thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là nhân phẩm của người khác, bất luận họ là ai, có thể bị cả đám đông cuồng nộ cùng cộng hưởng chà đạp.
Trong vòng hai ngày những hình ảnh ghi lại người bạo hành một em bé Campuchia 2 tuổi đã được chia sẻ với tốc độ nhanh chóng. Mạng xã hôi sôi sục cùng thức trắng đêm truy tìm kẻ bạo hành tàn nhẫn bé 2 tuổi… Kết quả là rất nhanh sau đó, người có hành vi bạo hành bé trai đã bị bắt kèm theo là hình ảnh, danh tính cũng như phim ghi lại buổi hỏi cung của công an.
Dân mạng đã rất hả hê. Kẻ thủ ác đã bị bắt, đã phải nhận mọi lời chửi rủa … Nhưng những phim ghi lại cảnh đánh ghen, làm nhục người khác, phim ghi lại cảnh hành hạ con nít, phim ghi lại cảnh hỏi cung người bị tình nghi và cả những lời xúc phạm người khác một cách nặng nề như vậy chỉ có thể thấy ở mạng xã hội Việt nam.
Luật sư Lê Công Định cho rằng “ thứ công lý thoả mãn tính hiếu kỳ của dư luận bằng cách vồ chụp con mồi chỉ có thể là CÔNG LÝ DÃ THÚ… người ta không được trang bị kiến thức cơ bản về quyền làm người, nên mặc nhiên chấp nhận lối điều tra chà đạp nhân phẩm nghi phạm của cơ quan công an từ xưa đến giờ.”

Chỉ có bên tây mới vậy …
Năm 2010 Amsterdam xảy ra vụ trẻ em bị lạm dụng tình dục chấn động. Người lạm dụng là một thầy giáo Robert M. làm việc ở nhà giữ trẻ, nạn nhân là trẻ sơ sinh từ vài tháng cho đến ba-bốn tuổi đời. Để truy tìm các nạn nhân, cảnh sát đã cho đưa lên truyền hình một tấm hình duy nhất của một bé trai hai tuổi rưỡi trong khi số nạn nhân lên đến 80 với lời nhắn “ ai biết về cậu bé hai tuổi rưỡi này mà giờ đây đã là bốn tuổi thì liên hệ với cảnh sát tại số điện thoại sau …”
   Phiên toà của Robert M.

Lý do cần truy tìm em bé cũng như danh tính cũng như hình ảnh của người lạm dụng trẻ em này hoàn toàn không được tiết lộ. Mãi cho đến khi cuộc điều tra kết thúc gần bốn năm sau đó, báo chí mới lên tiếng về vụ lạm dụng này mà không có bất kỳ một hình ảnh, thông tin nào của bất kỳ nạn nhân hay thủ phạm nào trong vụ án. Càng không có chuyện người người xông vào chửi bới, miệt thị, kết tội nghi phạm như quan toà một cách công khai trên mạng xã hội.
Nếu muốn truy lùng ra các hình ảnh các vụ xét xử bất kỳ vụ án nào cũng không thể tìm ra được ngoại trừ các ảnh chụp lại hình vẽ bị can từ sau lưng hay nhìn nghiêng mà không có hình trực diện. Hình chụp, nếu có, chỉ là hình ảnh của 3 vị quan toà trong trang phục trắng đen.
Những người bị kết án tội ấu dâm có thể bị phạt tù tới 18 năm và chịu quản chế theo dõi sau khi ra tù có khi lên đến 15 năm. Sau khi ra tù họ sẽ được đưa về các vùng dân cư để sinh sống và phải chịu sự giám sát của chính quyền địa phương. Người dân trong vùng có thể được chính quyền thông báo về sự hiện diện của người từng phạm tội, nhưng chính quyền cũng có thể không công bố thông tin nào nhằm bảo vệ quyền riêng tư của người từng là phạm nhân. Tuy nhiên khi được yêu cầu giải trình thì phải có buổi họp giữa chính quyền và người dân.
Chỉ có tây thôi …
Người thích ấu dâm được cho là một dạng tâm lý bất ổn và có thể đã từng là nạn nhân của ấu dâm. Người ta cho rằng ở Hoà lan có thể có từ 0,5 đến 1%, tức vào khoảng 10.000 – 16.000 người có sở thích ấu dâm, thì đó là một con số khủng khiếp.
Nếu tỷ lệ này cũng có thể xảy ra ở Việt nam thì số người thích ấu dâm lên đến con số vài trăm ngàn đến hàng triệu. Tuy nhiên dường như người ta đã không quan tâm lắm đến chuyện ấu dâm vì nghĩ rằng con nít có gì đâu mà lợi dụng, hoặc khá hơn thì chỉ có con gái mới bị lợi dụng chứ con trai có gì mà bị lợi dụng. Có lúc họ lại còn cho rằng chỉ có tây mới bệnh hoạn như vậy, chứ người Việt đâu có vậy.
Sự thật là những kẻ ấu dâm lại là những người thân hay là người thường gần gũi với các nạn nhân – cậu, chú, bạn của cha mẹ, người trong xóm. Những trẻ em có bị lạm dụng cũng không dám kể lại cho người lớn nghe vì sẽ bị mắng át đi là nói chuyện tầm bậy và không ai tin lời một đứa con nít. Bất kể những quan hệ nào với trẻ em dưới từ 0-16 tuổi mà người có quan hệ lớn hơn trẻ em đó ít nhất 5 tuổi thì được xem là phạm tội ấu dâm.
Cha mẹ mất cảnh giác khi cho con cái ngủ chung với người không phải là cha mẹ, giao cho những người này trông coi con để rảnh tay làm chuyện khác, có khi lại cho rằng những cử chỉ âu yếm đó lại đồng nghĩa với yêu thương trong sáng.
Chỉ với một cuộc nói chuyện nhỏ của tôi với 5 người phụ nữ khác thì đã có đến 4 người thú nhận đã từng bị lạm dụng từ chỉ sờ mó đụng chạm bên ngoài cho đến cả bị hiếp dâm khi chưa đến 10 tuổi. Trong đó tôi cũng là một nạn nhân; một người bạn thân của bố tôi thường xuyên đến chơi, ngủ chung với những đứa con nít và có những hành động mà mãi sau này tôi mới hiểu đó là hình thức của lạm dụng tình dục.
Với ví dụ nhỏ này có thể thấy con số trẻ em bị lạm dụng tình dục ở Việt nam có thể lớn lên đến mức nào khi mà cha mẹ mải mê kiếm sống và mất cảnh giác với những nguy hiểm tiềm ẩn có thể xảy ra ngay trong nhà mình.
Để rồi khi có một chuyện bị trưng ra công luận với người thật, hình ảnh thật như vừa rồi, cả xã hội mới cùng nhau xông vào trị tội, phán xét, nhục mạ kẻ phạm tội trước mắt một cách nhẫn tâm mà không cảnh giác với những kẻ phạm sờ sờ ngay trước mắt và tìm cách ngăn ngừa nạn ấu nhi đang diễn ra âm thầm trong xã hội vốn là một tảng băng chìm khổng lồ trong xã hội.

Họ cũng là CON NGƯỜI
Người ta say sưa kết án thay quan toà, mạt sát nghi phạm bằng những từ ngữ không còn có thể cay độc hơn và quên đi rằng, dù có phạm tội ấu dâm, anh ta cũng là một CON NGƯỜI có quyền được sống, được tôn trọng quyền riêng tư.
Khi chứng kiến những hành động “ công lý dã thú” này tôi liên tưởng đến việc ném đá kẻ phạm tội đến chết trong thời trung cổ, đến việc gọt đầu bôi vôi trong thời phong kiến, đến việc đấu tố trong thời cải cách ruộng đất, cho đến việc dong người đi khắp phố với bản luận tội trước ngực … Kinh khủng hơn, ngày xưa kẻ phạm tội chỉ bị xét xử trong một làng, một khu phố … còn giờ đây chỉ mới là nghi phạm đã phải chịu sự phán xét của cả mấy chục triệu người trên mạng xã hội khắp thế giới.

Báo mạng Việt nam đã có một cái tiêu đề rất kêu và đầy vẻ tự hào “ Dân mạng thức trắng đêm truy tìm kẻ bạo hành tàn nhẫn bé 2 tuổi” kèm theo đó là vô số các bài báo ăn theo biểu lộ sự phẫn nộ với kẻ bạo hành nhằm thoả mãn sự hiếu kỳ đầy thú tính của đám đông.

Không thể phủ nhận nhờ có sự lan truyền thông tin trên Facebook mà công an Campuchia và công an Việt nam mới vào cuộc một cách nhanh chóng như thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là nhân phẩm của người khác, bất luận họ là ai, có thể bị cả đám đông cuồng nộ cùng cộng hưởng chà đạp.

Xin kết lại bài viết bằng lời của Luật sư Lê Công Định ” Ngày nào CÔNG LÝ DÃ THÚ vẫn diễn ra hàng ngày ở xứ này và được mặc nhiên chấp nhận bởi dân chúng hiếu kỳ nhẫn tâm, thì ngày đó khai dân trí vẫn là công việc phải ưu tiên thực hiện trong công cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ.

—————

Bài viết trên mục Diễn đàn thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tin bài liên quan:

VNTB – Cuộc chiến trên chiến tranh Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB- Cuba sau chuyến viếng thăm của Obama

Phan Thanh Hung

VNTB- Bán chả giò ở Hà lan: Một “nghề nails” tự hào của người Việt

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.