Việt Nam Thời Báo

VNTB – Họ doanh nhân và cũng là nạn nhân

Tâm Don (VNTB) 

Những người tiên phong bao giờ cũng gặp nhiều trắc trở và hệ lụy cay đắng. Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình với Việt Nam và Mikail Khordorkovsky ở Cộng hòa liên bang Nga- hai đất nước vào hàng khó hiểu nhất hành tinh, là những người như thế. Họ là hiện thân của những khát khao cống hiến cho quê hương đất nước, họ là biểu tượng của tự lực vươn lên và của tầng lớp doanh nhân thành đạt, nhưng họ cũng chính là nạn nhân điển hình của sự cướp đoạt trắng trợn từ những chính quyền hắc ám.

Từ nước Nga xa xôi

Khordorkovsky sinh năm 1963, trong một gia đình có bố mẹ làm kỹ sư và lớn lên trong một căn hộ hai phòng chật chội tại Moscow. Ông theo học tại Học viện Hoá học Mendeleyev và từng là đảng viên Cộng sản Nga thời Liên Xô. Năm 1987, bốn năm trước khi Liên Xô hoàn toàn tan rã, Khodorkovsky lập ra công ty tài chính sau này trở thành Menatep, một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên thời hậu Liên Xô tại Nga . Vào những năm 1990, ông bắt đầu kiếm được những triệu USD đầu tiên khi ngân hàng mua số lượng lớn cổ phần trong các công ty tư nhân hóa với giá rẻ mạt.

Theo BBC, vào năm 1995, Khodorkovsky mua tập đoàn dầu khí Yukos trong một cuộc đấu giá quốc gia với giá thanh lý 350 triệu USD. Dưới dự điều hành của Khodorkovsky, Yukos trở thành doanh nghiệp dầu khí lớn thứ hai ở Nga, khi đạt được những tiêu chuẩn quốc tế và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp vận hành tốt nhất nước Nga. Trước khi bị bắt, nhà tài phiệt từng sở hữu khối tài sản trị giá 15 tỷ USD theo thống kê của tạp chí Forbes, và là người giàu nhất nước Nga.

Vào thời đỉnh cao của “đế chế kinh doanh”, Khordorkovsky có nhiều hoạt động liên quan đến chính trị. Ông từng ủng hộ tài chính cho hầu hết các chính đảng tại Nga, nhưng khẳng định không gắn bó với bất cứ một đảng phái nào.

Khordorkovsky từng có những động thái chính trị được cho là đầy mạo hiểm khi không hề tỏ ra giấu diếm sự ủng hộ của mình đối với các chính trị gia đối lập với Tổng thống Vladimir Putin, người kế nhiệm đầy quyền lực của ông Yeltsin.

Năm 2003, Khodorkovsky bị buộc tội gian lận và trốn thuế. Vụ bắt giữ xảy ra khi đặc nhiệm Nga bao vây máy bay của Khodorkovsky, khi nó dừng lại để tiếp nhiên liệu ở Siberia. Ông ngay lập tức bị tống giam. Báo chí phương Tây khi đó nghi ngờ rằng đây là hành động nhằm loại Khodorkovsky, người đã tài trợ cho các đảng đối lập, ra khỏi vũ đài chính trị.

Đáp lại, khi chính phủ Nga tịch thu 13 tỷ USD cổ phiếu Yukos, ông Putin nhấn mạnh vụ bắt giữ là nhằm diệt trừ nạn tham nhũng doanh nghiệp.

Khodorkovsky bị xét xử lần đầu vào năm 2004. Tháng 6/2005, Khodorkovsky bị kết án 6 trong 7 tội danh gồm gian lận, trốn thuế và bị kết án 8 năm tù tại Krasnokamensk, một trại lao động ở Siberia. Trong thời gian thụ án, Khodorkovsky bị tước bỏ mọi hoạt động trí óc, ông không được đọc sách, chiếc tivi duy nhất được đặt trong phòng giải trí với các tù nhân khác. Trong khi đó, tài sản chính của Yukos đã được bán cho một công ty khác, sau này được công ty dầu khí nhà nước Rosneft mua lại.

Tháng 3/2009, khi còn 2 năm nữa sẽ mãn hạn tù, Khodorkovsky bị đem ra xét xử lần hai với các cáo buộc bổ sung rằng ông và một đối tác kinh doanh cũ đã biển thủ 25 tỷ USD. Ông bị kết án thêm 6 năm tù vào tháng 12/2010 với tội danh biển thủ 350 triệu tấn dầu từ các công ty con. Các luật sư của Khodorkovsky luôn cho rằng vụ tố tụng nhằm vào thân chủ của họ được dàn xếp nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của ông này trong chính trị.”Bất cứ ai đã theo dõi phiên tòa này hiểu rằng nó chỉ là một trò hề”, Vadim Klyuvgant, luật sư biện hộ chính cho nhà tài phiệt phát biểu ngay trong phiên tòa. 

Mikhail Khodorkovsky đã được thả theo lệnh ân xá của tổng thống Putin vào tháng 12/2013. Chỉ vài giờ sau khi được trả tự do, Khodorkovsky đáp máy bay sang Đức.

Ngày 20/9/2014, Khordorkovsky tái phát động Open Russia, phong trào liên kết những người Nga ủng hộ châu Âu từng được ông khởi xướng vào năm 2001. Ông và các đồng sự cho rằng cần phải nhanh chóng cải cách chính trị và khẳng định đã đến lúc phải tính đến tương lai của Nga sau thời của Putin.

“Tôi không quan tâm đến ý tưởng trở thành tổng thống Nga vào thời điểm đất nước phát triển bình thường. Nhưng nếu đất nước phải vượt qua khủng hoảng và thực hiện cải cách hiến pháp, thì cần phân phối lại quyền lực của tổng tống để tăng quyền cho tư pháp, quốc hội và xã hội dân sự. Khi đó tôi sẽ sẵn sàng tham gia một phần nhiệm vụ này”, Khordorkovsky phát biểu sau nhiều năm im lặng.

Vào năm 2009, Tòa án quốc tế La Haye tuyên bố thụ lý vụ án những cổ đông cũ của Yukos kiện nhà nước Nga đã thâu tóm hang dầu Yukos. Ngày 28-7-2014, tòa này, sau nhiều ngày xử án, đã ra phán quyết yêu cầu nhà nước Nga bồi thường cho nhóm cổ đông cũ của hang dầu Yukos hơn 50 tỉ USD với lí do nhà nước Nga đã giải thể và thâu tóm hang Yukos vì lí do chính trị.

Theo cố vấn pháp lý trước đây của Yukos – ông Dmitry Gololobov, quá trình đòi bồi thường sẽ phải trải qua nhiều năm tranh cãi pháp lý. Nga sẽ từ chối trả tiền và lấy được tài sản của Chính phủ nước này cũng là nhiệm vụ khó khăn. Gus Van Harten – Giáo sư tại trường luật Osgoode Hall, thuộc Đại học New York cũng cho rằng vì tài sản của Chính phủ Nga khó tịch thu, các công ty quốc doanh như Rosneft hay Gazprom sẽ rơi vào tầm ngắm của tòa án.

Ra đi, trở về và đào thoát

Năm 1976, ông Trịnh Vĩnh Bình cùng vợ, 3 con và vài anh em vượt biên ra nước ngoài. Sống tại trại tạm cư Songkhla, Thái Lan, hơn 4 tháng thì gia đình được sắp xếp đi định cư theo diện tị nạn tại Hà Lan.

Đầu thập niên 1980, ông Bình nảy ý định chuyển sang kinh doanh thực phẩm xuất khẩu ra thế giới.

Tốt nghiệp đại học năm 1984, ông bắt đầu đăng ký làm đại lý xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm có tiếng như sữa đặc Omela của hãng C.C. Firesland (tức sữa “Cô Gái Hà Lan” hiện nay), xì dầu Maggi của hãng Nestle…

Nhập quốc tịch Hà Lan năm 1985, ông tiếp tục học lấy bằng Quản trị Kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp năm 1986, ông mở thêm hai tiệm thực phẩm (loại mini market) tại Hà Lan và bắt đầu nghiên cứu sản xuất chả giò, món ăn khai vị rất được ưa thích của Việt Nam, theo công nghệ tự động.

Năm 1989, sau khi xây dựng xong nhà máy sản xuất chả giò, ông Bình bắt đầu cung cấp chả giò cho các hệ thống siêu thị tại Hà Lan, sau đó là Bỉ và Anh quốc.

Trong một thời gian ngắn, thương hiệu chả giò Trinh’s (Trịnh) đã được biết tiếng và xếp hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mora của Unilever và Duif của Bols Wassanen.

Ông Trịnh Vĩnh Bình trở thành triệu phú tại Hà Lan với biệt hiệu “Vua Chả Giò.”

Mikhail Khodorkovsky
Ý định về Việt Nam đầu tư xuất phát từ một lần ông Bình đến Tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp (lúc đó Việt Nam chưa có đại sứ quán tại Hà Lan) để xin visa về nước thăm gia đình.

Tháng Hai, 1990, ông Bình quyết định về “khảo sát thị trường.” Bản thân ông Bình đánh giá Việt Nam lúc này “có một khoảng trống lớn” để đầu tư.

Quyết định bán cơ sở kinh doanh tại Hà Lan, tháng Sáu, 1990, ông Trịnh Vĩnh Bình bắt đầu chuyển những đồng đôla đầu tiên về nước. Sau gần 60 lần nhập cảnh, ông Bình mang về nước 2,328,250 đôla và 96 ký vàng, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Tổng cục hải quan Việt Nam và Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.

Chỉ trong 6 năm, qua hàng loạt lãnh vực kinh doanh và đầu tư sắc bén, giá trị số vốn ban đầu ông Trịnh Vĩnh Bình đưa về Việt Nam được nhân lên hơn 8 lần.

Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế.” Cáo buộc ban đầu này sau đó nhanh chóng được chuyển đổi thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ,” vì “thiếu căn cứ,” theo lời Luật sư Nguyễn Minh Tâm, một trong những luật sư của ông Bình lúc bấy giờ.

Ngày 11/12/1998, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án 13 năm tù đối với ông Trịnh Vĩnh Bình về tội vị phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ, phạt 400 triệu đồng, tịch thu tài sản được cho là “sang nhượng bất hợp pháp”.

Sau phiên phúc thẩm, bản án của ông Bình giảm từ 13 năm xuống thành 11 năm tù (năm 1999). Báo Thanh Niên ngày 14/7/2012 cho hay nhiều tài sản (nhà và đất) của ông Bình được tòa phúc thẩm giao cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai tịch thu. Hai cơ sở sản xuất (diện tích gần 40.000 m2) cùng 9 căn nhà trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao cho Cục Thi hành án dân sự bán đấu giá.

Trong thời gian ngắn ngủi bị quản thúc tại gia, bằng một cách thức bí mật nào đó, ông Trịnh Vĩnh Bình đã đào thoát khỏi Việt Nam để trở về với quê hương thứ hai của ông là Hà Lan.

Tháng 10/2003, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức nhờ tổ hợp luật sư nổi tiếng của Mỹ, Covington & Burlington, đứng ra kiện Chính phủ Việt Nam trước Tòa trọng tài Quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng thuê một tổ hợp luật sư nổi tiếng của Pháp, Glyde Loyrette Rouel, đại diện mình.

Phía ông Bình đòi Chính phủ Việt Nam bồi thường 100 triệu đôla vì vi phạm Hiệp định Thương mại Song phương.

Trong thư gửi cho Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện, Luật sư của Covington & Burlington cho biết họ “xác định được rất nhiều quyền lợi của ông Trịnh, quyền của nhà đầu tư vào Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng.” Chẳng hạn như “ông Trịnh đã bị tước đoạt quyền được ‘đối xử bình đẳng và công bằng’ cho nhà đầu tư Hà Lan tại Việt Nam theo điều khoản 3(1) của Hiệp ước quy định.”

Trước khi diễn ra phiên xử đầu tiên, được ấn định vào ngày 4/12/2006, Việt Nam đã gửi nhiều đoàn đàm phán đến làm việc với ông Trịnh Vĩnh Bình.

Sau gần cả chục lần đàm phán, kể cả trực tiếp và gián tiếp qua điện thoại, email, ông Bình cho biết hai bên đã đạt được một “thỏa thuận ngoài tòa.”

“Cuối cùng vào tháng 11/2006, trước khi xử khoảng 10 ngày, [hai bên] đã ký được Bản Thỏa Thuận. Họ ghi rõ phía ‘Chính phủ Việt Nam cam kết’ trên văn bản đàng hoàng nên tôi đinh ninh rằng họ sẽ làm hết, sẽ giải quyết cho tôi. Tôi nghĩ thôi thì cố gắng về gầy dựng lại”.

Thỏa thuận, theo lời ông Bình, được ký kết tại Singapore vào tháng 11/2006, bao gồm 3 điều khoản.

Điều 1: Ông Trịnh Vĩnh Bình cam kết chấm dứt hoàn toàn vụ kiện tại Tòa trọng tài ở Stockholm và sẽ không có phiên tòa đã được ấn định trước đó.

Điều 2: Phía Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho ông Bình 15 triệu đôla; miễn thi hành án tù và tạo điều kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình về nước thực hiện các dự án đầu tư; khi ông Bình có đơn kiến nghị, Chính phủ Việt Nam xem xét trả lại những tài sản “hợp lý” của ông Bình.

Điều 3: Chính phủ Việt Nam bảo đảm quyền cư trú, đi lại và làm ăn cho ông Trịnh Vĩnh Bình.

Sau thỏa thuận ký kết tại Singapore năm 2006, ông Trịnh Vĩnh Bình trở về Việt Nam. Đúng theo cam kết, Việt Nam miễn án tù và cho phép ông Bình ra vào nước dễ dàng. Dù không hề đề cập đến Bản thỏa thuận, báo Lao Động ngày 11/6/2012 vẫn đưa tin ông Bình “được Chính phủ ta giải quyết miễn chấp hành hình phạt tù, cho về Việt Nam.”

Nhưng điều khoản trả lại tài sản đã không được thực hiện như những hứa hẹn trong thời gian đôi bên thương lượng thỏa thuận, theo lời ông Bình.

Tháng 1/2015, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa trọng tài Quốc tế lần thứ hai. Hồ sơ của ông lần này được chuyển cho tổ hợp luật sư nổi tiếng của Mỹ: King & Spalding.

Trong vụ kiện lần này, ông Trịnh Vĩnh Bình đòi nhà nước Việt Nam phải bồi thường “ít nhất 1,25 tỷ đôla”.

Về phía mình, Chính phủ Việt Nam lần này thuê tổ hợp Luật sư nổi tiếng của Anh, Freshfields Bruckhaus Deringer LLP. 

Vụ án doanh nhân người Hà Lan gốc Việt Nam Trịnh Vĩnh Bình lần thứ hai kiện nhà nước Việt Nam ra tòa quốc tế được Tòa Trọng tài quốc tế Paris đưa ra xét xử vào ngày 21-8-2017, và dự kiến sẽ diễn ra từ 7 đến 10 ngày. Theo nhiều đánh giá, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình có đến 95% phần thắng, và số tiền được phán quyết đền bù sẽ là một con số không nhỏ, có thể lên đến 500 triệu USD.

Cũng theo các chuyên gia luật pháp quốc tế, phán quyết sẽ có hiệu lực ngay lập tức, và nếu nhà nước Việt Nam không chấp hành án, nhiều tài khoản của chính phủ Việt Nam ở nước ngoài ngay lập tực sẽ bị phong tỏa để thi hành án.

Nếu hơn 50 tỉ USD mà chính phủ CHLB Nga phải trả cho các cổ đông cũ của hãng dầu Yukos là một khoản tiền khó đòi bởi nhà nước Nga có nhiều sức mạnh từ vũ khí năng lượng, vũ khí hạt nhân và vũ khí độc đoán Putin, thì khoản đền bù của nhà nước Việt Nam là một khoản dễ đòi.

Trịnh Vĩnh Bình và Mikhail Khordorkovsky giống nhau và khác nhau ở những điểm nào? Nét giống nhau ở họ là họ phải sống và trưởng thành trong một xã hội độc tài, không minh bạch và xám xịt. Họ đã phải nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực. Trịnh Vĩnh Bình đã phải nỗ lực tận cùng để ra đi, để thành công và để trở về để cống hiến cho đất mẹ. M. Khordorkovsky đã phải nỗ lực tận cùng để thành đạt, để có được hãng dầu lừng danh Yukos với phương thức quản trị phương Tây tân tiến, nỗ lực cho đa nguyên chính trị ở Nga. Và họ đã giống nhau tận cùng: bị nhà nước tịch thu toàn bộ tài sản, bị vướng vòng lao lí. Và họ giống nhau ở một điều khác nữa: Họ được luật pháp quốc tế công minh và tiến bộ che chở- những thứ chỉ là xa xỉ trên tổ quốc họ, họ được một tổ quốc khác văn minh và bao dung ôm ấp- những điều là huyễn tưởng trên chính đất mẹ đau thương và cay đắng của họ.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của VOA).

Tin bài liên quan:

VNTB- 43 năm Hiệp định Paris: Có hay không ‘hòa hợp hòa giải’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa: Hai cách hành xử khác nhau nói lên điều gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ký sự: Nỗi buồn Đambri

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo