Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hồ sơ: oan án doanh nhân

Hồng Dân

 

(VNTB) – Doanh nhân Việt Nam bị hình sự hoá đã đành, mà cả những doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài vào làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam cũng đã trở thành đối tượng bị hình sự hoá.

 

Vụ án James Chor Hang Chow là một đơn cử.

James là một công dân Canada gốc Hoa đến TP.HCM để kinh doanh. Trong quá trình làm ăn, ông James nợ Công ty Vận tải biển Khánh Hòa tiền thuê tàu biển, không thanh toán đúng hạn. Cuối tháng 12 năm 1991, Trọng tài kinh tế TP.HCM ra quyết định chung thẩm buộc ông James phải trả cho Công ty Vận tải biển Khánh Hòa 213.000USD.

Ông James cho rằng phán quyết của Trọng tài không đúng nên khiếu nại quyết định của Trọng tài kinh tế. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, ông James chưa chịu thanh toán nợ cho Công ty vận tải biển. Do đó, tháng 8 năm 1992, ông James bị bắt giam với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa; tài sản bị niêm phong, trong đó có một con tàu mang tên Đường Thuỷ 1 do ông James là chủ sở hữu hợp pháp.

Cuối năm 1992, cơ quan điều tra Công an TP.HCM tạm giao tàu cho Công ty vận tải biển Khánh Hòa quản lý và khai thác trong thời gian chờ xét xử.

Tháng 2 năm 1995, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử vụ án ông James phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ông James bị phạt 30 tháng và 5 ngày tù. Án sơ thẩm tuyên giao tàu Đường Thuỷ 1 cho Công ty vận tải biển Khánh Hoà để thanh toán nợ, ông James kháng cáo.

Đến ngày 14-8-1995, Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM mở phiên toà phúc thẩm, nhận định: Khoản tiền ông James nợ Công ty là tiền công vận chuyển, nếu ông James vi phạm hợp đồng thì Công ty có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác. Án tuyên: ông James không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Vụ án tương tự là với ông Terry Lee-Daso. Trong vụ án này, từ một tranh chấp hợp đồng ngoại thương đã có phán quyết bằng bản án của Trọng tài Quốc tế nhưng chưa được thi hành, bên được bồi thường đã nóng lòng gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra.

Thế là từ đây tố tụng hình sự chen chân vào, khiến cho một công dân nước ngoài, ông Terry Lee – quốc tịch Đài Loan phải vào vòng lao lý với hơn 2 năm trời là bị can, 8 tháng bị tạm giam. Không chỉ trong thời gian ấy, Lee phải chịu những tổn thất về mặt cơ hội làm ăn kinh doanh, bị nỗi nhục và sức ép về tinh thần.

Qua hai vụ tóm tắt kể trên, có thể thấy, trong thực tế hình sự hoá không chỉ xảy ra đối với chủ thể của các giao dịch dân sự mà xảy ra cả đối với chủ thể của các quan hệ kinh tế, thương mại, không chỉ bó hẹp trong các giao dịch dân sự, kinh tế nội địa mà cả giao dịch dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài.

Chính vì vậy, người bị hình sự hoá không chỉ là người dân mà cả các nhà doanh nghiệp, không chỉ là người Việt Nam mà cả công dân nước ngoài.

Hành vi hình sự hoá của cơ quan tố tụng không chỉ là việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hình sự mà còn gồm cả việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự như bắt, tạm giữ, tạm giam, kê biên tài sản…

Hành vi bị đánh giá sai bản chất pháp lý và bị coi là tội phạm chủ yếu là hành vi không trả được nợ (vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong các giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ). Vì vậy loại giao dịch chủ yếu hay bị hình sự hoá thường là các hợp đồng mua bán, cho vay, cho mượn, cho thuê, đặt cọc tài sản…

Đã có trường hợp, do áp lực tâm lý căng thẳng từ việc cơ quan công an thúc ép con nợ phải trả nợ cho chủ nợ, con nợ đã tìm đến con đường tự kết liễu cuộc sống của mình. Việc khởi tố, điều tra, bắt giam, truy tố, xét xử oan sai trong vụ án bị hình sự hoá còn gây thiệt hại nghiêm trọng về sinh mạng chính trị của người.

Đối với những người là chủ các doanh nghiệp, là người quản lý, điều hành của doanh nghiệp thì khi bị khởi tố và bị bắt giam, doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng “rắn mất đầu” và hầu hết lâm vào tình trạng phá sản. Đối với những doanh nghiệp may mắn thoát khỏi, thì cũng phải mất vài năm sau, hoạt động của doanh nghiệp mới trở lại bình thường.

Một điều cần kể tới là, hầu hết các đối tác làm ăn, bạn hàng đều có thái độ dè chừng, xa lánh, khiến cho doanh nghiệp mất môi trường làm ăn kinh doanh. Điều đó sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng nếu ở mức độ nhỏ cũng gặp phải khó khăn, thua lỗ kéo dài, còn nếu ở mức độ lớn sẽ là sự sụp đổ của doanh nghiệp.

Vào làm ăn ở Việt Nam dù theo lời mời gọi nào, thảm đỏ hay chiếu hoa thì đều như nhau trong đối mặt với hình sự hóa quan hệ dân sự ở nền kinh tế được định hướng chính trị vào từng nhiệm kỳ của người đứng đầu Đảng Cộng sản. Việc hình sự hóa này còn mở rộng ở cả quyền dân sự về biểu đạt niềm tin tôn giáo – chính trị của mỗi cá nhân người Việt Nam.


 

Tin bài liên quan:

Thư của Nguyễn Văn Chưởng gửi Mẹ

Phan Thanh Hung

VNTB – Xuống đường biểu tình phản đối tàu Trung Quốc là chuyện… “xưa rồi Diễm”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Thơ cuối tuần: Án oan và thủ phạm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.