Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Hai nêu lên quan ngại về việc Việt Nam kết án những nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có 5 vụ kể từ tháng Giêng, và kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo.
Những người ủng hộ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và kêu gọi chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nêu lên những lo ngại như vậy trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với Việt Nam
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết vào tháng 3 rằng Việt Nam đã giam giữ ít nhất 163 tù nhân chính trị và chính phủ Việt Nam đang tiến hành đàn áp các blogger, nhà vận động nhân quyền và các nhà hoạt động. Chính phủ Việt Nam phủ nhận việc vi phạm nhân quyền.
Trong thông cáo báo chí trên trang mạng của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, phát ngôn viên Matthew Miller tuyên bố:
“Chúng tôi đặc biệt lo ngại về bản án 13 năm tù gần đây đối với ông Y Krec Bya, người có tiếng nói ôn hòa cho quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam.
Chúng tôi cũng tiếp tục quan ngại về bản án tù nặng dành cho các ông Nay Y Blang, Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương vì vận động ôn hòa cho nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam.
Chúng yêu cầu Việt Nam tôn trọng quyền cá nhân trong việc thực thi tự do biểu lộ, hội họp và tự do tín ngưỡng hay tôn giáo.”
Bộ Ngoại giao cũng kêu gọi Việt Nam “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ oan uổng”.
Ông Y Krec Bya lãnh án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế theo điều 116 Bộ Luật Hình sự. Ông Nay Y Blang bị tuyên án 4 năm 6 tháng tù trong một phiên toà không có luật sư bào chữa hồi tháng 1/2024. Cả hai ông là người thượng theo đạo Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên.
Những nhà hoạt động người người Khmer Krom Tô Hoàng Chương, Thạch Cương nhận các bản án lần lượt 3 năm 6 tháng tù và 4 năm tù vào tháng 3/2024. Ông Danh Minh Quang lãnh án 3 năm 6 tháng tù giam vì các bài viết trên Facebook với cáo buộc ” lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo điều 331 BLHS.
Khi Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam hồi năm ngoái, Nhà Trắng cho biết ông đã nêu lên những lo ngại về nhân quyền.
Tuy nhiên, những người ủng hộ nhân quyền đã cáo buộc chính quyền Biden bỏ qua các vấn đề về quyền khi giao dịch với các đối tác châu Á như Việt Nam và Ấn Độ, những nước mà Washington có mối quan hệ chiến lược quan trọng nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.