Trường Sơn
(VNTB) – Nhà máy alumni trồng keo, tràm trên 300 ha đất hoàn thổ rồi thì để hoang
Đất sau khi được bóc tách, lấy bô xít được trả về với hiện trường mỏ. Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV lưu giữ lớp đất đã bóc để san lấp lại với chiều dày từ 0,6 – 1m. Nếu như đất tự nhiên là những vùng đồi dốc thì sau khai thác bô xít, mặt đất trở nên bằng phẳng, và theo nguyên lý, đất sau khai thác, không làm thay đổi bản chất so với ban đầu. Thậm chí đất có thể tốt hơn, vì đã lấy đi lớp bô xít phía dưới và được cày xới lại, nên sẽ tơi xốp hơn.
Với thực trạng sử dụng đất trên, tỉnh Đắk Lắk phải dành phần lớn diện tích nằm ngoài các khu vực đã kết thúc khai thác quặng, để triển khai các dự án tái định canh, tái định cư. Từ đó làm giảm quỹ đất dành cho canh tác và cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Trong khi đó hiện nay, việc triển khai các dự án tái định canh, tái định cư và các dự án phát triển kinh tế, xã hội rất khó khăn đối với tỉnh do chồng lấn với quy hoạch bô xít, hoặc trong quá trình thi công công trình, dự án phát hiện có bô xít. Mặt khác, chi phí bồi thường về đất và hỗ trợ nghề nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn trong đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng, với khoảng 50-75%. Điều này kéo theo đơn giá đền bù tăng rất nhanh trong thời gian qua. Cụ thể như: tại mỏ Nhân Cơ – Đắk Nông, giá đền bù tăng từ 1,46 tỷ đồng/ha vào năm 2017 lên khoảng 2,45 tỷ đồng/ha…
Hiện nay, TKV không còn nhu cầu sử dụng đất nữa đối với những diện tích đã khai thác hết quặng, nhưng không thể trả được cho tỉnh. Nguyên nhân là vì các quy định liên quan đến chi trả và hạch toán tiền đền bù giải phóng mặt bằng, quản lý và sử dụng đất theo thời hạn. Trong thời gian tới, khi TKV đầu tư nâng công suất sản xuất alumin theo Quy hoạch khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích đất khai thác, hoàn thổ sẽ tăng lên rất lớn. Trong đó, giai đoạn năm 2030 sẽ cần khoảng 220-280 ha đất/năm (sản xuất 2 triệu tấn alum/năm) và 660- 1.120 ha/năm vào giai đoạn 2031-2050 (sản xuất 6-8 triệu tấn alumin/năm).
Với diện tích lớn như trên, nếu không có giải pháp sử dụng đất phù hợp thì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ rất vướng mắc. Đồng thời sẽ không thể huy động nguồn tài nguyên đất sạch để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười thẳng thắn khi làm việc với lãnh đạo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh: Hàng năm, có khoảng 100 ha được địa phương giao để lấy quặng bô xít cho Nhà máy alumin Nhân Cơ với công suất 650.000 tấn/năm. Và nếu chỉ cung cấp cho nhà máy này thì phải mất gần 400 năm mới khai thác, chế biến hết trữ lượng, tài nguyên bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong lúc đó thì 1/3 diện tích của tỉnh, hơn 1.000 dự án không triển khai được, tỉnh nợ dân quá nhiều. Mới triển khai dự án mấy năm mà đã nợ 400 lô tái định cư. Nếu còn triển khai đến 4-5 nhà máy thì tiếp dân khiếu kiện suốt ngày vì dân bị thu hồi đất không có nơi tái định cư, định canh.
Cũng theo ông Mười, nhà máy alumin đã có hơn 300 ha đất hoàn thổ rồi trồng keo, tràm xong thì để hoang, không hiệu quả. “Tại sao không giao về địa phương để sử dụng, các anh giữ lại để hoang làm gì? Nếu 300 ha đất đó trả về địa phương thì chúng tôi thực hiện tái định cư cho dân ngay. Nhiều hội nghị chúng tôi chảy nước mắt vì bô xít có tiềm năng nhưng cản trở, gây khó cho dân.
Nếu Tập đoàn Than khoáng sản không giải quyết cho dân, sẽ có nguy cơ đóng cửa thời gian đến vì không có nguyên liệu”, ông Mười phân tích.
Hiện nay, các khu vực sau khai thác quặng bô xít được đổ thải hoàn thổ và trồng cây keo theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, TKV tiếp tục quản lý các diện tích đất này đến hết đời dự án nhưng không phục vụ công tác khai thác quặng. Vì vậy TKV cho rằng cần có khung pháp lý để đưa diện tích đất này vào phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội địa phương như ý kiến của chính quyền tình này.