(VNTB) – Nếu một nghi can hiếp dâm làm lãnh đạo tờ báo thì các phóng viên, nhân viên tòa soạn liệu có được an toàn không?
Ông Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, vừa trao quyết định bổ nhiệm ông Lương Ngọc An làm phó tổng biên tập tạp chí Nhà Văn và Cuộc Sống hôm 5/12. Ông Lương Ngọc An là người đang vướng vào nghi án hiếp dâm nhà thơ Dạ Thảo Phương.
Theo đó, hồi tháng 4/2022, bà Dạ Thảo Phương (tên khai sinh Phan Thị Thanh Thuý, sinh năm 1974), từng có đơn tố cáo ông Lương Ngọc An hiếp dâm và vu khống bà này từ năm 2000. Thời điểm đó bà Phương là phóng viên, biên tập viên tại ban Văn nghệ Trẻ, thuộc Báo Văn nghệ, trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Còn Lương Ngọc An thì là nhân viên phòng hành chính chuyên lái xe và giúp việc cho Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Trương Vĩnh Tuấn. Dần dần Lương Ngọc An được cất nhắc lên làm phóng viên của báo Văn Nghệ, rồi dần dần lên Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Vụ hiếp dâm đó có sự chứng kiến của nhiều phóng viên, nhà báo tại tòa soạn, bà Dạ Thảo Phương cũng đã viết đơn tố cáo và yêu cầu đối chất trực tiếp. Nhưng ông Lương Ngọc An không dám đối chất công khai mà còn vu khống ngược lại rằng bà Phương đã “ép buộc anh ta vào phòng, kéo anh ta nằm đè lên mình” của bà Phương. Trong khi các nhân chứng đều thấy rằng bà Phương quyết liệt “chống cự đến mức bị ông An cắn bật máu ngón tay, khi bà Phương kêu cứu thì bị ông An ta bóp cổ. (1)
Vụ việc tới nay vẫn chưa được toà án xử lý. Tuy nhiên, sau khi bị bà Phương đăng bài tố cáo trên mạng xã hội, thì đầu tháng 5/2022, bị cách chức Phó Tổng biên tập, Thư ký Tòa soạn báo Văn Nghệ. Và ông An được Nguyễn Quang Thiều điều động về công tác tại văn phòng Hội Nhà Văn Việt Nam (vẫn giữ nguyên chức vụ Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà Văn của ông An, nhưng không rõ chức vụ, vị trí công việc cụ thể là gì).
Và bây giờ, sau 2 năm thì Lương Ngọc An trở thành Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà Văn và Cuộc Sống, có thể nói 2 năm qua ông An đã thực hiện thành công quỷ kế “ve sầu thoát xác”. Chưa bàn tới chuyện có vi phạm pháp luật hay không, nhưng cách làm của Hội Nhà Văn rõ ràng là đang coi thường và thách thức dư luận xã hội.
Sau khi có tin ông Lương Ngọc An được bổ nhiệm này thì bà Dạ Thảo Phương viết trên facebook: “Tôi xin một lần nữa tuyên bố: Tôi phản đối, lên án thái độ dung dưỡng cho tệ nạn xâm hại tình dục. Thái độ này có thể được thể hiện bằng việc tấn công nạn nhân, tìm cách bao che cho thủ phạm, bằng việc phớt lờ, hoặc coi nhẹ, hoặc xử lý một cách trí trá những hành động xâm hại tình dục.” (2)
Hội Nhà Văn là một tổ chức sống bằng ngân sách nhà nước, là tập hợp các trí thức trong lĩnh vực văn xuôi, thơ, phê bình và dịch thuật. Đúng ra hội này phải cố gắng đưa sự thật ra ánh sáng, hỗ trợ các bên làm cho đến cùng vụ việc để xã hội biết rõ thực hư. Vừa có thể bảo vệ thành viên của hội, vừa cho dư luận thấy được uy tín, liêm sỉ của hội.
Còn nếu Ban chấp hành Hội Nhà Văn bất chấp liêm sỹ, quyết tâm tiếp tay, dung dưỡng cho tội phạm thì Hội Nhà văn đáng trách 1, nhưng các thành viên trong hội đáng trách tới 10. Tự xưng là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả mà không dám lên tiếng trước bất công; không dám phản ánh, phản ứng trước những quyết định đốn mạt của lãnh đạo; chọn im lặng là đồng lõa với những sai trái đó, thì liêm sỉ của những “văn nhân” đó ở đâu? Hay các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả trong hội cũng đều là những kẻ cổ súy cho hành vi cưỡng dâm?
Hơn nữa, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống được nhà giáo Hoàng Kim Ngọc đánh giá “là một ấn phẩm có uy tín văn chương, là địa chỉ đỏ của giới cầm bút đồng thời còn là “bà đỡ” cho những người viết mới” (3). Nếu một nghi can hiếp dâm làm lãnh đạo tờ báo này thì các phóng viên, nhân viên tòa soạn liệu có được an toàn không? Hay lại trở thành một cái động cho những kẻ tội phạm tình dục tha hồ tự tung tự tác?
_____________________
Tham khảo:
(1) https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=115695031084310&id=100079314396199
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=568119365841872&set=a.414367274550416&type=3&mibextid=WC7FNe