Hoài Nguyễn
(VNTB) – Người khoác áo hội thẩm lúc nhân danh công lý trong phiên tòa, dường như chẳng khác mấy thân phận phường chèo trong thơ cụ Tam Nguyên Yên Đổ.
“Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”
Thuở xưa, nhà thơ Nguyễn Khuyến – người có rất nhiều những bài thơ trào phúng ở đầu thế kỷ XX đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc; trong đó có bài “Ưu phụ từ” (Lời vợ anh phường chèo) khiến cho người đời sau khi đọc xong luôn cảm nhận được một nỗi buồn man mác, trong đó có 2 câu cuối của bài thơ như sau: “Vua chèo còn chẳng ra gì,/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề” (Bài ưu quân tướng thả bất cụ,/ Hà huống nhĩ vi bài ưu quan).
Tác giả đã mượn lời người vợ của anh phường chèo để nói chuyện nghề của anh phường chèo. Dù anh đóng vai vua hay quan thì cuối cùng anh cũng chỉ là một diễn viên mà thôi. Sau vở diễn, bỏ hết lớp áo mũ ra thì anh cũng chỉ còn lại là một anh phường chèo kiếm ăn qua bữa.
Người khoác áo hội thẩm lúc nhân danh công lý trong phiên tòa, dường như chẳng khác mấy thân phận người nghệ sĩ phường chèo trong thơ cụ Tam Nguyên Yên Đổ.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, điều 9 ghi: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào.
Cá nhân, cơ quan tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Ở Việt Nam hiện nay có hai loại hội thẩm: hội thẩm nhân dân làm việc trong các tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án nhân dân cấp tỉnh; hội thẩm quân nhân làm việc trong tòa án quân sự khu vực và tòa án quân sự cấp quân khu.
Sự phân biệt giữa hai loại hội thẩm chỉ là sự phân loại theo tiêu chí tòa án mà họ phục vụ hơn là phân định giữa các ngạch cao thấp như đối với thẩm phán.
Dân chủ mang tính hình thức thủ tục
Theo nguyên tắc “xét xử sơ thẩm có hội thẩm tham gia”, hội thẩm đại diện cho “cái nhìn” của xã hội trong hoạt động xét xử sơ thẩm. Do đó, khác với thẩm phán, hội thẩm không phải là người xét xử chuyên nghiệp và không là công chức nhà nước. “Tính chất xã hội” của hội thẩm cũng làm cho tiêu chuẩn và thủ tục để trở thành hội thẩm có nhiều điểm đặc biệt.
Về mặt tiêu chuẩn, khác với thẩm phán, tiêu chuẩn để trở thành hội thẩm không đề cao tính chuyên môn mà đề cao uy tín trong cộng đồng dân cư bên cạnh các phẩm chất đạo đức khác, về mặt chuyên môn, hội thẩm chỉ cần có kiến thức pháp luật và có hiểu biết xã hội, không cần có bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn như thẩm phán.
Về thủ tục hình thành chức danh, hội thẩm nhân dân và hội thẩm quân nhân được hình thành bằng hai cách khác nhau: Hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân tương ứng với cấp tòa án sơ thẩm bầu theo sự lựa chọn và giới thiệu của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Hội thẩm quân nhân của tòa án quân sự cấp quân khu do Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương.
Hội thẩm quân nhân tòa án quân sự khu vực do Chính ủy quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương (Theo khoản 1 Điều 86 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 và Khoản 2, 3 Điều 86 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014).
Hội thẩm cũng làm việc theo nhiệm kỳ giống thẩm phán, song thời gian nhiệm kỳ có sự khác biệt. Hội thẩm nhân dân có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân đã bầu ra mình, còn hội thẩm quân nhân có nhiệm kỳ cố định 5 năm kể từ ngày được cử.
Ngồi cho ‘đầy mâm’ (!?)
Tương tự tình cảnh của thẩm phán, các hội thẩm nhân dân cũng có thể bị áp lực khác tác động, khiến họ lúng túng khi tham gia xét xử như hiện tượng can thiệp của chính quyền địa phương, của tổ chức Đảng vào hoạt động xét xử.
Nghiệp vụ tư pháp chỉ dừng ở mức cơ bản nên các hội thẩm nhân dân dễ dàng bị lệ thuộc vào kết quả điều tra, những thông tin, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Trong nhiều trường hợp, các vị hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, tin vào kết quả điều tra có trong hồ sơ vụ án, mà không coi trọng tới những ý kiến trình bày tại phiên tòa, chưa thực sự coi trọng nguyên tắc tranh tụng mà vẫn nặng về thẩm vấn, xét hỏi, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bên tham gia tố tụng.
Do đó, phán quyết của Hội đồng xét xử với vai trò tưởng rằng màu sắc dân chủ là các hội thẩm nhân dân, thực ra vẫn mang tính áp đặt, còn tình trạng xét xử oan sai, trái pháp luật; bản án, quyết định của tòa án cấp dưới bị tòa án cấp trên hủy, sửa nhiều và trong hầu hết các trường hợp đều không thấy ai quy kết về trách nhiệm ‘cầm cân nảy mực’ từ các ông, bà hội thẩm nhân dân.
1 comment
Thì cũng như “đa đảng” & “dân chủ” kiểu Bác Hồ ngày xưa í muh. Hổng lẽ kêu là kiểu Cuội thì cực đoan quá .