Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Hồi ức Phú Nhuận” của một người con Phú Nhuận 

Cù Mai Công

 

Có một hẻm nhỏ ở Phú Nhuận, hai xe máy qua lại một xe phải đi rất chậm hoặc dừng lại, xe kia mới qua được. Hai bên là hai tường rào cao khiến nó càng có vẻ nhỏ hơn. Cuối hẻm, bất ngờ không gian hẻm bừng lên với hoa lá tươi xanh và khoảng sân khá rộng.

Đó là một con hẻm như bao nhiêu con hẻm khác ở Phú Nhuận: không ồn ào mà yên tĩnh, đến lặng lẽ. Hình như ai ở đây khi quét sân cũng quét luôn cả bên sân hàng xóm. Họ lặng lẽ quét và không ngó vô nhà người khác.

Trong hẻm đó có nhà của bạn tôi: Phạm Công Luận. Đó là một ngôi nhà xưa từ hồi Phú Nhuận còn là làng, lên xã sau 1956 và thành quận sau 1975. Tôi thỉnh thoảng tới chơi khi ngôi nhà vẫn còn là một “căn nhà ngoại ô” đúng kiểu Sài Gòn – Gia Định xưa: một trệt một gác xép, rào thưa, có hàng ba, chậu kiểng, cây táo gai trồng sát góc trước nhà … Và trong nhà có những cư dân tánh tình, thói nết một nửa là Sài Gòn, nửa kia là Gia Định với nét trí thức của một Sài Gòn xưa và vẻ chơn chất của một Gia Định ngày nào.

Từ con hẻm ấy, tuổi nhỏ của bạn tôi bắt đầu là những bước chân học trò theo cha mẹ qua những lối nhỏ Phú Nhuận xung quanh ngôi nhà, lúc ấy đa số còn đường đất. Rồi những vòng xe đạp đi học trường Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Thượng Hiền và tới nhà tôi – bên vùng Ông Tạ  từ hồi 14, 15 tuổi. Rồi Luận đi khắp Sài Gòn – Gia Định; hiền lành đi, không ham tranh cạnh, không màng hơn thua, ngay cả trong những lúc cuộc sống vội vã với kinh tế thị trường.

Luận và những tập sách về “Sài Gòn – Chuyện đời của phố” của Luận vẫn cứ một niềm thương yêu Sài Gòn – Gia Định như vậy, như yêu con hẻm nhỏ của gia đình mình. Để cứ mỗi năm, các tập sách về chuyện đời Sài Gòn, về cõi lòng Gia Định của Luận luôn là chờ đợi, thổn thức của bao nhiêu trái tim người Sài Gòn trong và ngoài nước.

Và bây giờ chuyện đời xưa, cõi lòng cũ đã đến lúc trở về nơi chốn Luận sanh ra, lớn lên và ở cho tới nay với tập sách “Hồi ức Phú Nhuận”, vùng đất nơi tôi qua lại mỗi ngày bao năm nay, từ thuở thiếu thời. Nó gần gũi với tôi như tôi với Ông Tạ, thậm chí có những con đường, khu cư xá một phần ở Phú Nhuận, một phần thuộc Tân Sơn Hòa.

Để khi đọc tập sách mới nhất này của Luận, tôi như lạc vào một vùng đất ngỡ quen mà rất lạ, từ những con đường mặt tiền Võ Di Nguy/Phan Đình Phùng, Võ Tánh/Hoàng Văn Thụ, Cách Mạng 1-11/Nguyễn Văn Trỗi, Trương Tấn Bửu/Trần Huy Liệu… đến những hẻm nhỏ, đường mòn, có cái sau cũng đã thành đường: Hàng Gòn, Hàng Dương, Hương Mão/Phan Xích Long, Nguyễn Minh Chiếu/Nguyễn Trọng Tuyển…

Quen vì Phú Nhuận không xa lạ với người Sài Gòn. Nhưng lạ vì rất nhiều những ngôi nhà, con người, khu chợ… ngỡ đã phôi pha, thậm chí ít ai nhắc tới trong những đường ngang lối tắt trên đất Phú Nhuận, qua tập hồi ức này, bỗng trở lại, như hiện ra sờ sờ trước mắt người đọc. Với xóm Nhà Thờ Phú Nhuận, xóm Bắc quanh chợ Ga; với các trường học, trong đó có trường tiểu học Võ Tánh tuổi hơn trăm năm; có quán cà phê bình dân kiểu Phú Nhuận, trung tâm phở ở Gia Định và nhà hàng bò bảy món Ánh Hồng, danh tiếng khắp Sài Gòn…

Trong vô số những hồi ức Phú Nhuận xưa ấy có nhà thuốc Ông Tiên lừng danh Nam Bắc, tiệm thuốc nhỏ Vĩnh An Đường; có tiệm ảnh Mỹ Lai gốc làng Lai Xá vô Sài Gòn từ 1936; có những tiệm mì Tàu góc các ngã ba, ngã tư… và cả một xóm hát Ả Đào của những người Bắc năm xửa năm xưa, từ trào Pháp mở ra.

Và tất nhiên, có chợ Xã Tài/Phú Nhuận của hơn 80 năm trước và hôm nay, một ngôi chợ vốn rất nhiều người viết. Nhưng trong tập sách này, “Chợ Phú Nhuận những năm 1940” đã bật ra như những thước phim quay chậm, bật ra một gia đình nghèo từ xứ xa đến tá túc bên đường Chợ (rue du Marché – nay là đường Cao Thắng). Một thằng nhỏ hơn mười tuổi của gia đình nghèo ấy khi đói, lang thang vô xóm sau chợ Xã Tài, luôn được các cô chú, anh chị trong xóm hỏi: “Mày ăn cơm chưa? Xuống bếp lấy chén lên ăn luôn đi!”, “Con ăn cơm chưa? Xuống bếp coi còn gì thì ăn!”…

Thằng nhỏ ấy sau này là kỹ sư cầu đường, gia đình nghèo kia sau này là chủ quán cơm lớn ở chợ Phú Nhuận, mua được cả biệt thự góc ngã tư Công Lý – Trương Tấn Bửu (nay là Nguyễn Văn Trỗi – Trần Huy Liệu), mua vài căn nhà trên đường Lizé (nay là Điện Biện Phủ). Gia đình ấy, thằng nhỏ ngày nào luôn nhớ về Phú Nhuận của mình như vậy để bán cơm với giá rẻ hơn nhiều hàng quán khác. Khách đông, đa số là bà con nghèo, thầy ký còm áo luôn bỏ trong quần của các cơ xưởng gần đó…

Có lẽ đó cũng là một trong vô số ví dụ nói về một câu thành ngữ giải thích về địa danh Phú Nhuận: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân” (giàu làm đẹp nhà cửa, đức bồi bổ bản thân).

“Hồi ức Phú Nhuận” 320 trang có thể nói là tập sách đầy đủ nhất, cho tới nay về vùng đất Phú Nhuận của một Sài Gòn – Gia Định xưa – qua ngòi bút nhẹ nhàng, thâm trầm mà hết sức sống động, cụ thể, gần gũi của một người con Phú Nhuận, tác giả Phạm Công Luận.

 

* “Hồi ức Phú Nhuận” – Phạm Công Luận – Nhà xuất bản Thế Giới và Công ty sách Phương Nam – Tháng 7-2023

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Có một showbiz rất khác ở Sài Gòn

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn, những ngày đang trở lại…

Phan Thanh Hung

VNTB – Cảm xúc mùa thi

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo