Việt Nam Thời Báo

VNTB- Holocaust Berlin: Tôi bước đi – hai vai nặng trĩu…

Phương Thảo

Images intégrées 1

(VNTB) – Bước chân đi hun hút, có lúc lên cao, lúc xuống thấp; quay qua phải, quay qua trái hay nhìn lên cao cũng chỉ một màu xám xịt. Cảm nhận được cảm giác của những người vô tội đang chờ chết ở các phòng hơi ngạt…

Đài tưởng niệm Holocaust nằm ngay sát bên toàn nhà Quốc hội Đức ở Berlin. Nhìn bên ngoài đôi khi mang lại cho người ta cảm giác là một nơi để nghỉ chân khi có những người ngồi đây đó trên các bệ bê tông thấp trong bóng râm. Những bệ bê tông cao nhấp nhô toàn màu xám mới được xây dựng cách đây không lâu này lại là nơi tưởng niệm chính thức các nạn nhân người Do thái đã bị sát hại trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Đồng Bia
Kiến trúc sư người Mỹ Peter Eisenman và kỹ sư Buro Happold thiết kế khu tưởng niệm này trên một khoảng đất rộng mười chín nghìn mét vuông. “ Đồng bia” này được khởi công xây dựng vào ngày 1 tháng 4 năm 2003, và được xây cất xong vào ngày 15 tháng 12 năm 2004. Đài tưởng niệm được khai mạc vào ngày 10 tháng 5 năm 2005 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt. Tổng chi phí cho công trình này là 25 triệu euro và được dành cho một vị trí trang trọng ngay trung tâm thủ đô nước Đức dù là không phải ai cũng đồng tình với việc xây dựng và vị trí này.

Những cột xi măng cao thấp lô xô nằm ngay hàng thẳng lối, có cái chỉ cao hai mươi centimet nhưng cũng có những cái cao đến bốn mét rưỡi. 2711 cây cột chiều ngang và chiều rộng như nhau, các cột thấp ở bên ngoài và cao dần lên ở phia bên trong. Thêm vào đó là nền đất để dựng cột cũng được xây lượn sóng mấp mô nên nhìn vào ở góc nào cũng thấy các mảng xám đủ sắc độ khác nhau nhất là khi có ánh nắng chiếu vào. Hàng ngàn cây cột cao thấp lô xô mà nhìn xa xa trông giống như một nghĩa trang của những người vô danh mà không hề có một dòng chữ nào được khắc lên các tấm bia. Đài tưởng niệm được bảo vệ kỹ lưỡng để nhằm ngăn ngừa các phần tử quá khích đến đập phá hay cũng chỉ đơn giản là để nhắc nhở khách tham quan phải có thái độ tôn trọng đối với nơi này. Ngoài ra các cây cột còn được phủ một lớp bảo vệ đặc biệt để chống lại lớp sơn của những kẻ thích vẽ tranh tường.

Bước đi qua khỏi đám đông ồn ào và càng tiến sâu vào bên trong, nơi chỉ còn có tiểng chân vọng lại trong tĩnh lặng càng cho ta một cảm giác hoàn toàn khác biệt. Bước chân đi hun hút, có lúc lên cao, lúc xuống thấp; quay qua phải, quay qua trái hay nhìn lên cao cũng chỉ một màu xám xịt. Tôi phần nào cảm nhận được cảm giác của những người vô tội đang chờ chết ở các phòng hơi ngạt… sợ hãi, và không ai biết họ sẽ được đưa đi đến nơi nào. Những thước phim về các trại tập trung – những con búp bê nằm lăn lóc, những gian phòng chỉ toàn là tóc, những chuyến tàu đưa người Do Thái đến nơi họ phải chết một cái chết vô nghĩa… – hiện lên rõ mồn một khi tôi thả từng bước chân chậm rãi đi qua bên dưới các cây cột vô tri.

Dù trời nắng nóng nhưng tôi lại có cảm giác lạnh ngắt, nơi đây không phải nghĩa trang nhưng lại cho tôi một cảm giác đau thương, tang tóc vô tận. Sự im lặng nhức nhối với một câu hỏi mãi không có câu trả lời “vì sao người với người lại có thể tàn bạo với nhau đến như thế?”
Sáu năm, bảy tháng và 24 ngày

Bên dưới lòng đất ở phía đông khu tưởng niệm là trung tâm thông tin. Nơi đây toàn hoàn toàn miễn phí trừ khi muốn thuê máy hướng dẫn thuyết minh. Khi tôi đến đã có rất đông người bên trong nhưng chỉ nghe tiếng bước chân và tiếng hơi thở của người tham quan. Ai cũng chăm chú đọc và bước đi chầm chậm. Chiếm trọn một bức tường lớn là một dãy sáu bức chân dung cỡ lớn của trẻ em, người già, phụ nữ, nam giới tượng trưng cho sáu triệu người Do thái ở đủ lứa tuổi và giới tính đã bị sát hại trên khắp Âu châu.
Căn phòng kế tiếp là một căn phòng trống không, chỉ có các bảng đèn trắng trên nền nhà màu tối đen, không đèn trần, không tiếng nói. Các bảng đèn có kích thước như các trụ đá bên ngoài, chỉ khác không có chiều cao mà thôi. Ở đó là những dòng chữ trong các bức thư, các trang nhật ký được ghi lại có kèm theo cả tên tác giả và ngày tháng. Những dòng chữ mô tả cảm giác chờ đợi trong hoảng loạn, hay những lời nhắn nhủ tạm biệt người thân. Ánh sáng trắng nhẹ nhàng xuyên qua các lớp kính mờ tạo ra một hiệu quả đặc biệt – bầu không khí ngột ngạt và tĩnh lặng. Từng đoạn trích của các lá thư , tấm bưu thiếp hay trang nhật ký còn sót lại làm cho người đọc phải rớt nước mắt khi đọc các dòng chữ của các cô bé mười hai tuổi.
“… Bố ơi, con sợ chết lắm, sợ cái chết này… trẻ con bị người ta mang đi chôn sống …”
“ Bố kính yêu, con tạm biệt bố trước khi con chết. Con muốn sống nhưng họ không cho con sống và con sẽ phải chết… Vĩnh biệt bố. Hôn bố.”
Phòng gia đình là nơi trưng bày hình ảnh của 15 gia đình Do thái ở khắp châu Âu. Tên tuổi, hình ảnh, nơi họ từng sống, nghề nghiệp và cả cái chết được đặt ở nơi đây. Mười lăm gia đình phản ánh sự đa dạng của nền văn hóa Do thái khác nhau khắp châu Âu và đều đã bị hủy hoại, tàn sát không thương xót. Các mối liên kết gia đình Do thái đã bị tước bỏ ở hầu như các nơi mà Đức quốc xã chiếm đóng và còn hơn thế nữa môi trường văn hóa và thế giới của họ đã bị gần như xóa sổ. Với những người còn sống sót không phải ai cũng may mắn lưu giữ lại được một tấm ảnh nào đó của người thân trong gia đình.
Phòng Họ tên cũng lại là một căn phòng trống chỉ có các băng ghế để ngồi nhưng lại là nơi ấn tượng nhất dù không có trưng bày một hiện vật hay hình ảnh nào ngoài các dòng ghi lại tên tuổi và nơi sinh sống của những người Do thái đã bị giết hại hay mất tích được lần lượt chiếu lên bốn bức tường cùng với giọng nói xướng lên các tên tuổi ấy. Không phải ai cũng được biết đến với những dòng tiểu sử vắn tắt như thế và việc tìm kiếm vẫn tiếp tục để có thể thu thập lại tên họ của tất cả các nạn nhân Holocaust trên toàn châu Âu. Chỉ với việc đọc tên và tiểu sử tóm tắt thôi, thì phải mất đến 6 năm, 7 tháng và 24 ngày để có thể hoàn tất được danh sách của những nạn nhân vô tội. Một con số không thể tưởng tượng được, quá lớn và quá đỗi vô lý. Ngồi trong căn phòng tối không nhìn rõ mặt người và lắng nghe tên của người quá cố nhưng lại rất nặng nề, ngột ngạt. Có lẽ hơn 70 năm trước họ cũng phải ngồi trong các căn phòng tăm tối như thế để chờ đợi cái chết tàn khốc. Tôi ngồi im lặng và nước mắt lại lăn dài, khóc thương cho những người chưa bao giờ biết mặt.
Tôi bước đi – hai vai nặng trĩu …
Bước chân ra ngoài căn phòng Họ tên, tôi không thể đi xa hơn được. Tôi ngồi lại, nhìn quanh các bức tường có trưng bày các tấm ảnh đủ màu sắc và ánh nắng chan hòa nhưng tâm trạng lại trống rỗng. Quanh tôi cũng có nhiều người lặng lẽ ngồi cúi đầu, tiếng sụt sịt, tiếng thở dài, nhiều người đưa tay lên lau nước mắt mà không cần phải giấu diếm.
Khi bước đi giữa các cột xi măng vô tri tôi đã tự hỏi tại sao kiến trúc sư lại chọn các cột xi măng xám trơn tuột, không có lời giải thích về biểu tượng hay tính tượng trưng, ý nghĩa gì của Đồng bia. Câu trả lời cũng không được tìm thấy ở trong tờ hướng dẫn thông tin của khu tưởng niệm, cũng không có hiện diện ở đâu đó trong khu trưng bày. Giờ đây khi ngồi lại tôi chợt hiểu, câu trả lời ở ngay trong tôi như lời nhà văn Ý Primo Levi đã được trích dẫn ở ngay lối vào “Điều ấy đã xảy ra, và vì thế điều ấy có thể sẽ lặp lại, đây là điều cốt lõi mà chúng ta cần phải nói,” …

Tôi cầu nguyện cho linh hồn của người Do thái được siêu thoát, tôi cầu nguyện Thượng đế hãy tha thứ cho những người đã lỡ làm sát nhân, và tôi cầu nguyện cho nhân loại không phải chịu đựng thêm một vết nhơ Holocaust nào nữa.

Tôi bước đi – hai vai nặng trĩu…

Tin bài liên quan:

VNTB- Quan hệ Việt – Mỹ hết thời trả treo

Phan Thanh Hung

VNTB- 41 năm đất nước tôi…rệu rã…

Phan Thanh Hung

VNTB- Bán chả giò ở Hà lan: Một “nghề nails” tự hào của người Việt

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.