Nguyễn Nam
(VNTB) – Có lẽ câu chuyện mà người kể vốn là cây bút chuyên mảng pháp đình nổi tiếng nhất nhì ở Sài Gòn một thời, đang thu hút cả người tò mò chuyện chiêm bao mộng mị, cho đến người đang ngờ vực việc mượn hồn ma bóng quế để vén dần những bức màn vụ huyết án ở bưu cục Cầu Voi, tháng 1-2008.
Bài báo có tựa “Quarantining With a Ghost? It’s Scary” (*) đăng trên tờ The New York Times, số phát hành ngày 14-5-2020, cho thấy dường như những gì mà nữ nhà báo Việt Nam hiện sống tại Mỹ, đang cảm nhận về oan hồn của hai cô gái tuổi đôi mươi ở bưu cục Cầu Voi, là có thật.
“Quarantining With a Ghost? It’s Scary” kể rằng (lược dịch), đối với những người tin rằng họ đang sống cùng nhà với hồn ma, những ngày cách biệt cộng đồng không chỉ gồm các cuộc họp từ xa hay học trực tuyến mà còn có những giọng nói không biết phát ra từ đâu, những bóng hình mờ ảo, những sự cố lạ kỳ của thiết bị điện tử, những con mèo vô hình nằm trên ghế, cảm giác có bàn tay vô hình chạm vào người hay nhìn thấy những hồn ma lơ lửng. Một số người sợ hãi. Những người khác chỉ đơn giản coi là có thêm ‘người bầu bạn’.
Bài báo có những đoạn tường thuật khá ly kỳ: “Trước khi New York yêu cầu người dân ở nhà để ngừa dịch corona, Patrick Hinds, 42 tuổi, rời Manhattan cùng bạn đời và con gái để nghỉ 6 tuần tại một ngôi nhà nhỏ xinh xắn ở phía tây Massachusetts mà họ thuê trên ứng dụng đặt phòng.
Một đêm nọ, Hinds thức dậy vào khoảng 3g để uống nước. Anh nhìn thấy một người đàn ông da trắng ngoài 50 tuổi, mặc quân phục thời Thế chiến II đã sờn rách, ngồi trên bàn. ‘Trong một tích tắc ban đầu, tôi không nhận ra điều bất thường, nhưng khi quay lại nhìn, ông ấy biến mất’, Hinds nói. ‘Nhưng tôi không cảm thấy sợ. Tôi còn không định kể cho bạn đời nghe vào sáng hôm sau’.
(…) Danielle, luật sư 39 tuổi, đã thực hiện cách biệt cộng đồng từ trước khi đại dịch bùng phát. Cô dưỡng bệnh tại nhà ở Richmond, British Columbia, sau khi mắc phải một căn bệnh nặng trong mùa đông. Cô lần đầu tiên nhận thấy hiện tượng kỳ lạ vào tháng hai, khi phát hiện một chiếc đèn trong phòng ngủ cho khách được bật dù cô nhớ đã không bật nó lên. Việc này lặp đi lặp lại. Một hôm, cô nói to: ‘Đừng bật đèn lên nữa’. Lần sau cô bước vào phòng, chiếc đèn nói trên vẫn tắt, nhưng đèn trần, thứ cô chưa bao giờ bật, sáng choang. Cô còn nghe thấy giọng nói của một người đàn ông và một người phụ nữ nhưng không thể nghe ra họ nói gì.
Gần đây, khi đang may khẩu trang trong căn phòng này, cô còn lượng vải vừa đủ để may thêm một chiếc khẩu trang. Nhưng chỉ trong chốc lát không chú ý, hai mẩu vải còn lại biến mất. ‘Chúng biến mất, chỉ trong 20 giây. Tôi đã kiểm tra thùng rác và chồng vải nhưng không thấy gì. Tôi tìm kiếm khắp nhà nhưng chúng không bao giờ quay trở lại’. (dừng lược dịch)
Có ý kiến bình luận của bạn đọc rằng do ảnh hưởng corona, nên số lượng hồn ma tăng nhanh, mà bên thế kia thế giới chưa kịp xây nhà nghỉ cho họ, nên họ chỉ tạm thời đi chơi trên đây đó thôi…
Cây bút chuyên mảng pháp đình một thời của báo Tuổi Trẻ hiện đang sống ở Mỹ, chia sẻ câu chuyện huyền ảo mà bản thân chứng kiến trong những ngày đại dịch cúm Tàu này: (**)
“Nếu như dấu hiệu đầu tiên (bàn tay trong suốt) tôi hiểu ý nghĩa nhanh bao nhiêu thì dấu hiệu thứ hai tôi bị chậm bấy nhiêu. Tôi đã mất mấy ngày vẫn chưa nghĩ ra, cho tới hôm qua. Tuy nhiên, do dấu hiệu này quá khó, chưa chắc là tôi đã hiểu đúng, nên tôi chợt nghĩ ra có thể nhờ mọi người góp một tay, cùng phụ vào giải mã.
Dấu hiệu thứ 2 xuất hiện ngày chủ nhật 10/5/2020, thời gian tôi không biết chính xác, có thể là trong khoảng từ 11 giờ đêm, qua tới 1g khuya thứ Hai. Tôi ngồi ở chiếc bàn bên ngoài phòng khách, vẫn thường hay dùng để ăn cơm. Tính lướt Facebook một chút rồi đi dọn dẹp và đi ngủ. Tôi vẫn hay có thói quen bật hết tất cả các đèn nên phòng rất sáng. Ngồi lướt Facebook, tôi không rõ là mình có ngủ gục hay không, và rồi tôi nhìn thấy ở phía vách tường bên tay phải của tôi, hai cô gái.
Cô thứ nhất nhỏ con, tóc suôn dài tới vai, nằm ngửa và mặc một bộ đồ Tây màu nhạt. Cô hơi hơi lắc lư thân mình.
Cô còn lại đứng bên phía trái của cô kia, hơi có da có thịt. Cô này mặc một áo giống áo đầm, bằng tơ hay lụa mềm, dài xuống tận chân, hoa văn màu xanh, đen, có kim tuyến. Cô cũng lắc lư nhè nhẹ thân người. Theo tôi hiểu lúc đó thì giống như hai cô đang ở trên sân khấu biểu diễn xiếc. Khung cảnh chẳng có gì đặc biệt ngoài chuyện là thay vì đứng và nằm dưới sàn thì hai cô lại… ở phía trên, đầu cô áo xanh đen đụng trên trần phòng khách của tôi, còn cô mặc bộ đồ Tây thì nằm lơ lững gần sát trần.
Cô nằm lơ lững nói vỏn vẹn 6 chữ: “bay bay, bay bổng, bay bổng”!
Tôi cũng không rõ hình ảnh đó xuất hiện rồi biến mất lúc tôi mở mắt hay nhắm mắt, chỉ nhớ lúc tôi nhìn một cách tỉnh táo thì đã không còn thấy nữa. Thời gian xuất hiện chỉ trong chừng 1 phút”.
Cả hai cô gái này dường như nằm trong chuỗi câu chuyện về đêm xảy ra vụ huyết án của tháng giáp Tết ta ở 12 năm về trước tại khu vực Cầu Voi rất vắng vẻ, giáp thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Liệu có phải đó là những huyền ảo đầy bất ngờ khi người ta phải buộc ở quá lâu trong nhà của yêu cầu giãn cách xã hội? Lưu ý rằng trước khi là phóng viên chuyên mảng pháp đình, thì tác giả kể về mộng mị chập chờn thực hư kỳ lạ ở trên, là một người được đào tạo trường lớp tử tế trong ngành Y khoa tại Sài Gòn.
_____________
Chú thích:
(*) https://www.nytimes.com/2020/05/14/style/haunted-house-ghost-quarantine.html
(**) https://www.facebook.com/thuy.cuc.3/posts/10220195087460717