Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Huông” lãnh đạo khai trống năm học mới?

Thạch Hãn

(VNTB) – Tính đến nay mới chỉ có 6 sếp lớn từng khai trống trường và về sau đã vướng lao lý vì tham nhũng.

Niên khóa trước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh trống khai giảng tại trường học vùng cao, biên giới Nghệ An.

Năm học này, không hiểu vì ngại điều gì mà chuyện lãnh đạo đánh trống khai giảng đã được một số tỉnh ở miền Trung ra hẳn văn bản yêu cầu: lãnh đạo tỉnh đến dự nhưng sẽ không phát biểu và không đánh trống khai giảng.

Đơn cử, “thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi về việc phân công lãnh đạo tỉnh dự lễ khai giảng năm học 2023-2024 tại 16 trường học trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có ý kiến giao Sở Giáo dục và Đào tạo cùng UBND các huyện thị chủ động trong công tác tổ chức lễ khai giảng; trong đó, nhấn mạnh việc lãnh đạo tỉnh đến tham dự lễ khai giảng, không phát biểu và không đánh trống khai giảng.

Tại Đà Nẵng, ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – nói với báo chí một nội dung đầy ẩn tình: “Mấy năm nay ở Đà Nẵng, lễ khai giảng toàn hiệu trưởng đánh trống, ít có lãnh đạo đánh trống. Lãnh đạo dự khai giảng cũng không phát biểu, chỉ tặng hoa chúc mừng và tặng học bổng (nếu có). Thời gian tổ chức lễ chỉ kéo dài 45 phút, giống như tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần, không rườm rà”.

Tuy nói vậy nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cũng ra văn bản để các trường về “tùy nghi”: “Hiệu trưởng đánh trống khai trường. Đối với các trường có lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo UBND quận, huyện tham dự, các trường mời đại biểu tặng hoa chúc mừng (nếu có) và đánh trống khai trường”.

Tương tự, ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam – cho biết: “Lãnh đạo tới dự thì có trường mời đánh trống, còn phát biểu thì dành cho hiệu trưởng. Tôi quán triệt đến các trường là không mời lãnh đạo phát biểu”.

Mùa khai giảng năm học mới 2014, sáng 4-9, THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) tổ chức khai giảng năm học mới. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – một học trò cũ của trường đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới. Ở buổi lễ hôm đó, trong phát biểu trước trường, Tổng bí thư nhấn mạnh, “trong 5 năm tới, Hà Nội phấn đấu trở thành thủ đô hiện đại. Vì vậy, ngành giáo dục cùng với khoa học công nghệ phải phát triển đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tình hình mới, trong đó chú trọng đặc biệt đến việc dạy người”.

Giả dụ khi ấy có báo chí nào dám ‘bình’ về chuyện “học trò cũ” đánh trống khai giảng ở trên đại khái chung chung vầy, chắc hẳn vướng vòng lao lý ‘mọt gông’ luôn rồi: Ngày khai giảng là ngày của thầy cô, là ngày của học sinh, không phải ngày của lãnh đạo. Nếu có mời lãnh đạo địa phương đến cũng tốt, nhưng các vị chỉ là khách, chứng kiến sự kiện quan trọng của nhà trường là được rồi. Quý vị khách mời cũng không cần phát biểu chỉ đạo, nếu có thì chỉ lời chúc mừng ngắn gọn, không nên chỉ đạo giáo huấn dài dòng, không phù hợp với không khí khai trường…

Rõ ràng là ông Nguyễn Phú Trọng không ngại chuyện cầm dùi khai trống trường năm học mới. Vậy cớ gì gần chục năm sau đó, người ta lại ngờ vực chuyện “có huông” của chính khách khi nhận lời đánh trống trường khai giảng năm học mới?

Gác qua chuyện “huông tù tội” của việc nhiều chính khách chóp bu từng là khách mời khai trống năm học mới, thì không đúng như nhận xét “đánh trống trường có gì khó, con nít đánh cũng được”. Thật ra đánh trống trường có mấy kiểu đánh: Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng và một hồi dài, mỗi kiểu tương ứng với một hiệu lệnh: “Tựu” mà bây giờ gọi là trống báo thúc giục học sinh tới trường, vào tiết, ra tiết, ra tiết có nghỉ giải lao giữa buổi và hết buổi tan trường.

Do không có một quy định nào nên trống khai giảng năm học mới thường được đánh nhiều kiểu: 3 hồi + 9 tiếng; 1 hồi + 9 tiếng hoặc 1 hồi + 3 tiếng. Có người cho rằng  đánh 3 hồi + 9 tiếng mới đúng. Tại sao phải là như vậy? Vì rằng, trước khi trống được đưa vào trường học thì vốn là “chiến cụ” để khai trận, thúc quân và mừng chiến thắng. Khi khai trận phải đánh 3 hồi + 9 tiếng.

Khai giảng năm học cũng là “khai trận” nên phải đánh như vậy. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ đánh mấy hồi, mấy tiếng mà những hồi trống, tiếng trống đó được đánh như thế nào. Có nhiều vị đánh nghe rất hay, có giai điệu, mẫu mực và khí thế hừng hực, nhưng cũng có vị lên đánh liên tục chừng chục tiếng đều đều nghe nhạt nhẽo, không khí thế.

Bàn về chuyện lãnh đạo đánh trống khai giảng, có ý kiến vầy: “Có lần em nghe trống khai giảng mà sao cứ giống kiểu đánh trống hạ huyệt. Thật luôn”…

Tính đến nay mới chỉ có 6 lãnh đạo: Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng, Chử Xuân Dũng là sếp lớn từng khai trống trường, và về sau đã vướng lao lý vì tham nhũng.


Tin bài liên quan:

VNTB – Nhà chứng tích lại không có chứng tích

Do Van Tien

VNTB – Tựu trường nhưng chưa khai giảng

Trương Thế Tử

VNTB – Truyền thông Việt Nam tiếp tục vu khống tổ chức Người Thượng Vì Công Lý

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo