Việt Nam Thời Báo

VNTB- Kết quả ‘vận động EVFTA’ của Chủ tịch Ngân ra sao?

Thiền Lâm
(VNTB) – Nói theo cách dùng từ của giới ngoại giao Mỹ về vấn đề cải thiện nhân quyền của giới lãnh đạo Việt Nam, đã “không có bằng chứng có thể chứng minh được” sau chuyến công du 3 nước châu Âu là Vương quốc Thụy Điển, Hung-ga-ri và Séccủa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam – bà Nguyễn Thị Kim Ngân – vào tháng 4/2017.

   Bà Kim Ngân hội kiến với Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh:  TTXVN 

Chuyến đi trên, được báo chí nhà nước mô tả theo cách “góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với EU nói chung và 3 nước nói riêng phát triển”, nhưng rốt cuộc đã được chính báo Quân Đội Nhân Dân tiết lộ mục đích: “đặc biệt là thúc đẩy Quốc hội 3 nước ủng hộ việc ký chính thức, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)”.
Sau chuyến đi trên, cũng báo Quân Đội Nhân Dân lại “tổng kết”: “Thụy Điển đã dành tình cảm rất đặc biệt cho Việt Nam, là nước hỗ trợ nguồn vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam (hơn 3 tỷ USD)”, và Đặc biệt, lần này, Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển cho biết sẽ thúc đẩy để Liên minh châu Âu (EU) sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam​-EU (EVFTA)”. 
Tuy nhiên, điều đáng thất vọng đối với đoàn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là sau các cuộc làm việc với quốc hội 3 nướcThụy Điển, Hung-ga-ri và Séc, đã không có bất cứ một khoản viện trợ không hoàn lại nào được phía chủ nhà thông báo dành cho Việt Nam. Ngay cả Thụy Điển – vốn được Việt Nam hy vọng nhất về “tình cảm rất đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” – cũng không còn tỏ ra hào phóng như thường biếu một số tiền viện trợ không hoàn lại vào những lần giới lãnh đạo Việt Nam thăm Thụy Điển những năm trước. Thậm chí, lãnh đạo Quốc hội Thụy Điển cũng không hứa hẹn bất kỳ điều gì liên quan đến viện trợ không hoàn lại trong thời gian tới cho Việt Nam.
Cần nhắc lại, vào năm 2013, phía Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại giao Úc và vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.
Trong khi không nhận được khoản viện trợ nào, đoàn “quốc tế vận” của bà Kim Ngân cũng không có được văn bản cam kết nào của 3 quốc hội Thụy Điển, Hung-ga-ri và Séc về “sẽ thúc đẩy để Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam​-EU”. Tất cả chỉ là nói miệng theo lối xã giao mà chẳng có gì chắc chắn!
Cũng cần nhắc lại, muốn EVFTA được thông qua, phải có sự thống nhất của quốc hội thuộc 27 nước thành viên. Sự đồng thuận giữa các nước EU lại tương đối cao về vấn đề nhân quyền. Chỉ cần vài nước không thông qua thì EVFTA sẽ bị khựng lại.
Đáng lý ra, trách nhiệm vận động các nước thành viên thông qua EVFTA là của Nghị viện châu Âu. Nhưng hẳn do tình thế đã biến diễn như thể “nước đã đến chân”, giới chóp bu Việt Nam không thể ngồi rung đùi chờ đợi châu Âu thông qua EVFTA như cách người Mỹ đã mang Hiệp định song phương Việt – Mỹ (BTA) đến tận miệng cho Việt Nam 16 năm trước, hay Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đặc cách xét cho Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này vào năm 2007. Giờ đây, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt sau khi Hiệp định TPP hầu như tan vỡ…
Một cách nào đó, Chủ tịch quốc hội Việt Nam đã làm thay công việc vận động của Nghị viện châu Âu. Cũng có thể hiểu một cách nào đó, Tổng bí thư Trọng phải làm mọi cách để tìm ra một hiệp định thương mại thay thế cho TPP chết yểu, cũng là cách để ông Trọng có được thành tích mang lợi ích kinh tế về cho đảng và do đó sẽ kéo dài tuổi thọ tổng bí thư của ông. Rất có thể đó là lý do chính yếu mà ông Trọng “đẩy” bà Ngân đi châu Âu vận động EVFTA với tư cách “kênh quốc hội”, bất chấp chính thể Việt Nam vẫn hoàn toàn không quan tâm và càng không hề tôn trọng nhân quyền theo yêu cầu của EU.  
Khác hẳn với quan điểm nhẹ nhàng những năm trước về nhân quyền Việt Nam, từ sau khi bị một số tổ chức nhân quyền quốc tế thẳng thắn phê phán, EU bắt đầu chuyển sang thái độ mạnh mẽ hơn trong việc đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải cải thiện nhân quyền. EVFTA chính là một bằng chứng khi hiệp định này lần đầu tiên đã gắn điều kiện Việt Nam phải cải thiện nhân quyền với lộ trình triển khai các điều ước thương mại.

Tuy nhiên cho tới nay, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới chóp bu Việt Nam chịu cải thiện nhân quyền theo yêu cầu chi tiết của cộng đồng quốc tế. Hẳn đó là nguồn cơ chính yếu khiến chuyến “quốc tế vận” của Chủ tịch Ngân “chỉ có tiếng, không có miếng”. 

Tin bài liên quan:

VNTB- Lòi đuôi nhóm lợi ích: ‘Chỉ thu hồi sân golf nếu ảnh hưởng đến an toàn bay’!

Phan Thanh Hung

VNTB- ‘Sân golf trong sân bay’: Chính phủ tiếp tay xoa dịu dư luận?

Phan Thanh Hung

VNTB- Phi trường Long Thành sẽ thuộc… Trung Quốc?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo