Việt Nam Thời Báo

VNTB- ‘Khó đếm bao nhiêu lần hoãn’: Chính quyền run sợ luật biểu tình!

Tháng 07/2016, Ủy ban thường vụ quốc hội lại một lần nữa “xù”luật biểu tình. 

Tháng Bảy năm 2016, Ủy ban thường vụ quốc hội lại một lần nữa nại lý do hoãn luật biểu tình: “do đây là dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này”. 
Báo nhà nước mỉa mai đến mức có thể: “Lại lùi vô thời hạn… luật biểu tình”, và “Như vậy, khó có thể tính được cho đến nay dự án Luật Biểu tình đã được lùi, hoãn, giãn bao nhiêu lần. Và khi nào quốc hội mới trả được nhân dân “món nợ” này vẫn là câu hỏi chưa thể có câu trả lời”.
Đến nay, ít nhất 3 lần Bộ Công An – cơ quan được giao soạn thảo luật biểu tình từ năm 2011 – đã tìm nhiều cách trì hoãn việc trình luật này ra Quốc hội.
Tháng 3/2015, Bộ Công an nại ra lý do để xin lùi trình luật biểu tình: “Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình,” “quyền tự do biểu tình,” “nơi công cộng,” “tụ tập đông người”…; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình...”.
Đến cuối năm 2015, trước áp lực của dư luận xã hội, cũng Bộ Công An lại thập thò một đề xuất với quốc hội về việc cho hoãn luật biểu tình với lý do “dự luật biểu tình đã được xây dựng xong, đã xin ý kiến các bộ ngành liên quan, nhưng một số vấn đề có tính chất nhạy cảm thì các bộ liên quan như Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư Pháp chưa cho ý kiến.”
Sau đại hội 12, đến tháng 3/2016, có vẻ Bộ Công An “rút kinh nghiệm” khi lùi vào một góc mà để lãnh đạo Bộ Tư pháp đứng lên “đọc bài”. Như một bài bản có sẵn, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường – người bị một số đơn thư tố cáo trong thời gian trước và trong Đại hội XII của đảng cầm quyền – xin “lùi Luật Biểu tình” với lý do “còn nhiều ý kiến khác nhau”.
Sau cuộc biểu tình bảo vệ môi trường diễn ra vào tháng Năm năm 2016, đã xuất hiện một số ý kiến trong nội bộ đảng cho rằng trước sau gì cũng phải ban hành luật biểu tình, bởi nếu không có luật thì “làm sao quản được nó” (ý nói quản lý người biểu tình). Tuy vậy, một trong những nguyên do cơ bản khiến luật này vẫn bị hoãn là cho tới nay, không một quan chức có trách nhiệm nào dám đưa đầu ra “quyết”. Hiện tượng tâm lý chính trị học này cho thấy chính quyền quá run sợ trước làn sóng biểu tình của người dân – bất chấp có luật biểu tình hay không – ở nhiều vùng đất nước.
Tình hình hiện thời cho thấy luật biểu tình có thể bị hoãn vô thời hạn, ít nhất cho đến khi nào chính quyền hết sợ bộ luật quyền dân này. Bất chấp bị dư luận và báo chí lên án là “nợ dân quá nhiều”, một con nợ vẫn hoàn toàn có thể ‘”xù” nợ khi đã trở nên quá trơ tráo.
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo