Hùng – Sơn
(VNTB) – Đắk Nông dự báo sẽ mất mùa trong niên vụ tiếp theo do ảnh hưởng của khô hạn hiện tại.
Ở Đắk Nông, tính đến trung tuần tháng 4 này đã có 27 công trình cạn kiệt nguồn nước. “Bữa rồi có mưa, nhưng lượng mưa không thấm vào đâu. Năm nay hạn hán kéo dài khiến nhiều hồ đập cạn nước. Nếu vài bữa nữa không mưa, chắc chắn năng suất cây cà phê và nhiều loại cây trồng khác cũng bị suy giảm vì thiếu nước”, một lão nông ở xã Đắk Ghềnh (Đắk Nông), cho hay vậy.
Thời gian tới tình trạng trên kéo dài thì các huyện Krông Nô, Cư Jút và Đắk Mil của tỉnh Đắk Nông sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng tới khoảng 8.000 ha cây trồng các loại.
Tình trạng khô hạn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nguồn nước khác nhau trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Cảnh báo từ ông Phạm Văn Dương, một người dân địa phương, là mỗi ngày chỉ có thể hoạt động máy bơm được vài giờ do lượng nước cạn kiệt, dẫn đến tình trạng mất mát nghiêm trọng cho nông dân.
Ông Doãn Gia Lộc, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, nói mực nước 12 hồ đập thủy lợi trên địa bàn đã giảm sâu hơn khoảng 15% so với mọi năm. “Nếu mùa khô kéo dài đến tháng 6 thì một số diện tích cây trồng tại địa bàn các xã như Đắk Sôr, Nam Nung, Nam Xuân, Tân Thành sẽ đối diện nguy cơ chết trắng vì hết nước tưới”, ông Lộc lo lắng.
Theo theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, thì tình trạng khô hạn xảy ra phổ biến tại Krông Nô với nguy cơ cao ở các xã: Đắk Sôr, Nâm Nung, Nam Xuân, Tân Thành, Nâm N’đir, Buôn Choah; huyện Cư Jút có nguy cơ cao ở các xã: Trúc Sơn, Cư K’nia, Đắk D’rông, Nam Dong; huyện Đắk Mil là nguy cơ cao ở các xã: Đắk Lao, Đắk Gằn, Đắk N’drot, Đắk R’la, Đức Mạnh; huyện Đắk Glong gặp nguy cơ cao ở các xã: Quảng Hòa, Đắk P’lao, Đắk Som, Đắk R’măng, Đắk Ha); huyện Tuy Đức đối mặt nguy cơ cao ở các xã: Đắk R’tih, Quảng Trực, Quảng Tân.
Ngoài ra, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông còn phát cảnh báo về tình trạng khô cạn nước trên sông, suối làm mất bề mặt áp nước, thiếu nước khiến đất bị co ngót, tạo lỗ rỗng trong đất là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sạt lở, sụt lún đất.
Ngoài ra hồ chứa nước rửa quặng bô xít của nhà máy Alumin Nhân Cơ tại Đắk Nông cũng chịu ảnh hưởng từ khô hạn dài ở Tây Nguyên.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cho biết từ tháng 4 tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ gia tăng tại nhiều địa phương. Đặc biệt là các nơi không chủ động nguồn nước, xa công trình thủy lợi. Lượng mưa và dòng chảy các sông suối thời điểm này cũng rất ít, thấp hơn trung bình nhiều năm. Nhiều hồ chứa thủy lợi lượng nước chỉ còn dưới 50% và nhiều đập dâng đã hết nước. Từ đầu năm tới nay, hơn 170 ha lúa và hoa màu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước. Trong đó, các huyện thiệt hại nặng là Phú Thiện, Chư Păh, Kbang.
Theo cơ quan này, thời gian tới sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục có giải pháp ứng phó hạn hán. Trong đó ưu tiên nguồn nước tưới cho những cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây trồng sắp tới thời kỳ thu hoạch.
Còn theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay tăng từ 0,8 – 1,3 độ C so với mức trung bình nhiều năm. Lượng mưa trong mùa khô cũng giảm đáng kể, dự báo từ nay đến tháng 7 lượng mưa tiếp tục thấp hơn từ 10 – 25%. Nắng nóng gay gắt xuất hiện cục bộ tại một số huyện Kbang, Chư Păh, Mang Yang, Đăk Đoa, Phú Thiện, Đức Cơ và Chư Prông; nhiệt độ những tháng tới nhiều khả năng vượt ngưỡng lịch sử năm 2020 (tại thị xã Ayun Pa 41,5 độ C). Từ nay đến giữa tháng 5, Gia Lai sẽ xuất hiện thêm từ 3 – 5 đợt nắng nóng gay gắt cục bộ, kéo dài…
Nhiều ngày qua, người dân thôn Đức Hưng, xã Ia Nan của huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai giáp với Campuchia đã phải lái xe công nông đi xa 3 – 4 cây số để xin nước về dùng. Nhiều hộ không có điều kiện thì mua 1.000 lít giá 150.000 đồng. Riêng nước uống, nấu ăn thì phải đi quán mua nước bình về dùng rất tốn kém.