Ngọc Lan
(VNTB) – Báo chí Phật giáo Việt Nam chỉ có mỗi tờ Giác Ngộ được phép hoạt động.
Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) hôm 1-5 tiếp tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo “nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn”.
Truyền thông quốc tế đã dẫn lời của Uỷ viên USCIRF Frederick Davie phát biểu trực tuyến hôm 1-5 khi cơ quan này công bố bản báo cáo 2023:
“Trong năm 2022, nhà cầm quyền ở Việt Nam đã tăng cường kiểm soát và đàn áp các nhóm tôn giáo, bao gồm người Thượng và người Hmong theo đạo Tin lành, tín đồ Cao Đài Chơn truyền, Phật giáo Hòa Hảo độc lập và Giáo hội Phật giáo Thống nhất, đạo Dương Văn Mình và cả Pháp Luân Công”.
USCIRF đề xuất chính phủ Hoa Kỳ buộc Việt Nam chịu trách nhiệm về vi phạm quyền tự do tôn giáo với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, và hối thúc Việt Nam cho phép các chuyên gia Đặc biệt của Liên hợp quốc đến nước này để theo dõi và điều tra tự do tôn giáo và các vi phạm nhân quyền khác.
Tháng 10-2022, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với nhiệm kỳ ba năm, bất chấp những lo ngại về hồ sơ nhân quyền của đất nước này, USCIRF cho biết. Đối với các tù nhân tôn giáo, USCIRF yêu cầu phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Việt Nam tăng cường giám sát các điều kiện giam giữ và kêu gọi trả tự do cho họ.
Ủy hội USCIRF ghi nhận rằng tháng 12 vừa qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) vì đàn áp tự do tôn giáo “một cách nghiêm trọng”. Tuy nhiên, theo USCIRF, Việt Nam nên bị đưa xuống danh sách CPC do vi phạm tôn giáo ở mức “nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn”.
Nếu nhìn từ giác độ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận thì đúng là ở Việt Nam nói một cách nhẹ nhàng, vẫn đang tiếp tục giới hạn quyền bày tỏ niềm tin vào tôn giáo.
Xin được nhắc lại một câu chuyện cũ, qua đó sẽ thấy rõ hơn về quyền tự do báo chí nói chung, và báo chí tôn giáo nói riêng.
Chiều 18-5-2021 (7-4-Tân Sửu), ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn đầu phái đoàn lãnh đạo Thành phố đã có buổi thăm, chúc mừng báo Giác Ngộ nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2565.
Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá cao vai trò của báo Giác Ngộ qua các sản phẩm báo chí của mình, không chỉ đối với TP.HCM mà còn ảnh hưởng rộng lớn cả nước trong suốt 45 năm hình thành và phát triển. Trên cương vị Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phong nói rằng đó cũng là lý do để chính quyền đưa ra quyết định giữ nguyên báo Giác Ngộ, không sắp xếp lại theo quy hoạch báo chí cho đến năm 2025, là một trong 7 cơ quan báo in của TP.HCM hiện nay.
“Việc báo Giác Ngộ được giữ nguyên, không phải sắp xếp lại trong chiến lược quy hoạch báo chí của Thủ tướng Chính phủ cũng như TP.HCM cho đến năm 2025, thêm một lần nữa khẳng định vai trò cũng như sự tin cậy đối với trong việc chuyển tải thông tin chính thống của đất nước, mà tôn giáo là lĩnh vực không thể thiếu” – Thượng tọa Thích Tâm Hải, Tổng biên tập báo Giác Ngộ, chia sẻ.
Quyết định kể trên của ông Nguyễn Thành Phong đã giúp tòa soạn báo Giác Ngộ là tờ báo hoạt động liên tục lâu dài nhất trong 95 năm lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam, kể từ khi tạp chí Pháp Âm ra đời.
Cho đến hiện tại thì báo chí Phật giáo Việt Nam được phép hoạt động chỉ có mỗi tờ Giác Ngộ. Một số ấn phẩm khác là loại hình tạp chí tháng, hoặc theo quý.
Từ góc nhìn kể trên về quyền tự do báo chí tôn giáo, cho thấy Ủy hội USCIRF vẫn chưa hình dung đầy đủ về những giới hạn trong bày tỏ niềm tin tôn giáo ở Việt Nam.
1 comment
Hãy nhìn xem, trong tất cả những nước cộng sản, những cái trại súc vật bất hạnh còn sót lại trên hành tinh, có chỗ nào có tự do? Có chăng chỉ là thứ tự do dỏm như đồ Made in China mà thôi, ngay cả việc bầu cử của người dân cũng là đồ dỏm, có ông lãnh đạo nào do người dân thực sự bầu ra không?