Loan Thảo
(VNTB) – “Ai nguyện nương tựa Phật – Pháp – Tăng người ấy là Phật tử”
Mục 6, 7. Dân tộc, tôn giáo: ghi dân tộc, tôn giáo như trong giấy khai sinh hoặc giấy tờ chứng nhận dân tộc, tôn giáo của cơ quan có thẩm quyền.
Phần hướng dẫn tờ khai Căn cước công dân (mẫu CC01) được dùng để công dân kê khai thông tin về nhân thân của mình khi có yêu cầu cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại Thông tư 66/2015/TT-BCA và Thông tư 41/2019/TT-BCA, có ghi như trên về giấy tờ chứng nhận tôn giáo của cơ quan có thẩm quyền”.
Một thủ tục hành chính không còn phù hợp
Điều 60, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đưa rakhái niệm “tín đồ, cư sĩ Phật tử” là những người tin tưởng Phật pháp, thực hành theo giáo lý nhà Phật và tùy khả năng, tự nguyện thọ trì giới luật Phật chế.
Tuy nhiên, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, hai chữ “tín đồ” được cắt nghĩa có thêm phần mang tính thủ tục hành chính: “Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận”.
Chính câu được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận khiến thủ tục hành chính về căn cước công dân, đưa ra yêu cầu cần có giấy xác nhận công dân ấy quy y Tam bảo, hoặc “chứng nhận Phật tử” nếu khai phần Tôn giáo là “Phật giáo”.
Sinh tiền, ông Nguyễn Quốc Tuấn (1957 – 2019), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đề xuất một khái niệm chính thức về tín đồ: “Tín đồ Phật giáo (hay Phật tử) là người khẳng định sự tự nguyện tin tưởng vào lời dạy của Phật Thích Ca và Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Niềm tin đó được biểu thị qua thực hành nghi lễ và sinh hoạt Phật giáo ở các cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng”.
Từ đề xuất khái niệm, vị lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tôn giáo đề xuất việc phân tín đồ thành 2 nhóm: nhóm thuần thành và nhóm tín đồ mở.
(Ông Nguyễn Quốc Tuấn cũng được biết đến là con trai duy nhất của cố học giả Nguyễn Kiến Giang, nhà lý luận từng bị ban lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam bỏ tù 6 năm và quản chế 3 năm trong vụ án ‘Xét lại chống Đảng’ gây tranh cãi ở Việt Nam ở nửa sau thế kỷ trước).
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nói ngắn gọn rằng, “Những người theo đạo phật thì quy y là tùy tâm”.
“Có người quy y gọi là Phật tử, có người yêu mến đạo Phật cũng có thể gọi là Phật tử. Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế thì có tổ chức quy y như này đâu. Ngay như các nước khác theo Phật giáo rất là nhiều thì người ta cũng chỉ ước lượng số lượng bao nhiêu phần trăm thôi chứ không nói rõ số lượng người cụ thể. Cũng cần phải xem xét lại nhưng không nhất quyết phải quy y mới là Phật tử. Miễn là người có cái tâm theo Phật đã là Phật tử rồi” – Hòa thượng Thích Gia Quang, diễn giải.
Quy y tam bảo là nghi lễ của đạo Phật, là việc cần và đủ cho một người Phật tử khi muốn nương tựa và tu học theo giáo pháp của Đức Như Lai. Nhưng quy y không bắt buộc. Bất kỳ ai muốn quy y Tam bảo, phải tự thân tìm hiểu và cảm nhận được những giá trị cao đẹp của đạo Phật rồi nguyện nương tựa và thực hành theo.
Không quy y tam bảo thì không được xưng danh Phật tử?
Có thắc mắc: thế nào thì gọi là Phật tử? Ghi tôn giáo “Phật” có nghĩa người ấy là Phật tử?
Câu trả lời thường thấy, Phật tử là người có tham dự một lễ truyền thọ tam quy là quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng, còn gọi là quy y tam bảo. Sau lễ quy y, người đó được thầy truyền thọ tam quy đặt cho một pháp danh. Pháp danh này là biểu tượng chính thức của người con Phật, tức Phật tử, nói lên sự chấp nhận nương tựa vào tam bảo về mặt tinh thần.
Thủ tục hành chính của Nhà nước yêu cầu phải có một tấm giấy chứng nhận liên quan truyền thọ tam quy ấy. Nếu không có tấm giấy chứng nhận thì không được quyền ghi trong lý lịch cá nhân mục “Tôn giáo”, là “Phật giáo”.
Nhiều ý kiến lập luận: Không có kinh sách nào ghi chép Đức Phật bày ra nghi lễ gọi là quy y, đó là một thêm thắt về sau này khi Đạo Pháp của Ngài đã trở thành một tôn giáo lớn.
Đức Phật chủ trương vô ngã, vì thế cái ngã của Đức Phật cũng không có. Đức Phật cũng từng xác nhận là “các tướng tốt chính và các tướng tốt phụ không phải là Như lai, đấy chỉ là những danh xưng mà thôi và cả tâm thức của Như Lai thì Như Lai cũng đã nhổ bỏ tận rễ từ lâu rồi”.
Hay đơn giản hơn, Đức Phật dạy trong Kinh Trung Bộ rằng: “Ai nguyện nương tựa Phật – Pháp – Tăng người ấy là Phật tử”, chữ “Nguyện” trong Đạo Phật mang tính tự giác, là một thái độ nhận ra chân lý và ước muốn thực hiện chân lý trong đời sống của mình.
Mặt khác, “Nguyện” là tâm nguyện, là ước vọng nội tâm của một cá nhân, mang tính cách tự nguyện mà không cần một hình thức nghi lễ nào. Một người có thể xin thọ tam quy để trở thành người có danh xưng Phật tử, và họ cũng có thể tự mình trở thành Phật tử khi tự đặt mình vào trong giới pháp mà Phật đã dạy, tức là họ chọn cho mình một lối sống theo đường lối Phật giáo qua Bát chánh đạo.
(Bát chánh đạo, có nghĩa là con đường tám chi, bao gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.
Con đường tám chi trong bát chánh đạo thường được biểu tượng bằng hình vẽ một chiếc bánh xe có 8 nan hoa).
Như vậy, Quốc hội khóa XV sắp tới đây cần thiết tu chỉnh về bộ thủ tục hành chính lâu nay trong mục “Tôn giáo”, theo hướng đây là quyền Hiến định, không cần thiết đến các thủ tục hình thức giấy tờ để ‘xác nhận Phật tử’ như một kiểu của tấm thẻ đảng viên.