(VNTB) – Thay vì đi hốt, hất đập chén cơm mưu sinh của người khác, thì thời gian, sức lực đó nên tìm cách đưa ra hướng giải quyết sao cho vẹn đôi đường, để người dân không còn phải nơm nớp lo sợ và có được lòng tin thay cho ta thán: Nếu không đi hốt thì… biết lấy gì mà… “ăn”.
Nhóm sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (KHXHNV) ngậm ngùi kể về hoàn cảnh của một chị đẩy xe hàng rong trái cây dạo khu vực cổng trường Dược và KHXHNV.
Trên con phố khuya có một người đang bán hàng rong/ Cơn mưa vẫn rơi tiếng rao buồn lạc lõng chơi vơi… Lời của ca khúc “Gánh hàng rong” của Lê Quốc Dũng nghe buồn như thân phận người dân xứ Việt.
Gánh cả nỗi đau nhà nông không đất
Gánh hàng rong, đó có thể là bánh ngọt, kẹo kéo, bánh tráng trộn, các món nước, đồ hàng bông…; và đó là sống còn của biết bao nhiêu người nghèo, kẻ ngặt.
Cô H., bán bánh cuốn gần cổng chính Đài Truyền hình TP, nhớ lại: “Nhà cô hồi nào giờ toàn là nông dân. Cô có hai đứa con, một đứa vay tiền ngân hàng để đi học đại học, còn một đứa thì bị bệnh phải nằm viện. Năm đó, gần Tết, cô gánh hai thúng khổ qua đi bán. Xui, gặp mấy người quản lý đô thị đi hốt. Mình chạy không kịp nên đành chấp nhận mất thúng khổ qua. Nói gì bây giờ, cam chịu thôi, mình là dân đen mà…”.
Cuối năm là thời điểm người dân tất bật hơn với sinh nhai. “Sắp tới Tết rồi, phải tranh thủ ngày nghĩ để đi làm, bán hàng kiếm tiền để vô năm đi học, đỡ gánh cho gia đình”, nhóm bạn sinh viên đứng chờ xe bus trước cổng đại học KHXHNV, chia sẻ.
Đường phố Sài Gòn thời điểm này cũng trở nên nhộn nhịp hơn, nhiều sắc màu hơn, nhất là màu đỏ của những lồng đèn, của thiệp, của phong bao lì xì… trông thật vui, bắt mắt, sôi động.
Có lẽ cũng vì thế, mà lực lượng áo vàng đô thị “quá bận rộn” nên tăng cường thêm các anh áo xanh, trên vai có phù hiệu đỏ tham gia… xuống đường. Thật đau lòng khi nhìn các anh vai u thịt bắp đang đứng “bao vây” một quầy hàng. Mặc cho người dân giải thích, khóc lóc, kể rõ hoàn cảnh như thế nào, các anh vẫn lạnh lùng gom đồ lên xe. Có anh gạt tay, đẩy người dân ra, không thèm nhìn một cái…
“Tội nghiệp các cô chú bán hàng rong lắm. Cả gia đình chỉ sống bằng xe đạp bán bánh tráng trộn, hay nhúm trái cây. Mỗi khi có chuyện xảy ra, họ chạy không kịp là bị hốt luôn cả hàng lẫn xe. Muốn lấy lại thì bỏ ra mấy trăm ngàn để đóng phạt. Mà khi mang về thì trái cây nát hết rồi… Mình nhớ hai cô chú bán bánh tráng trộn bị tịch thu xe máy. Hôm sau, họ bán bằng xe đạp. Xui cho họ là bữa sau họ tiếp tục bị hốt. Cả xe đạp cũng mất luôn. Sinh viên tụi mình thương họ lắm, cũng thấy tức mấy người đi hốt, có gì thì nhắc nhở trước. Họ cũng như cha mẹ, chú bác mình. Cùng người Việt Nam da vàng với nhau mà tuyệt tình quá…”. Nhóm bạn trẻ chờ xe bus ở bến trước cổng trường Dược, kể.
Những gánh hàng rong/ Gánh cả nỗi đau nhà nông không đất/ Những trai làng thờ thẫn đợi người thuê/ Trôi dạt thị thành vẫn giữ nét quê/ Nhoẻn miệng cười khi công an rượt đuổi/ Đừng đuổi!/ Xin đừng rượt đuổi!/ Họ chỉ là nạn nhân/ Đô thị mở rộng mất nơi cày cấy/ Đô thị văn minh họ không chốn nương thân/ Những mảnh đời lam lũ/ Từng gánh gánh nặng chiến tranh/ Nay gánh gánh nặng hòa bình/ Sống thời nào cũng thiệt/ Thiếu cả lời kêu than… (Đừng đuổi ân nhân, Hoàng Xuân Phú).
Biết lấy gì mà… “ăn”
Thay vì đi hốt, hất đập chén cơm mưu sinh của người khác, thì thời gian, sức lực đó nên tìm cách đưa ra hướng giải quyết sao cho vẹn đôi đường, để người dân không còn phải nơm nớp lo sợ và có được lòng tin thay cho ta thán: Nếu không đi hốt thì… biết lấy gì mà… “ăn”.