VNTB – Không sinh con để “kế thừa” sự nghèo khó là lương thiện?

VNTB – Không sinh con để “kế thừa” sự nghèo khó là lương thiện?

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Nhà nước mới phải xấu hổ khi người trẻ không dám sinh con vì làm mãi mà vẫn không đủ tài chính lo cho bản thân.


Xã hội đầy bất trắc và bế tắc

Mới đây, MC Đức Bảo (đài truyền hình VTV) có phát ngôn gây tranh cãi, khi nói: “Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện”.

Nhiều người cùng quan điểm với MC này cho rằng không nên sinh con khi chưa có đủ điều kiện tốt nhất để lo cho con. Theo họ, như vậy khiến con cái bị thiệt thòi, thiếu thốn. Nhất là trong thời buổi này không có tiền là không thể nuôi con.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người phản đối và đánh giá MC này coi thường người nghèo. Vì nếu nói nghèo không sinh con là lương thiện thì người thu nhập thấp và trung bình thì không có quyền làm cha mẹ?

Cô B.N., một nhà báo ở Sài Gòn nói với phóng viên VNTB: “Nếu phân biệt giàu nghèo thì Việt Nam này được mấy người giàu. Có những người làm giáo viên, nông dân, công nhân, thu nhập mỗi tháng vài triệu, nhưng họ biết cách dành dụm, chắt chiu nuôi con khôn lớn. Nhìn lại ông bà mình ngày xưa, cũng không giàu có gì mà vẫn nuôi dạy chúng ta trưởng thành đó thôi. Chẳng lẽ nói họ không lương thiện. Hơn nữa, sự nghèo khó, vất vả tạo ra ý chí để thay đổi cuộc đời. Cái chúng ta kế thừa không phải là tiền bạc, mà là nghị lực, trí thông minh, tài năng. Nói không sinh con để bị kế thừa sự nghèo khổ thì chẳng khác nào nói ông bà, thế hệ trước là bất lương”.

Một quan điểm khác thì cho rằng vấn đề không phải chuyện kế thừa sự nghèo, mà phải đặt câu hỏi về các chính sách của nhà nước. Vì sao một đất nước có địa thế thuận lợi, tài nguyên dồi dào, con người giỏi giang, mà lại nghèo? Người làm cha mẹ phải đấu tranh cho một xã hội thịnh vượng, phúc lợi đầy đủ để mọi trẻ em được bình đẳng với nhau!

Nhà thơ, nhà giáo Thái Hạo viết trên trang facebook cá nhân: “Một đứa trẻ ở các nước văn minh được sinh ra, dù bất kể cha mẹ nó giàu hay nghèo, nó vẫn luôn sẽ được đảm bảo các quyền lợi để học hành và lớn lên trong sự an toàn nhiều mặt, thậm chí không ít quốc gia còn thưởng cha mẹ chúng những khoản tiền lớn vì đã đóng góp cho xã hội một công dân tương lai. Còn đây, ta không hiếm gặp những trẻ em thất học, những đứa trẻ ăn cơm với ve sầu hơ lửa… Không những thế, phổ cập phổ thông nhưng vẫn phải đóng học phí và còn cõng thêm bao nhiêu những khoản học thêm và đóng góp trên trời dưới đất”.

“Suy nghĩ như cậu MC, một mặt nào đó phản ánh sự bế tắc của người phát ngôn và những ai ở vào hoàn cảnh của câu nói. Sự bế tắc ấy được sinh ra từ sự thiếu hụt hiểu biết trong kiến thức về trách nhiệm của nhà nước cũng như quyền lợi công dân; và nhất là sự đối diện với một tình trạng đầy bất trắc do thiếu vắng những đảm bảo an sinh, như đã nói”. Kết thúc bài viết, tác giả Thái Hạo đặt câu hỏi: Ai nên thấy xấu hổ khi đứng trước những phát biểu nghiệt ngã như thế này?

Chính sách của nhà nước là gì?

Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ dân số già khi tỷ lệ sinh càng ngày càng giảm, một phần do không đảm bảo tài chính trong việc nuôi dạy con. Lãnh đạo nhà nước cộng sản cũng có nhiều phát biểu kêu gọi người dân sinh thêm con. Đã có nhiều đề xuất thưởng tiền để khuyến khích tăng tỷ lệ sinh.

Tuy nhiên, nếu chỉ là một vài triệu tiền mặt thì cũng không phải là giải pháp. Vì sinh và nuôi dưỡng một con người từ khi thai nghén tới khi trưởng thành không phải là điều đơn giản. Nhìn ra thế giới, để vận động thanh niên sinh thêm con, các nước đã làm gì?

Tại Nhật Bản, để đối phó với tình trạng này, Chính phủ Nhật Bản ra nhiều chính sách hỗ trợ, giảm giá các dịch vụ sinh nở, chăm sóc trẻ em, giảm giá thành, tăng chất lượng các dịch vụ trông giữ trẻ, khám chữa bệnh cho trẻ sơ sinh, bà bầu, chăm sóc sau sinh. Việc này giúp các gia đình nghèo được tiếp cận dịch vụ tốt hơn và không sợ phải đẻ. (1)

Tại Hàn Quốc, từ năm 2006, chính phủ Hàn Quốc chi 152,9 nghìn tỷ Won (128,5 tỷ USD) để tăng tỷ lệ sinh. Thông qua chương trình trợ cấp nhà nước, các cặp vợ chồng sắp có em bé có thể nhận 500.000 won (420 USD) để trang trải chi phí trước khi sinh và khoản trợ cấp 107.000 Won (89,90 USD) mỗi tháng dành cho phụ huynh có con dưới 5 tuổi.

Trung bình người Hàn Quốc làm việc 2.113 giờ một năm – nhiều thứ hai trong số các quốc gia khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chính phủ đã nhận ra tác động của điều này đối với thời gian hẹn hò của thanh niên nên số giờ làm việc trong tuần đã bị cắt giảm từ 68 giờ xuống còn 52 giờ.

Trong nội bộ Bộ Y tế Hàn Quốc cũng có những biện pháp khuyến khích nhân viên sinh con, bao gồm tặng tiền mặt cho những người có nhiều hơn hai con. Chính quyền thành phố Seoul thông báo sẽ hỗ trợ nhà ở cho gần 25.000 cặp vợ chồng mới cưới mỗi năm thông qua sáng kiến phúc lợi 3,1 nghìn tỷ Won (2,6 tỷ USD). Các cặp vợ chồng không sở hữu nhà, đã kết hôn được 7 năm và thu nhập tổng hàng năm dưới 100 triệu Won được nhận khoản vay lên tới 200 triệu Won với lãi suất thấp. Các cặp vợ chồng có nhiều con sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi. (2)

“Vấn đề là chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội của nhà nước. Nuôi con không chỉ là tiền, mà còn bệnh viện, trường học, nhà cửa, dịch vụ. Bây giờ công nhân ở trọ trong căn phòng hơn mười mét vuông, ngày làm 8 tiếng không đủ sống, phải tăng ca lên 12 tiếng, thì tiền bạc, thời gian đâu lo cho con… Chiến tranh đã trôi qua gần nửa thế kỷ, mà đất nước càng ngày càng đi xuống, thanh niên không thất nghiệp thì đi làm với mức lương vài triệu đồng thì làm sao dám sinh con. Nhìn nước người ta, hết chiến tranh là nhà nước tập trung phát triển kinh tế ồ ạt, thì mới có điều kiện lo an sinh xã hội thúc đẩy dân số. Còn Việt Nam bây giờ cán bộ nhà nước tham nhũng hết ngân sách rồi thì lấy tiền đâu mà lo cho dân như các nước khác”. Chị Q.N., một người dân ở Sài Gòn nói với phóng viên VNTB.

__________________

Tham khảo:

(1) https://lifestyle.zingnews.vn/nhung-quoc-gia-tha-thiet-mong-nguoi-dan-sinh-them-con-post1081393.html

(2) https://vnexpress.net/cac-nuoc-chau-a-khuyen-khich-sinh-con-nhu-the-nao-4095152.html

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    😢🤮😡