Mẫn Nhi
(VNTB) – Với vụ việc Đặng Hữu Nam, những nhà đấu tranh nhân quyền chân chính lên án và đòi hỏi xử lý theo đúng pháp luật, đơn giản hành vi đó là đáng lên án. Đó cũng là tấm gương để những chủ thể đấu tranh nhân quyền nhìn vào và biết cách giữ mình hơn. Vì ở cuộc đấu tranh cho Việt Nam hiện nay, không tồn tại cho thói tư lợi và vô đạo đức.
Ông Đặng Hữu Nam – được cho là một nhà dân chủ có tiếng tại Sài Gòn đã bị bắt vì tội trộm cắp tiền tại một tạp hóa vào chiều 24/01.
Các cá nhân dị ứng với dân chủ ngay lập tức như những dư luận viên lập tức dựa vào điều này để mạt sát và buông lời phỉ nhổ với những người đấu tranh dân chủ, cho đó là “làng dân chủ cuội rặt một đám quá đát, bất mãn, đĩ điếm, nghiện ngập và trộm cắp vặt.”
Đúng! Đặng Hữu Nam là đại diện cho thứ “dân chủ cuội”, một thứ dân chủ mà tìm mọi cách bới móc tài chính quyên góp của những cá nhân, tổ chức thực tâm muốn thay đổi Việt Nam. Thứ “dân chủ cuội” là thứ mà cá nhân luôn tìm kiếm hoặc mang theo chủ nghĩa cơ hội nhằm trục lợi. Ngay trong giới đấu tranh cũng có những cá nhân như vậy. Bởi Đặng Hữu Nam phản ánh cho những cá nhân dù hoạt động đấu tranh nhân quyền nhưng không giữ mình, tu dưỡng đạo đức làm gương. Chính những cá nhân này đã biến “dân chủ” thành thứ “dân chủ cuội”, đánh mất nhiều lòng tin của mọi người vào cuộc đấu tranh giành quyền tự do cho con người Việt Nam.
Nhưng vì là thứ “dân chủ cuội” như nhiều cá nhân dị ứng dân chủ dè bỉu, nên Đặng Hữu Nam và những kẻ đang – đã và sẽ như Đặng Hữu Nam sẽ không thể nào đại diện cho tính tiên phong và sự vứt bỏ quyền lợi cá nhân để đi vào cuộc đấu tranh nhân quyền cho cộng đồng được. Bởi đối lập với Đặng Hữu Nam, thì có hàng trăm tù nhân chính trị (tù nhân lương tâm) đã và đang bị quản chế, tù đày,…
Tại sao vì một cá nhân Đặng Hữu Nam mà có thể quy chụp, đả phá cuộc đấu tranh nhân quyền Việt Nam? Tại sao vì hành vi sai phạm của Đặng Hữu Nam mà xóa đi toàn bộ những mất mát, đau thương mà những nhà đấu tranh nhân quyền khác phải chịu? Đặng Hữu Nam không là Nguyễn Văn Đài, càng không phải Trần Huỳnh Duy Thức,… Đặng Hữu Nam cũng không thể là Cấn Thị Thêu, Bùi Hằng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga,… những người vì nói lên tiếng nói của dân, mà bị áp đặt các điều luật cực kỳ thiếu minh bạch của nền tư pháp Việt Nam (Điều 88, Điều 258,…) nhằm dập tắt sự bất đồng chính kiến?
Dù vậy, con sâu “Đặng Hữu Nam bị bắt vì trộm cắp” cũng khiến cho nồi canh đấu tranh ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhưng xu hướng tất yếu của đấu tranh, và sự lôi cuốn đấu tranh nhân quyền sẽ không vì thế mà bị tác động quá nhiều. Bằng chứng là cũng có một vài cá nhân những Đặng Hữu Nam đã từng bị phơi bày trong những lần trước, và bị đào thải ra khỏi cuộc đấu tranh. Trong khi đó, cuộc đấu tranh lại nổi lên nhiều những nhà đấu tranh can trường, đạo đức và vững vàng về mặt đấu tranh bất bạo động.
Chính vì thế, càng về sau, đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam đã thu hút nhiều sự quan tâm của người dân Việt Nam. Những phong trào 6700 cây xanh; phong trào minh bạch thu phí sứ quán; phong trào Save Son Doong,… đã minh chứng cho thực tiễn sống động đó.
Đó là nhân quyền chính thực, nó hoàn toàn khác với “dân chủ giả hiệu” của nhà cầm quyền Hà Nội đang phô trương; thứ dân chủ cuội mà các cá nhân tìm cách lợi dụng, hay thứ “dân chủ phỉ nhổ” đỏ rực một màu mà những blog dư luận viên đang thể hiện,…
“Vũ khí tốt nhất của sự độc tài là giấu diếm, nhưng vũ khí tốt nhất của dân chủ nên là cởi mở” – hoạt động đấu tranh nhân quyền cởi mở và phê phán trực diện đối với những cá nhân, tổ chức cơ hội hoặc không giữ mình, và coi đó là một trong những phương thức để loại bỏ những mầm bệnh trong công cuộc đấu tranh cho quyền làm người. Nó khác hoàn toàn với cách mà nhà nước Việt Nam giấu diếm với hàng trăm ngàn cá nhân đảng viên suy thoái đạo đức, tư tưởng – những con sâu béo núc đang ngày đêm đục khoét ngân sách – tài nguyên quốc gia.
Vụ việc Đặng Hữu Nam, suy cho cùng, không chứng minh cho sự đi xuống hay suy tàn của cuộc đấu tranh – nếu có – đó chỉ là thứ suy tưởng đầy chất trừu tượng ở những người sống ở thế giới mộng mơ hoặc cực đoan dối trá.
Với vụ việc Đặng Hữu Nam, những nhà đấu tranh nhân quyền chân chính lên án và đòi hỏi xử lý theo đúng pháp luật, đơn giản hành vi đó là đáng lên án. Đó cũng là tấm gương để những chủ thể đấu tranh nhân quyền nhìn vào và biết cách giữ mình hơn. Vì ở cuộc đấu tranh cho Việt Nam hiện nay, không tồn tại cho thói tư lợi và vô đạo đức.