Nguyễn Nam
(VNTB) – Một tuần lễ đi qua, mặt hàng khẩu trang y tế ở Việt Nam lâm vào cảnh khủng hoảng thiếu ngay cả trong ngành y tế. Thực tế đó càng củng cố thêm nghi vấn việc nhà nước Việt Nam đã gom mặt hàng khẩu trang y tế để chuyển qua Trung Quốc với lý do được gọi là ‘viện trợ nhân đạo’.
Ngay sau tin tức dồn dập của việc chính phủ Việt Nam viện trợ nhân đạo cho Trung Quốc số hàng hóa trong đó có khẩu trang y tế với tổng trị giá ước nửa triệu đô la; tin tức từ hải quan cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất là, có đến 16 tấn khẩu trang y tế đã được xuất sang Trung Quốc qua đường hàng không nơi đây…, là những tin tức tiếp theo mang tính xoa dịu công luận.
Đó là các tin như hệ thống cửa hàng Pharmacity (công ty cổ phần dược phẩm Pharmacity, trụ sở 248A Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM), mở bán mặt hàng khẩu trang y tế theo giờ vào các ngày 3, 5, 7 trong tuần; tin tức về chợ sỉ dược phẩm trên đường Nguyễn Giản Thanh, quận 10, mở bán khẩu trang y tế từ 7g30, Chủ nhật 16-2; khẩu trang vải tiệt trùng sắp được bán rộng rãi trong hệ thống siêu thị…
Trên thực tế thì hệ thống Pharmacity bán kiểu cho có, gần như không ai biết họ mở bán lúc nào và nơi đâu để mà mua. Khu chợ dược phẩm ở Nguyễn Giản Thanh thì người dân được phát số thứ tự từ nửa đêm, xếp hàng để mua giới hạn mỗi người hai hộp khẩu trang y tế và buộc phải mua kèm một chai nước rửa tay hệt như thời bao cấp ‘mua bia kèm lạc’, mỗi người phải xếp hàng để mỗi tháng được mua theo tiêu chuẩn mỗi gia đình vài trăm gờ-ram thịt heo. Ai không có hộ khẩu, coi như không có quyền được mua nhu yếu phẩm.
Khủng hoảng khẩu trang y tế trong ngành y tế là điều lo ngại nhất, khi mà dịch bệnh lây nhiễm virus corona khiến người dân bị cách ly ngày càng nhiều.
Trong văn bản dán công khai ở bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 13-2-2020, bác sĩ Nguyễn Tri Thức – Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy thông báo sẽ thực hiện chủ trương tiết kiệm và sử dụng khẩu trang hợp lý nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài. Ông Thức đề nghị khoa Dược cung cấp khẩu trang vải tái sử dụng cho các đơn vị hành chính, quản trị, cận lâm sàng, nhân viên hành chính trong các khoa lâm sàng, bảo vệ… Khẩu trang vải sau khi sử dụng mỗi ngày cần giặt xà phòng, phơi khô và tái sử dụng cho những ngày kế tiếp.
Ghi nhận ở bệnh viện Bình Dân, từ hai tuần lễ trước, mỗi điều dưỡng nơi đây được phát mỗi người được hai khẩu trang y tế. Ở bệnh viện Từ Dũ, sử dụng xen kẻ khẩu trang y tế với khẩu trang vải. Với việc dùng khẩu trang vải, ngành y tế đã quay trở lại cảnh như trước những năm 1990.
Trong một diễn biến về dịch virus corona, sáng 16-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM phát đi một thông tin cập nhật, cho thấy số người cách ly do nghi nhiễm virus corona (Covid-19) tại bệnh viện dã chiến Củ Chi đã tăng lên gấp 3 lần. Theo đó, nếu hôm đầu tiên (14-2) mới có 8 ca được cách ly thì hôm 16-2, con số này đã là 24 người. Tính đến 16-2, tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 2.927 người; hiện đã có 1.998 người hết thời gian theo dõi, còn 929 người đang tiếp tục được theo dõi.
Khác với ghi nhận của báo chí ở Sài Gòn về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp khẩu trang y tế tại các bệnh viện, phía lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM vẫn khẳng định rằng, “hiện các nhà thầu đang cung ứng đủ khẩu trang cho các bệnh viện theo kết quả đấu thầu như trước đây” (trả lời báo chí của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế).
Thực tế thì hai tuần lễ vừa qua, không có một nhà thuốc ở bệnh viện lẫn bên ngoài bệnh viện còn khẩu trang y tế để bán cho người dân; kể cả thân nhân đi nuôi bệnh nội trú và người đến khám bệnh ở cơ sở y tế cũng không thể mua được khẩu trang y tế ở nhà thuốc bệnh viện.
Mặc dù có các phát biểu trấn an từ Sở Y tế TP.HCM, song cần thẳng thắn gióng hồi chuông cảnh báo rằng với việc khan hiếm khẩu trang y tế, còn là chuyện các nhân viên y tế có nguy cơ thiếu hụt thiết bị y tế cần thiết để điều trị các trường hợp bị nhiễm và nghi nhiễm.
Chưa thấy quan chức nào trong chính quyền chịu trách nhiệm về việc khủng hoảng thiếu khẩu trang y tế ngay trong mùa dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.