Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
Vét kho!
“Khủng hoảng tiền lời cổ phần” ở Việt Nam vẫn chưa có lối thoát cho nỗi bức bối “tiền đâu” của “đảng ta.” Nghịch với “lệnh” của Bộ Tài Chính, số tiền lời cổ phần gần 5,000 tỷ đồng của phần vốn nhà nước từ hai ngân hàng Đầu Tư Phát Triển Việt Nam (BIDV) và Công Thương Việt Nam (VietinBank) còn phải chờ sự quyết định của đại hội đồng cổ đông hai ngân hàng này.
Lý lẽ đơn giản nhất là nếu BIDV và VietinBank chịu trả tiền lời cổ phần năm 2015 bằng tiền mặt, ngân sách nhà nước sẽ có thêm một số tiền, tuy không lớn nhưng có còn hơn không, để “bù đắp khó khăn ngân sách” – thực chất là giảm được một chút nguy cơ rỗng ruột có thể xảy ra ngay vào năm 2016 chứ chẳng chờ đến các năm sau.
Trước đó, vào đầu Tháng Sáu, một hiện tượng thâm thủng ngân sách rất đáng chú ý là lần đầu tiên Bộ Tài Chính không chấp nhận tiếp tục cho các ngân hàng giữ lại tiền lời cổ phần năm 2015 của nhà nước để tăng vốn, mà đòi nộp vào ngân sách. Không những thế, đòi nộp bằng tiền mặt chứ không phải bằng cổ phiếu để khỏi “gây ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước.”
Động thái đòi tiền mặt trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bộ Tài Chính – cơ quan chủ trì về chuyện “nghĩ ra mọi ý tưởng để tận thu” – đang vét kho.
Bộ Tài Chính cũng là cơ quan sáng tạo ý tưởng thu “phí bảo vệ môi trường” trên giá xăng dầu bổ đầu dân gấp ba lần mà do đó đã mang về cho ngân sách thêm vài chục ngàn tỷ đồng hàng năm. Gần đây, Bộ Tài Chính lại phải nghĩ đến mẹo huy động bảo hiểm y tế toàn dân, thậm chí đến cách huy động 500 tấn vàng trong dân để “bù đắp khó khăn ngân sách.”
Trong khi đó, tình hình thu ngân sách vẫn xấu đi với gia tốc ngày càng nhanh. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện năm tháng đầu năm 2016 có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ hai năm gần đây.
“Khó khăn ngân sách” bắt đầu lộ ra từ cuối “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” vào cuối năm 2015. Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư khi đó là ông Bùi Quang Vinh đã lần đầu tiên phát pháo về thực chất ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng mà “không biết chi cho cái gì.” Ngay sau đó, người sắp mất chức thủ tướng là ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải chỉ đạo Bộ Tài Chính vay gấp Ngân Hàng Nhà Nước $1 tỷ, cùng lúc chỉ đạo bộ này thoái vốn tại nhiều tập đoàn lớn của nhà nước, kể cả “con bò sữa” Vinamilk.
Nhưng chiến dịch “thoái vốn nhà nước” được chính phủ chỉ đạo đối với các tập đoàn, tổng công ty từ năm 2013 và “quyết tâm” kết thúc trong năm 2015, đã thất bại khá thảm hại: cho đến nay mới chỉ “thoái” được khoảng 40% vốn. Thành tích rõ rệt nhất là việc bán cổ phần nhà nước tại những doanh nghiệp lớn mà do đó đã mang lại cho ngân sách 10,000 tỷ đồng. Hiện giờ, con số khan hiếm này đang được chính phủ trình quốc hội để phân bổ cho những khoản thiếu hụt trầm kha.
Thu ít, chi nhiều, vay nhiều hơn trả nợ
Trong khi nguồn thu trong nước ngày càng tệ, “ngoại vận” cũng tồi đột ngột. Vào cuối năm 2015, bắt đầu xuất hiện những quyết định chấm dứt cho vay vốn ODA ưu đãi từ phía Ngân Hàng Thế Giới (WB). Đến đầu năm 2016, đến lượt Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) chấm dứt cho Việt Nam vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Con số nợ công mới nhất do một chuyên gia phản biện độc lập là ông Lê Đăng Doanh cung cấp đã lên đến khoảng 4.5 triệu tỷ đồng, tức khoảng $210 tỷ, bằng đến 100% GDP chứ không phải là dưới 65% GDP như các báo cáo của chính phủ công bố.
Trong năm 2015, Việt Nam còn phải trả nợ cho các chủ nợ trên đến $20 tỷ. Nhiều khả năng một phần ngoại tệ được trả nợ phải lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối. Vào cuối năm ngoái, quỹ này chỉ còn khoảng $30 tỷ, so với con số $40 tỷ do Ngân Hàng Nhà Nước tung hô trước đó.
Nếu vào những năm trước, từ “vay đảo nợ” còn bị xem là “nhạy cảm chính trị” và rất ít khi được giới quan chức cũng như báo chí nhà nước nhắc đến, thì đến nay từ ngữ này đã trở nên phổ cập đến mức còn được đưa vào trong kế hoạch vay trả nợ năm 2016 do chính phủ phê duyệt.
Lại thêm một năm nữa đi vay nhiều hơn là trả nợ! Đây chính là tình trạng nợ cũ chồng nợ mới và lãi mẹ đẻ lãi con mà đang khiến cho chính thể Việt Nam sa lầy nghiêm trọng trong cơn khủng hoảng kinh tế của nợ xấu, nợ công và kiệt quệ ngân sách.
Một trong những nguồn cơn gây ra tình trạng trên là bội chi ngân sách và tham nhũng bất tận. Vào năm 2013, mức bội chi đã lên đến 6.3% GDP, vượt quá mức cho phép 5% GDP. Tưởng như đã rút ra được bài học xương máu. Nhưng không, cho đến năm 2015, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục đẩy mức bội chi lên đến 6.1% GDP, tức mỗi năm xài lố khoảng 250,000 tỷ đồng, trong số này, 70% trong nguồn chi được dùng cho chi thường xuyên, trong đó có chi cho lực lượng an ninh để đàn áp biểu tình môi trường của người dân.
Cũng vào năm 2015, xã hội chứng kiến một cơn địa chấn rùng mình dân tộc khi chính quyền nhiều tỉnh đòi xây trụ sở hành chính với giá trị từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Thậm chí, một dự án bảo tàng cũng “kê” đến chẵn 10,000 tỷ đồng. Rồi đến hàng loạt “tượng đài cách mạng” không chịu thua kém về giá trị.
Đến ngân hàng cũng phải quay lưng
Điều quái lạ là trong kế hoạch chi tiêu ngân sách năm 2016 đã được quốc hội “gật” không hề khó khăn, mức bội chi vẫn được chấp nhận là 5% GDP. Theo đó, nếu chi dưới mức 5% thì được coi là “thành tích.”
Não trạng tiêu hoang cùng đà thu ít chi nhiều như thế, tương lai không khó hình dung là chẳng bao lâu nữa ngân sách Việt Nam sẽ trắng tay và vỡ nợ.
Đó là lý do sâu xa mà đã khiến khối ngân hàng thương mại, mặc dù thoát thai từ nhà nước, phải tìm cách ngoảnh mặt quay lưng với ngân khố quốc gia.
Chống chế trước yêu cầu đòi nộp tiền lời cổ phần bằng tiền mặt của Bộ Tài Chính, BIDV “đe dọa” rằng trong trường hợp vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước không được tăng trong năm 2016 (tương ứng với việc nhà nước thu về toàn bộ tiền lời cổ phần năm 2015), tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ ở mức 7-8% trong năm nay. Khi đó, số vốn tín dụng thiếu hụt sẽ làm tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2016-2020 bị giảm trung bình .55% – .6%/năm, dẫn đến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 dự kiến chỉ ở mức 6.4%/năm.
Nếu như trước đây, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có thể “ép” Vietcombank phải mua $1 tỷ trái phiếu chính phủ khi không thể phát hành ra quốc tế được, thì nay khả năng đó là rất thấp. Ngay những ngân hàng thương mại mà Ngân Hàng Nhà Nước chiếm cổ phần chính cũng chịu cảnh khó khăn đến mức sẵn sàng từ chối mua trái phiếu chính phủ.
Cũng cho tới giờ, chẳng thấy ai còn nhắc đến “quyết tâm phát hành $3 tỷ trái phiếu đặc biệt ra quốc tế” mà “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” đã báo cáo cho đại hội 12 như một triển vọng huy hoàng. Không chỉ các ngân hàng trong nước, mà cả ngân hàng nước ngoài, cũng nhận ra rằng việc đầu tư cho một thể chế kinh tế bằng giấy là tự rước lấy rủi ro sụp đổ đến thế nào!