Nguyễn Tường Thụy
Sau mấy tháng huấn luyện, đại đội tôi có 6 đứa được cử đi học ở tiểu đoàn huấn luyện (gọi là trường huấn luyện cũng được) rồi ra làm tiểu đội trưởng khung. Sau khi về trường, có hai đứa bị trả về đơn vị cũ vì khi xét lại lý lịch chúng nó không đủ tiêu chuẩn vì là người công giáo.
Học gần 4 tháng thì ra trường, về các đơn vị làm tiểu đội trưởng huấn luyện, gọi là cán bộ khung. Thực ra về mặt chính thức thì cấp úy trở lên mới gọi là cán bộ, binh nhì đến thượng sĩ là hạ sĩ quan – chiến sĩ nhưng có nhiều trung đội trưởng hay đại đội phó cũng chỉ là thượng sĩ nên sự phân loại này không chuẩn lắm. Chuẩn úy đến trung úy là cán bộ trung cấp, thượng úy đến trung tá là cán bộ trung cấp, thượng tá trở lên là cán bộ cao cấp.
Khung huấn luyện gồm tiểu đội trưởng trở lên và bộ phận phục vụ như nuôi quân, y tá. Tiểu đội phó được chỉ định từ tân binh. Sau mỗi khóa huấn luyện thì giao quân cho đơn vị chiến đấu. Tuy vậy không phải là cứ khung thì ở lại. Người đi cùng lính thường là trung đội phó, khi ấy giữ quyền trung đội trưởng. Cũng có đợt toàn bộ khung huấn luyện đều ở lại. Tiểu đội trưởng chức bé nhất trong khung (nếu trừ bộ phận phục vụ ra) nhưng lại là người trực tiếp huấn luyện tân binh nên ít khi phải đi. Ở các đơn vị, chúng nó truyền cho nhau câu:
Bao giờ mọt đục súng trường
Thì thằng A trưởng mới lên đường đi B.
Vì vậy đứa nào tích cực được cử đi học về làm trung đội phó dễ đi B hơn. Hồi ấy, chúng nó sáng tác ra tiêu chuẩn chọn lựa của con gái “đẹp trai, con nhà giầu, cán bộ khung không phải đi B”.
Chương trình huấn luyện cho tân binh là những bài vở mà khi mới nhập ngũ và khi ở trường chúng tôi đã được học. Có khi thêm bớt một chút tùy theo yêu cầu lúc đó. Thời gian huấn luyện thường là 3 tháng rồi đi chiến đấu. Có khi đang huấn luyện dở vẫn lên đường, vừa đi vừa huấn luyện.
Làm tiểu đội trưởng thì phải có trách nhiệm đối với 12 con người nhưng được chủ động hơn, có quyền sai bảo lính như trước đây tôi vẫn bị sai bảo. Điều thú vị hơn cả là sau mỗi đợt giao quân, có thời gian trống một vài tháng. Tuy vẫn phải sinh hoạt, lao động nhưng thoải mái hơn là khi có quân.
Thời gian không có quân có khi đi tập huấn, đi kiếm tre, gỗ về làm lán trại. Gỗ vào rừng chặt, tre đi xin. Xin hết lượt rồi thì vào rừng chặt cả tre của dân. Nhu cầu nhiều thì phải lên rừng cách 30 km khai thác tre nứa. Có đợt khai thác, nữ nuôi quân cũng phải đi. Trên đường đi, vô tình gặp ngay thằng đào ngũ từ khi lớp tân binh cùng nó đi B, dân tộc Mường. Thấy chúng tôi, nó sững lại không kịp chạy, mà chạy cũng không thoát. Chúng tôi bắt nó nhập đoàn luôn. Nó cứ thế theo chúng tôi, dù nó chẳng mang theo tư trang gì. Có thêm nó thêm nhân lực đã đành, nó lại thông thạo địa hình, lại người cùng dân tộc trong vùng. Đợt ấy tháng giáp tết, vất vả lắm, mưa rét cũng phải vào rừng, vắt bò khắp người. Con gái còn khổ hơn vì sinh hoạt ở vùng dân tộc còn nguyên sơ, lao động lại vất vả, vừa vác tre vừa khóc. Dù vậy ai cũng phải cố làm cho đủ đóng bè sớm mà còn về. Chúng tôi sinh hoạt trong một khoang nhà sàn. Ngủ thì 6 thằng con trai 1 bên, 3 đứa con gái 1 bên, cách nhau chỉ 1 gang tay. Tôi được phân công nằm ở giáp ranh, có lẽ chúng nó thấy tôi nghiêm túc. Ngày lao động mệt, đêm ngủ say nên cũng hãi lắm. Chỉ sợ trở mình quơ tay sang bên cạnh thì nguy. Vì vậy, tôi luôn phải nằm nghiêng, quay lưng về phía con gái cho chắc.
Lo đủ tre nứa rồi thì làm lán. Mỗi trung đội có 5 thằng cán bộ khung phải làm lán cho cả trung đội ở. Vì vậy thằng nào cũng biết dựng nhà đơn giản, từ đục đẽo kèo cột, đến đánh gianh lợp mái. Lúc này tôi mới biết thế nào là kèo, cột, đòn tay, đòn nóc, rui, mè.
Tuy vậy, thời gian được chơi cũng nhiều. Thỉnh thoảng xin thủ trưởng tụt về nhà dăm ngày, gọi là tranh thủ vì chiến tranh không được nghỉ phép. Có khi cả ban chỉ huy đại đội đi tập huấn, giao cho một trung đội trưởng phụ trách chung, thế là càng thoải mái.
Khi ra huấn luyện quân, tôi không ngoan như hồi tân binh. Nó có nhiều nguyên nhân, ví dụ như tôi biết hơn trước, nhiều cán bộ cấp trên tôi không thích vì họ không giống như mấy ông thủ trưởng đầu tiên của tôi. Tôi việc gì cũng hoàn thành tốt, lính cũng có kỷ luật hơn nhưng vì bướng nên tôi được coi là thành phần chậm tiến. Có lần tôi nghe giảng chính trị dở hơi quá, liền ngáp một cái. Thủ trưởng dừng lại hỏi: “Đồng chí nào ngáp đấy?” Tôi đứng lên luôn, giọng thách thức: “Tôi đấy”. Chả tôi thì ai, biết nhận việc mình làm là tốt chứ. Nhưng sau nghĩ lại, mình thế là không phải.
Tụi chúng tôi đa phần chưa vợ nên việc tích cực “làm công tác dân vận” là điều dễ hiểu. Đứa nào cũng yêu một cô gái làng. Yêu thật chứ không phải yêu chơi, cũng thề non hẹn biển cẩn thận. Nhưng cuối cùng, chẳng cặp nào lấy được nhau do sau đó lại đi xa. Nói chung, chúng nó toàn yêu được hoa khôi trong làng, bản, cô nào cũng xinh. Không hiểu tại sao, con gái đơn vị cũng nhiều, ít ra mỗi đại đội cũng có 1 tiểu đội nuôi quân nữ mà không thấy yêu nhau, đúng ra là có nhưng ít. Có lẽ tại bụt chùa nhà không thiêng.
Thằng Lê yêu một cô cách chục cây số. Có lần chẳng hiểu nghĩ sao, nó thử người yêu, viết thư bịa rằng, anh bị mảnh lựu đạn văng trúng vào mắt phải khi đang luyện tập, phải vào quân y viện cấp cứu. Bác sĩ bảo phải thay mắt giả, đời anh mờ rồi em ơi. Ý em thế nào, nếu vẫn còn thương anh thì viết thư cho anh biết. Nó cũng cẩn thận dặn, nhưng em đừng đến thăm vì họ không cho vào đâu. Thư chưa kịp gửi, nó giấu ở đầu giường rồi đi công tác, bị tôi phát hiện ra, đọc tướng lên cho cả trung đội nghe. Xong tôi lại chuyển bức thư ấy thành thơ song thất lục bát, bịa thêm vài chi tiết vào cho nó thêm hài. Lính khoái, thay nhau chép vào sổ tay. Nó về tức lắm nhưng được cái hiền, chỉ làu bàu mấy câu rồi thôi.
Tôi cũng bắt chước chúng nó yêu một cô. Không may trúng phải gia đình mà thủ trưởng tiểu đoàn hay la cà ở đấy, chẳng biết mục đích gì, chỉ biết là thủ trưởng đã có vợ rồi. Tôi bị điều sang đại đội khác, không biết có phải vì tội yêu cô ấy không nhưng vẫn hai hãi, sợ đời tàn.
Giáp tết năm 1972, tướng Giáp ở trong miền Nam ra, dừng lại sư đoàn bộ, cách đơn vị tôi 30 km. Chúng tôi được lệnh hành quân, đi từ sớm nhưng chẳng biết đi đâu, làm gì. Tới nơi tập trung đợi 1 giờ thì ông Giáp xuất hiện. Ông nói chuyện vài tiếng về tình hình chiến trường, cục diện chiến tranh, động viên binh lính, chúc tết. Nghe xong, chúng tôi lại lục đục hành quân về. Có tiểu đoàn đang trên đường hành quân nhưng ông Giáp đi rồi nên quay lại.
Khi huấn luyện quân, vất vả nhất là phải đi bắt lính trốn, nhưng ra khỏi đơn vị thì được bù lại bằng tự do. Lính trốn không phải là đứa nào cũng đào ngũ. Đào ngũ là đứa trốn biệt. Khi rục rịch đi B đào ngũ nhiều hơn. Có đứa gia đình viết thư lên: “Con phải cao bay xa chạy thì thân mới toàn con ạ”. Có đứa trốn chỉ vì nhớ nhà. Mỗi khi lính trốn, lại phải về địa phương đưa nó lên, gọi là “Vận động quân nhân bỏ ngũ về đơn vị”, theo như chữ ghi trong giấy giới thiệu. Nếu số lính trốn có đứa ở cả tiểu đội khác thì cấp trên vẫn cử tôi đi vì lần nào cũng đem được lính về. Trong một cuộc họp có thằng khen đểu, đề nghị tôi được giấy khen vì “đồng chí Thụy bắt đào ngũ có kinh nghiệm”. Ý nó là tôi làm công tác tư tưởng không tốt để lính trốn nhiều nên mới phải đi bắt nhiều, bắt nhiều thì có kinh nghiệm. Họp xong tôi chửi nó, mày đểu, nó nhe răng ra cười đắc chí lắm.
Có đợt 4 đứa trốn, tôi phải đi bộ đến xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, cách đơn vị hơn 40 km. Đi từ sáng sớm, tối. Đến nơi mới biết chúng nó rủ nhau về ăn rằm. Chúng nó và cả gia đình sợ quá, bảo định mai ăn rằm xong sẽ lên nhưng anh đã mất công về đây thì sáng mai em nó lên. Tôi bảo, thôi, trót về rồi, mai cứ ở nhà ăn rằm, ngày kia đi. Cả nhà mừng rỡ khong ngờ “thủ trưởng” tâm lý thế. Khi lên, rất may có một chiếc com măng ca của anh lính nào đó tạt về bản, chắc là anh chở thủ trưởng về nhà rồi được tự do. Anh cũng phải đi cùng ngày lại cùng đường nên chở cả bọn về. Hết đường đi chung thì chúng tôi xuống, chỉ phải đi bộ 5 km nữa là về đơn vị. Tất nhiên về đơn vị tôi giấu chuyện thả cho lính ở nhà ăn rằm.
Có lần phóng viên về viết bài. Mấy hôm sau thấy đăng trên báo, có chuyện đồng chí Bùi T lấn cấn gia đình bỏ đơn vị về, được cán bộ động viên nên hăng say luyện tập, Khi lên đường nhận nhiệm vụ mới thì rất yên tâm. Tôi biết bài báo nói về thằng Tấn, quân của tiểu đội tôi. Lúc phóng viên về thì nó đã trốn biệt từ lâu rồi. Khi ấy, tôi mới biết báo chí xạo, chứ trước đó ai cũng tin đài báo nên có câu “đài bảo, báo đăng”, “cãi đài à” ý là đã đăng báo, phát lên đài thì không thể sai được.
Không chỉ tân binh, cán bộ khung cũng trốn nhưng là lúc không có quân. Tôi không trốn bao giờ, xin được thì về, lên đúng ngày, nhưng lại sẵn sàng đồng lõa với đứa trốn. Thằng bạn tôi người ngoại thành Nam Định, trốn về nhà ăn tết, chỉ nói riêng với tôi. Tôi cũng thích nó về vì nó sẽ phải xuống nhà tôi, tôi được gửi thư, nhận thư và nhất là khi lên, nó sẽ kể cụ thể gặp bố mẹ tôi như thế nào. Chính trị viên thấy tôi thân với nó hỏi: “Thằng Lượng đi đâu?”. Tôi thản nhiên bảo, em không biết, em có quản lý nó đâu. Nó chẳng báo cáo gì em cả. Chính trị viên không tin là tôi không biết nhưng không biết nói thế nào. Tối hôm ấy 28, gói bánh chưng tết, mấy đứa bảo mày cho thằng Lượng về, mày phải gói thay cho nó. Tôi bảo nó có được chia bánh chưng đâu mà nó phải gói.
Tết ấy, tôi nhớ nó, làm bài thơ trong đó có mấy câu:
Mưa giăng đất Dệt tứ bề
Năm nay Nam Định xuân về chắc vui
Ở miền rừng núi xa xôi
Tết tha hương đến ngậm ngùi, xót xa.
Đọc thì nghe cũng hoành tráng lâm ly nọ kia lắm, chứ có ai biết tôi viết tặng một thằng trốn đơn vị.
Lúc ấy không có quân, Giao thừa cả đại đội còn mươi lăm đứa, ngồi uống rượu mầu với nhau, nghe đài, nghe Chủ tịch nước chúc tết rồi thủ trưởng chúc tết. Tàn giao thừa thì bật khóc, nhất là mấy nữ nuôi quân.
Chuyện cán bộ đánh lính tuy không phổ biến nhưng vẫn xảy ra. Chẳng thằng nào bị kiểm điểm vì đánh lính. Có thằng trung đội phó gọi cả 5 đứa vừa đào ngũ lên, bắt sắp hàng rồi lấy roi lần lượt quật từng đứa, nhưng chúng không dám kêu ca gì. Cũng như bây giờ, dân đánh công an thì coi chừng bị khép tội chống người thi hành công vụ, còn công an đánh dân thì gần như không thể kiện được trừ khi không may nhầm phải người nhà của ông lớn nào đấy vì điều tra vụ án cũng là công an, cũng là đảng lãnh đạo.
Ngoài bỏ ngũ, lính phản ứng bằng cách cáo ốm cũng nhiều. Vì vậy, nghị quyết luôn luôn phải đề cập đến việc chống hữu khuynh tiêu cực, nằm ỳ. Tôi không hiểu sao, hữu khuynh hay tả khuynh đều không tốt cả, nhưng không thấy chống tả khuynh bao giờ. Biện pháp đối với lính nằm ỳ là ví dụ cho tả khuynh. Đứa nào giả ốm thì bắt những đứa khác khiêng ra thao trường, cho nằm đấy, tập xong lại khiêng về. Vì thấy đồng đội phải khiêng nên cũng nể, hôm sau không dám kêu ốm nữa. Có đứa giả ốm, cán bộ không cho ăn cơm mà báo cháo cho nó với lẽ ốm thì phải ăn cháo. Ăn cháo mau đói nên cũng sợ. Mấy biện pháp này xem ra cũng có hiệu quả. Ngoài ra còn bị họp kiểm điểm. Tuần nào cũng họp định kỳ đã đành, cứ có một vụ vi phạm thì mang ra kiểm điểm. Mang ra tiểu đội, trung đội hay toàn đại đội thì tùy theo mức vi phạm. Đứa nào vi phạm thì phải đọc bản kiểm điểm rồi cho đơn vị góp ý, phân tích tội trạng, cuối cùng đề nghị mức kỷ luật. Những cuộc họp này bao giờ cũng nâng thành quan điểm. Ví dụ trốn đơn vị về thì phân tích nâng dần lên thành ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Đến đồng hương ở đơn vị khác chơi, ăn cơm ở đấy thì nâng lên thành ăn vào xương máu của đồng đội. Thực chất những cuộc họp kiểm điểm này là những cuộc đấu tố.
Nói về thằng Lượng, tôi muốn kể thêm mấy dòng nữa về nó. Nó là thằng thân với tôi nhất. Nó khai sáng cho tôi bao nhiêu điều ngu dại vì nó dân ngoại thành, còn tôi là dân quê, gọi theo ngôn ngữ hồi ấy là tẩm. Có lần nó được cử đi học lớp trung đội phó, nhưng lên đến trường thì bị trả về. Nửa đêm, nó về mò vào chỗ tôi ngủ. Tôi thương nó, rút ra 5 đồng còn lại trong túi đưa cho, cứ như bù lại thiệt hại bị đuổi về của nó vậy. Bố mẹ tôi gửi cho 10 đồng, tôi cũng rủ nó ra bưu điện lĩnh, chia mỗi đứa một nửa.
Chuyện thằng Lượng đi học bị đuổi về, chúng tôi biết ngay lý do. Chả là nó thân với ông chính trị viên phó tiểu đoàn, người đồng hương nên ông này trực tiếp gọi nó đi học, không thông qua đại đội. Đi học rồi thì chính trị viên đại đội vốn ghét nó mới làm đơn kiện. May mà nó bị trả về chứ lên trung đội phó, nó còn đi B sớm hơn.
Sau đó chẳng hiểu thế nào, nó chẳng đi học gì, tự nhiên được phong lên trung đội phó, phong luôn cả quân hàm để dẫn lính đi B.
Tôi không trốn, chẳng tích cực cũng chẳng vi phạm gì, chỉ biết hoàn thành công việc của mình. Chỉ có một lần bị đưa ra đơn vị nhắc nhở vì trong sổ tay chép thơ Nguyễn Bính. Chẳng riêng gì tôi, những thằng khác cũng thích, cứ thế đọc nghêu ngao. Đại đội trưởng lúc ấy có văn hóa đại học. Ông nói đấy là văn hóa đồi trụy, sản phẩm của thực dân phong kiến, là chất độc ghê gớm ru ngủ con người, làm nhụt ý chí chiến đấu. Ông bảo việc này lẽ ra phải truy tố trước pháp luật, nhưng hôm nay chỉ nhắc nhở thế.
Trước mỗi đợt đi B được “vỗ béo” 1 tháng. Tiêu chuẩn bình thường (đại táo) 7 hào mốt, được thêm 3 hào. Khung thì đứa được ăn bồi dưỡng, đứa không. Đứa nào không được ăn, yên trí là không phải đi B đợt này. Mấy đứa ăn ở bên bồi dưỡng nhìn sang bọn ăn tiêu chuẩn thường mà… thèm. Tuy vậy, có khi đến trước lúc đi B lại thay đổi. Có đứa không được ăn bồi dưỡng vẫn cứ phải đi như thường. Cũng có khi ăn bồi dưỡng, có da thịt rồi nhưng vẫn chưa đi.
Đến khi đi B được phát hoàn toàn mới, từ ba lô, quần áo ga-ba-đin, quần áo lót, khăn mặt, tăng võng, mũ, giày dép (có cả cuộn quai dép dự phòng), dây lung đỏ. Ngoài ra mỗi đứa 1 lạng mì chính, 1 kg đường ép khô, ép thành từng thỏi vuông, mấy kg lương khô. Mỗi tổ 3 người được phát 1 bật lửa dùng xăng hay dầu hỏa, chục viên đá dự phòng, tiểu đội trưởng được hẳn 1 cái. Nói chung là trang bị đầy đủ, tất cả đều của Trung Quốc, không nhếch nhác như hồi mới nhập ngũ. Trông lính đi B oai hơn cán bộ khung nhiều. Đồ cũ được thu lại dùng cho tân binh theo đúng nguyên tắc cấp mới thu cũ.
Mỗi lần giao quân đi bùi ngùi, cảm động lắm. Hàng ngày huấn luyện, quát tháo lính như thế, đến khi chúng nó đi thương vô cùng. Tàu chạy rồi, đám khung chúng tôi đứng nhìn theo xúc động. Mỗi lần như thế, tôi hay nghĩ đến câu thơ Nguyễn Bính:
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.
Có nhiều đứa không kìm nén được cảm xúc. Không khóc lóc, nói lời đau xót nhưng nước mắt cứ thế ròng ròng. Sau khi giao quân về, chính trị viên họp nhắc nhở, không được tỏ ra ủy mị, ảnh hưởng đến tính thần chiến đấu của lính.
***
Tham gia huấn luyện tân binh được mấy khóa, tôi tiếp tục đi sâu vào phía trong. Sau chiến tranh, tôi mới có điều kiện đi học tiếp.
Các nhà văn nhà báo và cả nhà thơ nữa viết về chiến tranh đều hào hùng cả. Phim ảnh cũng vậy. Những khoảng mờ phía sau sự hào hùng ấy thường bị che khuất. Sau chiến tranh, có nhiều tác giả nhìn nhận lại với nhãn quan khách quan hơn. Nhưng thôi, đó là việc của các “nhà”, còn tôi chỉ là người thích viết. Cuộc đời bộ đội của tôi chẳng có gì oanh liệt, chỉ kể vài mẩu ký ức vặt còn nhớ được để giữ lại làm kỷ niệm, ai hiểu thế nào thì hiểu. Có điều rằng, trong 3 kỳ hồi ức này, tôi chỉ kể chuyện có thật, cố gắng không để quan điểm chính trị chi phối. Riêng tên nhân vật thay đổi toàn bộ, chỉ trừ tên người kể chuyện.
Dù tẻ nhạt, vô vị nhưng nó chiếm cả khoảng đời sung sức nhất của tôi.
HẾT