Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Kinh tế kết hợp với an ninh – chính trị” cần được hiểu như thế nào?

Anh Văn (VNTB) Trong một bài viết trên Việt Nam Thời Báo với tên gọi: ‘Đào núi và lấp biển’ đã đề cập nguồn gốc của vấn đề quân đội làm kinh tế hiện nay xuất phát từ văn kiện Đại hội XI của ĐCS, khi xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) và trên từng địa bàn”. Và bằng cụm từ đơn giản hơn như trên báo Quân đội Nhân Dân (ngày 4/7) là “Kết hợp kinh tế với quốc phòng – Nhiệm vụ chiến lược lâu dài: Chủ trương lớn vẫn nguyên giá trị” thì bài toán giải giáp kinh tế trong Quân đội không hề đơn giản.
Nhiều cử tri Tp. Hồ Chí Minh trong ngày 2/7 đã đề cập đến một “Nghị quyết” không cho quân đội làm kinh tế. Rõ ràng, đây là một cuộc vận động mang tính chất pháp lý nhất để ngăn cản hiện trạng này, tuy nhiên – “không hề đơn giản”, dù rằng nó thực sự là… lý tưởng lớn. Ngoài yếu tố truyền thống mà Thiếu tướng Lê Mã Lương (trả lời phỏng vấn báo Đất Việt) ra, thì “chủ trương lớn” này xuất phát từ văn kiện Đảng, và hiện, vẫn còn nhiều lý do để gìn giữ nó, xuất phát điểm từ việc “đảm bảo an ninh – quốc phòng”.
Sẽ khó hiểu được cái “đảm bảo an ninh – quốc phòng” là gì? Nhưng gần đây, những phát biểu của tướng lĩnh QĐND Việt Nam và của báo QĐND đã hé mở ra cái chủ chốt nhất của khái niệm nêu trên.
Theo Tướng Phạm Văn Trà – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trên báo Dân Việt đã khẳng định: “Quân đội không làm kinh tế, vùng khó khăn chả ai làm”.
Cần biết, Tướng Trà là một người từng ủng hộ nhiệt thành nhất cho việc gia cố các yếu điểm quốc phòng ở Việt Nam, và là người khởi xướng “xây dựng các khu kinh tế quốc phòng” tại các vùng biên cương, hải đảo – điều mà ông cho cần phải “tiếp tục có chiến lược đầu tư lớn hơn.”
Nhưng rõ ràng, quan điểm của tướng Trà từ năm 2011 đến nay vẫn là duy trì các hoạt động kinh tế, thậm chí là đẩy mạnh nó không phải ở toàn diện tất cả các vùng miền, mà tập trung vào những vùng phên dậu của quốc gia. Tức là những điểm khó khăn về địa lý, dân cư nhưng có vị trí chủ chốt về quốc phòng trong thời kỳ chiến tranh.
Thực tế cho thấy, như tại vùng Đông Bắc (nơi có nhiều xã giáp giới Việt – Trung), lại là vùng có mật độ dân cư ít, hoạt động kinh tế nghèo nàn. Sau khi có chương trình “kinh tế kết hợp quốc phòng”, thì nhiều đoàn kinh tế thuộc Quân khu 3 đã xây dựng các lâm trường để thu hút người dân tìm đến và hình thành thế trận nhân dân tại đây. Đó là những điều không hề phủ nhận, và sự có mặt ngày càng đông của người dân tại những bản làng xa, đã tạo một vùng đệm thông tin và tăng sức chiến đấu của quân đội địa phương, chủ lực trong điều kiện chiến tranh bùng nổ.
Do đó, việc dừng làm kinh tế trong quân đội nên hiểu là loại bỏ tất cả các hoạt động kinh tế không thuộc vùng khó khăn ra khỏi đời sống quốc phòng; gia tăng các hoạt động kinh tế đối với các tập đoàn kinh tế quốc phòng chủ chốt thông qua hai bước. Trong đó bước 1 là phải cấm nảy sinh các doanh nghiệp mới; cấm sử dụng các cơ sở vật chất của quân đội vào trong kinh doanh; chấm dứt tình trạng “Giám đốc – đại tá”. Nhưng đồng thời, vẫn phải duy trì những doanh nghiệp làm ăn có lãi nhất hiện nay, trong đó gồm Viettel hay Mbank để tạo ra hệ dự phòng cho các cầu nối chủ chốt trong thời kỳ chiến tranh, hoặc thời bình là thúc đẩy sự cạnh tranh (như Viettel từng phá bỏ thế độc quyền của dịch vụ Viễn thông vậy). Hay duy trì hoạt động kinh tế tại những khu vực khó khăn nhưng có chứa đựng yếu tố quốc phòng (như đề cập ở trên)!
Về lâu dài, việc thực hiện các bước 1, mà Bộ Quốc phòng đang lên kế hoạch và tiến hành trong tương lai sẽ từng bước tạo nên một thế trận quốc phòng – an ninh lớn. Trong đó, buộc các “giám đốc” phải từ bỏ biên chế quân đội sẽ là cách thức làm cho màu áo quân đội không còn hiện hữu trong các vấn đề “cạnh tranh/ kinh doanh”, thậm chí, nó sẽ là tiền đề tốt nhất cho việc tịch thu lại các nguồn đất [vốn dành cho quốc phòng, nay bị biến dạng thành tài sản phục vụ kinh tế]. Điều này cũng hàm nghĩa mạnh rằng, đối với những vùng đất không hề thuộc “vùng khó khăn” để xây dựng cái gọi là “kinh tế quốc phòng” thì kiên quyết buộc phải trả đất và đưa quân đội trở về nguyên trạng, và sân golf Tân Sơn Nhất sẽ là một ví dụ điển hình như vậy.
Ngoài ra, hiểu đúng quan điểm trên và kiểm soát chặt chẽ chủ trương trên về mặt thực tế cũng đồng thời giúp xóa bỏ tình trạng làm kinh tế trên bán đảo Sơn Trà. Lý do: Sơn Trà là vị trí xung yếu về quốc phòng (nơi có mắt thần Đông Dương quan sát vùng Biển Đông và điểm cao trong bảo vệ thành phố Đà Nẵng); nhưng nó không phải là nơi “khó khăn” để thực hiện chương trình “kinh tế quốc phòng”.
Cần nhấn mạnh, hiểu bản chất của việc làm kinh tế trong quân đội là tạo ra những khu “kinh tế quốc phòng” tại các vùng khó khăn là gần nhất và sát nhất với thực tiễn.
Nếu làm được điều này, quân đội Việt Nam sẽ vừa được gia cố, vừa được vỗ về dân, vừa xóa bỏ tình trạng “chiếm đất” hay cạnh tranh không bình đẳng trong ve áo “Đại tá – giám đốc” hay biển xe đỏ.

Tin bài liên quan:

Tòa tuyên 10 năm tù cho Blogger Mẹ Nấm

Phan Thanh Hung

Huyền thoại Sài Gòn tan biến

Phan Thanh Hung

VNTB – Facebook đã biết cách bất hợp tác với chính quyền VN? (Phần 2)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo