Quỳnh Giao
( VNTB) – Phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 khó có thể thực hiện được khi các quốc gia khác trên thế giới vẫn còn đang vật lôn với dịch bệnh.
Trong bài “ Sau dịch bệnh, Việt Nam phải đối đầu với hậu quả kinh tế”, tờ World Politics Review nhận định sau khi “đã chế ngự được dịch bệnh, Việt Nam đang lo lắng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo.”
Một trong những lý do đó là có khoảng 5 triệu người bị thất nghiệp do dịch COVID-19, số lượng người thất nghiệp thấp nhất vào quý một trong năm năm qua.
Ngành bị ảnh hưởng lớn nhất là du lịch khi đang trên đà tăng tốc vào năm 2019 với 103 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 17% tức 18 triệu lượt, và còn lại là lượng khách nội địa tăng trưởng đáng kể nhờ “ sự tăng trưởng kinh tế bền vững”.
Tuy nhiên sau khi xảy ra đại dịch, 800.000 nhân viên trong ngành du lịch đang trong tình trạng điêu đứng vì sân bay vẫn đóng cửa đối với khách quốc tế, các chuyến bay nội địa vẫn chưa hoàn toàn nối chuyến lại. Ngoài ra nguồn khách nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam từ Trung Quốc vẫn chưa được phép du nhập.
Trong kỳ nghỉ lễ 30 tháng Tư và 1 tháng Năm vừa rồi so với năm 2019, lượng khách tới Đà Nẵng giảm 98,5%, Hà Nội, giảm hơn 80%. Trong khi đó trong năm 2018 du lịch Việt Nam đóng góp 726 ngàn tỷ đồng vào nền kinh tế, chiếm gần 12% GDP năm 2019.
Ông Lê Hồng Hiệp nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết: “Mặc dù thương mại và đầu tư có thể được khôi phục ở một mức độ nào đó, du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.” Ông cho biết thêm là ông “không nhìn thấy bất kỳ cơ hội nào để ngành du lịch Việt Nam phục hồi được một nửa hiệu suất của năm 2019. Con đường phục hồi hoàn toàn cho ngành này có thể mất nhiều năm.”
Để thu hút khách nội địa, nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang gần phân nửa giá cho người Việt Nam và người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
Ông Vũ Thanh Bình, phó giám đốc Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam nói với tờ Reuters rằng ông hi vọng “việc phục hồi du lịch nội địa sẽ góp phần thúc đẩy du lịch quốc tế… Sau khi chương trình này kết thúc vào giữa tháng Bảy thì tuỳ vào tinh hình dịch bệnh mà chúng tôi sẽ phát động chương trình khác để thúc đẩy du lịch nước ngoài. ”
Tuy nhiên người dân vẫn chưa cảm thấy thoải mái tự do đi nghỉ dưỡng du lịch vì vẫn còn nỗi lo về dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
Bên cạnh đó, dự báo lượng kiều hối về Việt Nam cũng sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Năm 2019, lượng kiều hối gửi về Việt Nam lên tới 17 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP.
World Bank dự báo kiều hối trên thế giới sẽ giảm đi trong khoảng từ 17-20% trong năm 2020. Trong khi đó ngân hàng ở Việt Nam ghi nhận mức giảm 8%. Thành phố HCM nhận 1,7 tỷ đô la trong quý một nhưng sang tháng Tư lượng kiều hối giảm đi từ 30% cho tới hơn phân nửa.
Đầu tháng 4, chính phủ đã công bố gói cứu trợ trị giá 62 ngàn tỷ đồng hỗ trợ 20 triệu người nghèo hoặc cận nghèo và những người đặc biệt dễ bị mất thu nhập. Gói hỗ trợ nhằm phần nào góp phần kích cầu nội địa trong ngắn hạn. Tuy nhiên lại có những địa phương như Thanh Hoá lại “phát minh” ra việc “vận động” người dân không nhân tiền hỗ trợ.
Chính phủ đang trông chờ vào sự phục hồi nhu cầu trong nước, khi cho mở cửa kinh tế lại một cách nhanh chóng. Tuy nhiên theo ông Hiệp thì “nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào ngoại thương, đầu tư và du lịch. Chừng nào các quốc gia vẫn đang vật lộn với COVID-19, thì tự Việt Nam khó có thể khôi phục lại nhiều hoạt động kinh tế như bình thường, nhất là khi du lịch xuyên biên giới vẫn bị hạn chế rất nhiều.”
Đại hội Đảng 13 sẽ diễn ra vào năm tới, và đây là lúc để chính phủ tận dụng thời cơ để nâng cao uy tín về kinh tế sau khi đã chế ngự thành công dịch bệnh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt 2,7%, một mức tăng trưởng lạc quan nhất Đông Nam Á và hơn hẳn những chỉ số phát triển âm của phương Tây.
Thế nhưng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kiên quyết đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay, cao gần gấp đôi dự báo của IMF.
“ Thiệt hại kinh tế ít hơn nhiều so với những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, con đường phục hồi phục hồi kinh tế hoàn toàn vẫn còn dài và gập ghềnh,” ông Hiệp nhận xét.