Thiền Lâm
(VNTB) – Trên bàn cờ chính trị Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh có lẽ chỉ là “cá lòng tong”. Người ta cần bắt những con cá lớn hơn, mập mạp và quyền lực hơn nhiều…
Chỉ một ngày sau khi nhà báo Huy Đức bất thần đưa tin trên facebook của ông “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!”, cùng lúc Bộ trưởng công an Tô Lâm nói như phân bua: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì” trước câu hỏi về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lí Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi của phóng viên Pháp Luật TP.HCM, vào ngày 31 tháng Bảy năm 2017, Trịnh Xuân Thanh dường như đã được đặc cách “đầu thú tại trực ban Bộ Công an”.
Sự việc càng trở nên kỳ lạ khi cũng vào ngày 31/7, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo thuộc Bộ Công an (giấu tên) đã không ngần ngại đề cập đến từ “khoan hồng” trong nội dung trả lời: “Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và lời khai của đối tượng Trịnh Xuân Thanh, pháp luật sẽ xem xét đối tượng có được khoan hồng hay không? Nếu được khoan hồng thì ở mức độ nào?”.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, sau khi Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ việc bỏ trốn của đối tượng này: “Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ điều tra làm rõ Trịnh Xuân Thanh đã trốn chạy bằng cách nào? Ai đưa đối tượng bỏ trốn...”.
Trong các loại tội phạm, tội phạm bị truy nã là trường hợp đặc biệt nguy hiểm. Tính chất nguy hiểm càng gia tăng hơn hẳn khi Trịnh Xuân Thanh còn bị “lệnh truy nã đỏ của Interpol quốc tế” – như Bộ Công an đã thông báo từ năm 2016 (tuy một số thông tin cho biết lại không thấy tên Trịnh Xuân Thanh trong danh sách truy nã đỏ của Interpol quốc tế).
Những tội phạm đặc biệt nguy hiểm như thế rất thường không thể nhận được khả năng khoan hồng, dù chỉ hứa hẹn, cho dù đối tượng có tự nguyện đầu thú.
Do vậy, khó có thể tưởng tượng được rằng mới chân ướt chân ráo đến trực ban Bộ Công an để “đầu thú” (nhưng thông báo của bộ này chẳng kèm theo hình ảnh nào để chứng minh), Trịnh Xuân Thanh đã được một lãnh đạo Bộ Công an đề cập đến khả năng “khoan hồng”.
Tương tự vụ “tau khỏe mà, có chi mô” của ông Nguyễn Bá Thanh cuối năm 2014 và vụ “tướng chữa bệnh Phùng Quang Thanh” giữa năm 2015, vụ Trịnh Xuân Thanh – nhân vật cuối cùng trong “Tam Thanh” – ngày càng bộc lộ tính mâu thuẫn bởi những phát ngôn và hành động như thể “đá” nhau của giới quan chức “có trách nhiệm”.
Dấu hiệu Trịnh Xuân Thanh được “khoan hồng” quá nhanh và quá sớm như thế càng khiến dư luận nghi ngờ rằng ông Thanh không phải đã “đầu thú” vào ngày 31/7/2017, mà có thể đã bị bắt ở đâu đó, trước thời điểm ngày 31/7 một thời gian đủ để “khai thác”.
Nếu nghi ngờ trên là có cơ sở, cơ chế khai thác đã được vận hành hoàn hảo đến nỗi rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã “hợp tác khai báo” quá nhanh, quá thành khẩn, khai bằng hết…, mà từ đó được hứa hẹn ‘khoan hồng”.
Trên bàn cờ chính trị Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh có lẽ chỉ là “cá lòng tong”. Người ta cần bắt những con cá lớn hơn, mập mạp và quyền lực hơn nhiều…