Kỳ Lâm (VNTB) Kỷ luật Đinh La Thăng là điểm son đối với cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng hơn là đối với dân tộc này.
Kỷ luật ông Đinh La Thăng tiếp tục là chủ đề nóng mà cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm chất vấn ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư ĐCSVN trong ngày 13/05.
Quan điểm của ông Tổng Bí thư được diễn giải là quyết liệt nhưng đúng người, đúng tội và phải dựa trên “đạo lý dân tộc” là nhân ái, nhân văn, đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại. Với ông Đinh La Thăng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đó là “đồng chí năng nổ, quyết liệt, được lòng dân”.
Có hay không một bước lùi hiện tại để gỡ bỏ những bức xúc chính trị trong nước để quay trở lại vị trí cao hơn trong chính trường tương lai?
Trước mắt, về quan điểm của ông Đinh La Thăng, trong lời xin lỗi Đảng bộ – chính quyền và nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, ông mong nhận được sự “ủng hộ” để sửa chữa lỗi lầm, làm tốt nhiệm vụ mới.
Vậy nhiệm vụ mới ở đây là Phó Ban kinh tế Trung ương. Tổ chức này là cơ quan tham mưu kinh tế của BCH T.Ư và Bộ Chính trị, được tái lập vào tháng 12/2012 trên cơ sở Nghị quyết T.Ư 6 dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng nhằm “tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Ông Đinh La Thăng về đây đúng thời điểm mà Đảng lấy lại “vị trí, vai trò” trong nền kinh tế – chính trị, vốn từng bị lấn lướt bởi Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trước đó. Có nghĩa là, khi tinh thần thanh tra, thanh soát nền kinh tế, đặc biệt là kiểm soát trở lại các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích thành lập các tập đoàn tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước thì quyền lực sẽ quay trở lại với Ban này tương tự như trọng trách tìm một giải pháp đúng đắn cho chế độ trong giai đoạn 1991 – 2010 (khi Liên Xô tan rã và hội nhập quốc tế bắt đầu). Vai trò Ban này sẽ càng ngày càng tăng, tương tự như Ủy ban kiểm tra Trung ương để kiểm soát “đạo đức, chính trị” của giới đảng viên.
Nếu làm tốt nhiệm vụ tại Ban này, thì đây sẽ là một màn “lập công chuộc tội” cho ông Đinh La Thăng và là điểm bật lò xo cho chính ông. Nó cũng dễ dàng liên tưởng đến ông Nguyễn Tấn Dũng khi đảm nhiệm chức vụ ban này vào năm 1996, và rồi 10 năm sau ông đắc cử chức vụ Thủ tướng Chính phủ.
Đây cũng là cách thức để đảm bảo “đánh chuột” vừa đủ nhưng không khiến vỡ bình. Và có thể là một lý do để ông Đinh La Thăng đệ đơn từ chức trước khi nhận phán quyết.
Thứ hai, dù khẳng định không đấu đá chính trị, nhưng toàn bộ những sai phạm và trừng phạt nặng liên quan đến cán bộ đợt này chỉ tập trung vào ổ Dầu khí và bộ sậu của “người tử tế”, mà hai đồng chí tốt của ông Nguyễn Tấn Dũng là Vũ Huy Hoàng và Đinh La Thăng. Do vậy, “xử lý cán bộ – đem lại niềm tin trong Đảng và nhân dân” bị nhiều dư luận xem như một cuộc đấu đá chính trị nội bộ, bởi ngay thời điểm xử ông Thăng, thì các vấn đề khác trầm trọng hơn như Võ Kim Cự và nạn chạy chức – chạy quyền tại Thanh Hóa (liên quan trực tiếp đến Bí thư Thành ủy nơi này) đều tuyệt nhiên không được ông lưu ý đến. Lý do nó đụng chạm mạnh đến các phe phái trong Đảng. Thậm chí, một trong vẫn vấn đề bức xúc – gây phẫn nộ nhất trong dư luận xã hội là Formosa chưa từng được ông đoái hoài đến một cách nghiêm túc nhất, từ lúc cá chết dạt bờ ông vẫn đoàn tùy tùng vào thăm Formosa với lời động viên, khuyến khích tiếp tục sản xuất cho đến khi cá chết ngày càng nhiều, ngư dân điêu đứng – biểu tình nổ ra liên tục thì anh lại vận dụng quan điểm thế lực thù địch nhằm vu họa cho những người dân bần cùng thuộc 4 tỉnh (trong đó trọng điểm là ngư dân tại Hà Tĩnh).
Trường hợp ông Võ Kim Cự sau khi thảm họa xảy ra vẫn thăng chức, chỉ đến khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ thì ông ta mới bị truy vấn (21/4/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định xóa mọi chức vụ trong Đảng của ông). Tuy nhiên, bản thân ông Võ Kim Cự vẫn là con tốt thí, khi một cá nhân khác là ông Nguyễn Thanh Bình – người có liên quan mật thiết đến đại dự án Formosa tại Hà Tĩnh vẫn không hề bị đụng chạm, và giờ đây ông ta đang là Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Như vậy, toàn bộ sự kiện vừa qua chỉ là một bước lùi nhẹ, là học tập dạy bảo nhau, là nguyên tắc bảo tồn quyền lực bằng sự kỷ luật có chừng mực. Sự kỷ luật Đinh La Thăng là điểm son đối với cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng hơn là đối với dân tộc này. Đó là phong cách “vỏ đỏ lòng xanh” trong Đảng.