Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Murphy Oil – Mỹ đầu tư 300 triệu USD vào tìm kiếm thăm dò dầu khí tại Việt Nam.
Tin tức cho biết, chiều 13-5-2022, theo giờ địa phương tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Roger Jenkins, Tổng giám đốc Murphy Oil. Đây là tập đoàn lớn của Hoa Kỳ hoạt động trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại Hoa Kỳ và Canada và đang phát triển trữ lượng tại Australia, Brazil, Đông Nam Á. Trong năm 2020, sản lượng của Tập đoàn đạt hơn 174.000 thùng dầu mỗi ngày. Năm 2021, doanh thu của Công ty đạt 2,8 tỷ USD.
Tập đoàn đã đầu tư khoảng 300 triệu USD vào công tác tìm kiếm thăm dò tại Việt Nam và hiện đang điều hành các lô dầu khí tại Bể Cửu Long, Bể Phú Khánh. Tập đoàn cũng đang hợp tác với Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) tích cực triển khai phát triển Dự án Lạc Đà Vàng (Bể Cửu Long) với tổng vốn đầu tư 700 triệu USD.
Tại cuộc gặp, lãnh đạo Murphy Oil đánh giá cao thị trường Việt Nam, báo cáo về các hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là tiến độ phát triển Dự án Lạc Đà Vàng và đề xuất các biện pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy tiến độ của Dự án; trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục các hoạt động tìm kiếm thăm do tại các lô thuộc quyền điều hành theo đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam ngỏ lời mong muốn phía Murphy Oil tiếp tục phối hợp với các đối tác Việt Nam là PVN, PVEP giải quyết các vấn đề liên quan. Nguồn tin cũng cho biết ông Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các đề xuất của Tập đoàn Murphy Oil, triển khai các công việc cần thiết để thúc đẩy tiến độ của Dự án Lạc Đà Vàng.
Mỏ Lạc Đà Vàng nằm ở Lô 15/1-05 ở Bể Cửu Long, cách bờ khoảng 120 km. Đây là mỏ dầu, có khí đồng hành. Sau một thời gian dài từ quý 2/2020 đến nay, do các đối tác trong liên doanh chưa thống nhất phương án phát triển mỏ.
Hồ sơ vụ việc ghi nhận từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết như sau:
Tháng 4-2007, Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) được ký giữa PVN và tổ hợp nhà thầu gồm PVEP POC (1) (40%), Total E&P (35%) và SK Innovation (25%), PVEP làm nhà điều hành.
Tháng 8-2015, sau khi Total E&P rút khỏi PSC, thì PVEP và Murphy đã ký thỏa thuận chuyển nhượng 35% cổ phần cho Murphy Oil. Theo đó, cơ cấu PSC còn: PVEP (40%), Murphy Oil (35%), SK Innovation (25%).
Tháng 3-2018, PVEP tiếp tục ký thỏa thuận chuyển nhượng thêm 5% cổ phần cho Murphy Oil. Theo đó, cơ cấu mới trong PSC, Murphy Oil làm nhà điều hành.
Các hoạt động trong Lô dầu khí này, tương ứng các đánh giá, phê duyệt kỹ thuật, có thể chia làm 2 giai đoạn, khi PVEP làm nhà điều hành và sau khi Murphy Oil làm nhà điều hành.
Ghi nhận về giai đoạn PVEP làm nhà điều hành, thì sau một số hoạt động gồm thu nổ địa chấn và triển khai 3 giếng khoan thăm dò và thẩm lượng, PVEP POC đã phát hiện hai tiềm năng dầu khí gồm Lạc Đà Nâu (2009) và Lạc Đà Vàng (2010) trong Lô dầu khí 15/1-05.
Sau khi đánh giá, thẩm định trữ lượng dầu khí, PVEP lập Báo cáo trữ lượng (RAR) và Kế hoạch phát triển mỏ đại cương (ODP) mỏ Lạc Đà Vàng, nhưng chưa phê duyệt. Kết quả trữ lượng mà PVEP lập báo cáo RAR và ODP là 490 triệu thùng dầu tại chỗ và 61 triệu thùng dầu thu hồi (khả năng khai thác được).
Đến giai đoạn Murphy làm nhà điều hành, thì sau khi nhận quyền điều hành từ tháng 3-2018, Murphy Oil tiến hành khoan 1 giếng khoan tái thẩm lượng và cập nhật lại báo cáo ODP, trong đó, trữ lượng đã có sự thay đổi. Trữ lượng dầu tại chỗ từ mức 490 triệu thùng đã thay đổi, lên đến 1,1 tỷ thùng, còn trữ lượng thu hồi, từ 61 triệu thùng lên 63 triệu thùng (các con số đã làm tròn).
Năm 2019, ODP này được Tổng giám đốc PVEP phê duyệt. Từ ODP này, Murphy Oil thuê nhà thầu Ranhill Worley lập thiết kế tổng thể (FEED) để phát triển mỏ. Song song tiến độ FEED, trên cơ sở ODP (giữ nguyên trữ lượng đã phê duyệt), Murphy Oil lập báo cáo phát triển mỏ (FDP) trình PVEP/PVN xem xét trước khi trình Bộ Công Thương phê duyệt.
Vào đầu năm 2020, sau khi rà soát lại, PVEP đã phát hiện có sai sót về trữ lượng và yêu cầu nhà điều hành Murphy điều chỉnh lại FDP.
Ngược lại, do không được phê duyệt FDP, dù trước đó ODP đã phê duyệt có các thông số về trữ lượng giống nhau, Murphy nhờ Đại sứ quán Hoa Kỳ can thiệp. Từ cuối năm 2020 và 2021, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã liên hệ PVEP, PVN và Chính phủ Việt Nam, đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao có sự khác biệt quan điểm về đánh giá trữ lượng và phương án phát triển mỏ, vì FEED được triển khai trên cơ sở ODP đã phê duyệt.
Tháng 11-2021, sau khi điều chỉnh về trữ lượng, FDP (do Murphy trình) đã được PVEP thông qua để trình lên Bộ Công Thương và PVN, nhưng vẫn chưa thể phê duyệt do chưa thống nhất về phương án phát triển mỏ. Điểm bất cập là FDP do nhà điều hành Murphy lập chưa phải là phương án tối ưu, nhưng nội dung FDP này lại dựa trên cơ sở ODP mà PVEP đã phê duyệt và thiết kế FEED đã hoàn tất, kéo theo chi phí phát sinh.
Do đó, theo ý kiến chuyên gia, thay vì trao đổi qua lại, để xử lý vướng mắc hiện nay, nên chăng Bộ Công Thương và PVN sớm chỉ đạo PVEP, nhà điều hành Murphy cập nhật thêm phương án phát triển chung (ngoài phương án tự phát triển hiện nay).
Được biết, các bên hiện đang tích cực trao đổi để điều chỉnh lại ODP và FDP chính xác hơn.
Tính đến hiện tại thì phía Việt Nam đưa ra nhận định, Lạc Đà Vàng là mỏ trung bình, có sản lượng ước khoảng từ 20.000 đến 25.000 thùng dầu/ngày và 25 triệu feet khối khí/ngày (khí đồng hành). Ước tính, chi phí giá vốn khoảng 65 USD/thùng dầu (mức hòa vốn), khá cao. Với tổng mức đầu tư (CAPEX) lên đến 700 triệu USD, chưa bao gồm chi phí lịch sử, hiển nhiên trữ lượng cần phải được chính xác hóa để gia tăng hiệu quả đầu tư.
Giá dầu hiện đang trên 100 USD/thùng và chưa có dấu hiệu giảm sâu, ít nhất trong vòng 5 năm nữa (vì những ảnh hưởng sâu rộng từ chiến tranh Nga – Ukraine chưa hạ nhiệt), nên việc sớm có giải pháp để đưa mỏ vào khai thác thương mại cũng là một trong những lợi thế mà các bên liên quan đang nhắm đến.