VNTB – Lại chuyện đấu thầu thuốc ở bệnh viện

VNTB – Lại chuyện đấu thầu thuốc ở bệnh viện

Huỳnh Liên (thực hiện)

(VNTB) – Gần đây trong ngành y tế xảy ra nhiều vụ “bắt bớ” nên trong ngành có tâm lý dè dặt, sợ sai trong đấu thầu, sợ bị kỷ luật, xử lý hình sự…

 

Nhận định về thực trạng đấu thầu thuốc ở bệnh viện, Phó giáo sư, dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, phó chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, có ý kiến như sau – trích: “Về việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.đối với mặt hàng thuốc, chất lượng phải là quan trọng nhất. Nhưng đối với cơ chế đấu thầu hiện nay chủ yếu vẫn là đấu giá.

Dù cho chúng ta có phân ra các nhóm nhưng cuối cùng khi phân xong thì vẫn phải chọn thuốc nào rẻ nhất, kết quả là loại thuốc rẻ nhất trúng thầu. Loại thuốc rẻ nhất này được làm giá kế hoạch cho năm sau đó.

Từ mức giá của kế hoạch này sẽ dự trù cho năm sau và cái giá trúng đầu của năm sau bắt buộc phải thấp hơn hoặc bằng giá kế hoạch đó, vì vượt là sai luật. Như vậy, theo lý thuyết giá đấu thầu thuốc sẽ từ từ giảm dần.

Giá kế hoạch đúng ra phải được xây dựng dựa trên giá của thị trường, CPI, lạm phát… Tôi đồng ý là bắt buộc phải có giá kế hoạch, nếu không có giá kế hoạch chúng ta không thể dự trù được gói thầu là bao nhiêu.

Chưa kể, có những trường hợp các bên tham gia đấu thầu cùng bắt tay nhau nâng giá lên quá cao thì không ổn. Giá đấu thầu không thể xây dựng trên giá trúng thầu trước đó nhưng chúng ta vẫn làm như thế và bây giờ TP.HCM loay hoay bằng cách xin đấu thầu tập trung.

Đấu thầu tập trung có thay đổi được gì khi tất cả luật đấy, quy tắc, quy trình không thay đổi, ngoài chuyện khi đấu thầu tập trung sẽ chỉ còn một mặt hàng và bảo hiểm sẽ rất dễ dàng trong việc thanh toán với một cái giá thống nhất trong toàn thành phố?

Nếu công ty cung cấp mặt hàng duy nhất này bị đứt hàng hoặc bị sự cố gì đó thì toàn bộ TP.HCM sẽ rơi vào khủng hoảng chứ không lấy cái này đắp cho cái kia được.

Mặt khác, bác sĩ kê thuốc cho bệnh nhân phải có nhiều lựa chọn vì trong điều trị mỗi người có một nhận thức và kinh nghiệm đối với các loại thuốc, nếu chỉ có một loại thuốc thì không thể đa dạng trị liệu”.

Để giải quyết các gút mắc trên, theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, hiện các bệnh viện đang tốn công sức trong thời gian dài về việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Do đó nên bỏ đấu thầu, như con đường các nước châu Âu đang làm.

“Bệnh viện quanh năm suốt tháng lo đấu thầu. Liệu có nên nghĩ phương án bỏ đấu thầu, thay vì đấu thầu chúng tôi tập trung chuyên môn, chăm sóc người dân. Chúng tôi được đào tạo là nhân viên y tế, chứ không đào tạo về kinh tế. Vì nhiệm vụ chúng tôi phải đi học, điều này dẫn đến những sai sót thời gian qua và chúng ta mất đi nhiều người tài.

Các nước châu Âu đã thực hiện việc này rồi, tại sao chúng ta cứ phải đi vào con đường đấu thầu. Trong khi đó, nếu ngay từ đầu vào quản lý tốt giá thuốc, vật tư tốt thì sau đó tất cả cơ sở y tế cả nước từ Nam chí Bắc đều mua theo giá này. Tại sao chúng ta không làm như vậy mà cứ phải đi theo làm đấu thầu?” – bà Hoàng Thị Diễm Tuyết nhiều lần đặt vấn đề như vậy.

Một lưu ý khác rất đáng quan tâm, đó là, “giá thuốc đấu thầu ngày càng rẻ thì quỹ bảo hiểm y tế có lợi nhất, không sợ vỡ quỹ nhưng lại thiệt thòi cho người dân khi mua bảo hiểm y tế nhưng không được chữa trị đúng mức. Giá thuốc rất rẻ như vậy còn kéo lùi cả hệ thống điều trị cũng như gây ra sự thụt lùi của ngành công nghiệp dược.

Ngành công nghiệp dược hướng tới phát triển bền vững, hướng đến những sản phẩm chất lượng, xuất khẩu được nhưng cuối cùng bây giờ cái nào rẻ mạt thì bán trong nước, bán cho bệnh viện, bán cho người dân mình, còn mặt hàng nào tốt thì xuất khẩu” – bà Phạm Khánh Phong Lan, nhận xét gay gắt, và khẳng định rằng, “đấu thầu là hạ sách. Lúc họp Quốc hội khóa 13, một số chuyên gia kinh tế đã tranh luận rất dữ về những dự án giao thông của Việt Nam mà Trung Quốc trúng thầu.

Trung Quốc đã bỏ thầu rất rẻ nhưng trúng xong mới phát sinh đủ thứ, thi công ì ạch, như vụ trúng thầu đường sắt Cát Linh. Các chuyên gia đã nói giá như đừng đấu thầu mà làm cách khác thì có thể chúng ta đã lựa chọn được những nhà cung cấp có chất lượng tốt hơn…”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan đồng thuận với bà Hoàng Thị Diễm Tuyết: “Theo tôi, đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và cũng không phải là biện pháp tốt nhất để có thể cung ứng thuốc trong bệnh viện. Nên bỏ đấu thầu, còn bỏ đấu thầu thì thay bằng gì? Chúng ta nên mạnh dạn suy nghĩ lại, phải tập trung nhiều chuyên gia để xây dựng một cách khác, học tập mô hình, kinh nghiệm của các nước khác để làm tốt hơn”.

Tiếp tục luận bàn bên lề vấn đề đấu thầu, bà Phạm Khánh Phong Lan nhận định “Tôi thấy bệnh viện tự chủ được một thứ là Nhà nước không chi lương. Còn hai chuyện quan trọng nhất về tài chính và về tổ chức nhân sự, bệnh viện không hề được tự chủ. Bệnh viện không được quyết định ai là giám đốc bệnh viện, không chọn được người tài. Không có cơ chế lương để có thể giữ chân người tài. Bất cứ thứ gì liên quan đến tài chính, bệnh viện đều phải xin phép” (!?).

***

Theo báo cáo của Bệnh viện quận 11 (TP.HCM), bệnh viện thực hiện tổng cộng 32 gói thầu, trong đó có nhiều gói thầu mua sắm bổ sung. Khi thực hiện mua sắm thì nhiều thuốc không lựa chọn được nhà thầu.

Mặt khác, nhiều nhà thầu đã trúng thầu trước đó nhưng khi bệnh viện đặt hàng lại báo không có hàng cung ứng, bắt buộc bệnh viện phải xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung.

Bệnh viện cũng gặp khó khăn trong công tác mua sắm, điều chuyển, chuyển nguồn, cân đối thuốc. Trong thời gian chờ kết quả của các gói thầu mua sắm tập trung, bệnh viện xảy ra thiếu thuốc nhưng không thể tự tổ chức mua sắm các thuốc thuộc hình thức mua sắm tập trung.

Hoặc nếu bệnh viện mua sắm được thì vướng mắc khâu Bảo hiểm xã hội TP.HCM duyệt thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh.

Trong công tác mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, bệnh viện gặp khó khăn trong việc xác định giá dự toán. Bên cạnh đó, bệnh viện thường xuyên gặp tình trạng nhà thầu báo đứt hàng, không đủ số lượng cung ứng.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Y học cổ truyền lên ngôi. Xuyên tâm liên khôi phục quyền lực