Formosa được hoàn thuế 13.000 tỷ: Con số biết nói
(Tài chính) – Việc cục thuế Hà Tĩnh hoàn thuế cho Formosa Hà Tĩnh hơn 13.000 tỷ đồng là minh chứng cho thấy doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi.
Phản cảm?
Trong báo cáo vừa trình Bộ tài chính, Tổng cục thuế cho biết, từ năm 2014 đến tháng 5/2016, Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết hoàn thuế VAT cho Formosa Hà Tĩnh số tiền lên tới 13.483,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty này cũng nhận được nhận hàng loạt ưu đãi khác sau sự kiện xô xát xảy ra ngày 13/5/2014.
Chia sẻ với Đất Việt về con số trên, GS.TSKH Lê Du Phong, Nguyên quyền Hiệu trưởng trường ĐH KTQD Hà Nội cho biết cá nhân ông hết sức bất ngờ khi nhận được thông tin trên.
“Tôi cũng thấy lạ, Formosa đã sản xuất gì đâu mà được hoàn thuế. Số tiền hơn 13.000 tỷ đồng là một số tiền lớn. Nếu so với con số Formosa phải bồi thường cho phía Việt Nam sau sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung thì còn lớn hơn. Việc một doanh nghiệp từng nhập nhiều hóa chất độc hại và xả thải ra môi trường biển nước ta được nhận hoàn thuế và nhiều hỗ trợ ưu đãi khác, tôi thấy rất phản cảm”, PGS.TS Phong nhấn mạnh.
Cũng so sánh với số tiền 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng mà Formosa trả cho phía Việt Nam, TS. Lưu Bích Hồ – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh:
“Như vậy là chúng ta đẩy mạnh thu hút FDI nhưng cuối cùng không được gì, thậm chí còn phải bù lỗ. Trường hợp của Formosa là minh chứng cho việc các doanh nghiệp FDI được nhận quá nhiều những ưu đãi, dẫn đến những sự bất hợp lý, tính cạnh tranh công bằng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước”.
Việc cục thuế Hà Tĩnh hoàn thuế cho Formosa Hà Tĩnh hơn 13.000 tỷ đồng là minh chứng cho thấy doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi. |
Theo TS Hồ, trong nhiều thời điểm, chúng ta đã tiến hành thu hút FDI bằng mọi giá, rải thảm đỏ với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài nên không thật sự nhận thức rõ yêu cầu, mục đích cũng như cách làm việc với họ.
Tuy nhiên sau những sai phạm của Formosa đã đến lúc Việt Nam nhìn nhận lại quá trình thu hút đầu tư FDI cũng như cách quản lý, điều hành, giám sát.
“Vừa rồi chúng ta hơi dễ dàng về đất đai, thuế má, chế độ ưu đãi. Riêng Formosa Hà Tĩnh tôi cho rằng đây là trường hợp hơi đặc biệt, bởi vì chúng ta chưa tìm hiểu kỹ trước đây về doanh nghiệp này. Không phải doanh nghiệp FDI nào nhận được nhiều ưu đãi cũng xấu.
Nhiều doanh nghiệp FDI khác họ làm việc rất tốt như: Samsung của Hàn Quốc, các doanh nghiệp Nhật Bản làm cũng tốt cả. Thậm chí ngay cả các nước Đông Nam Á cũng có nhiều nước làm tốt như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Quan trọng là chúng ta quản lý như thế nào. Đã đến lúc Việt Nam phải có sự thay đổi trong chính sách, chiến lược thu hút FDI”, TS Hồ nhấn mạnh.
Dừng hỗ trợ Formosa là cần thiết
Một vấn đề khác PGS.TS Lê Du Phong lưu ý trong báo cáo của Tổng cục thuế là đề nghị xin ý kiến Thủ tướng kết thúc biện pháp hỗ trợ đối với Formosa trước thời điểm 1/9/2016 vì mắc nhiều sai phạm.
Theo vị chuyên gia, dù nhận được nhiều ưu đãi thế nhưng thực tế qua rà soát, kiểm tra, cơ quan thuế, hải quan đã phát hiện nhiều sai phạm của Formosa như: kê khai, áp mã HS chưa đúng với quy định hiện hành, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đối với mặt hàng kết cấu thép tiền chế dạng tháp và các bộ phận rời kèm theo dùng để lắp ghép nhà xưởng…
Do vậy, GS.TSKH Lê Du Phong cho rằng quyết định dừng hỗ trợ ưu đãi đối với Formosa là việc nên làm và cần phải làm ngay để thể hiện sự cương quyết của Đảng, nhà nước trước những sai phạm của doanh nghiệp này.
“Việc Formosa vi phạm thì Tổng cục thuế đã chỉ rõ rồi. Trước đó, Bộ TNMT cũng chỉ ra 53 sai phạm của doanh nghiệp này, trong đó có việc tự ý chuyển đổi công nghệ xử lý cốc khô sang cốc ướt gây nguy hại cho môi trường.
Formosa sai phạm như vậy thì việc chấm dứt hỗ trợ là đúng và cần thiết. Với những ưu đãi mà Formosa được hưởng thì họ ngồi chơi cũng có lợi rồi. Trong khi những doanh nghiệp Việt Nam phải nộp mấy chục % thuế. Như vậy là tạo nên sự bất công bằng giữa các doanh nghiệp”, GS.TSKH Lê Du Phong nói.
Trong khi đó, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, Việt Nam cần xem xét và làm đúng theo các quy định của pháp luật đối với những sai phạm của Formosa.
“Tổng cục thuế đã có đề nghị và Bộ Tài chính đang xem xét. Chính phủ cũng đang quan tâm đến vấn đề này. Chúng ta phải kiên trì giải quyết để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng”, TS Hồ nêu quan điểm.
Nhanh chóng thay đổi chính sách với FDI
Dù thừa nhận đầu tư FDI hiện nay vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta, tuy nhiên TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, đã đến lúc Việt Nam cần phải thay đổi chính sách trong việc kêu gọi cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.
Đất Việt
——————
Xem lại:
VNTB- 500 triệu USD, hơn 10 ngàn tỷ đồng và cuộc đổi chác bẩn thỉu?
Ảnh: chungnhan.org
Trong lúc biển miền Trung vẫn còn nguyên ô nhiễm và chưa có bất kỳ một xử lý nào; trong lúc nhiều ngư dân miền Trung vẫn chưa thực nhận “hỗ trợ” bằng một số nhỏ nhoi gạo và tiền; trong lúc chính phủ và các bộ ngành liên quan vẫn tái diễn hứa hẹn “sẽ lập kế hoạch xử lý ô nhiễm và chuyển đổi nghề nghiệp”, hoặc “sẽ chi trả hết tiền đền bù của Formosa cho ngư dân”…; trong lúc vẫn chưa có bất kỳ quan chức liên đới trách nhiệm nào bị xử lý…, thì một thông tin bất ngờ nổ bùng: nhân chủ trương chính phủ đền bù cho các doanh nghiệp FDI bị thiệt hại hồi tháng 5-2014 do một số vụ đập phá sau việc Trung Quốc kéo dàn khoan 891 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, dù mức thiệt hại của Formosa chỉ vào khoảng gần 4,8 tỉ đồng, và của các nhà thầu cho Formosa là hơn 68 tỉ đồng; nhưng tập đoàn này đã được tỉnh Hà Tĩnh hoàn thuế gần 10,174 tỉ đồng.
Con số hơn 10 ngàn tỷ đồng hoàn thuế trên lại gần bằng số tiền bồi thường 500 triệu USD của Formosa.
Hàng loạt câu hỏi lập tức bùng nổ:
– Tại sao sau hơn 2 năm kể từ thời điểm “thiệt hại” vào tháng Năm năm 2014, đến lúc này những thông tin về thiệt hại của Formosa và “chiến dịch hoàn thuế” cho Formosa mới được công bố?
– Liệu có một mối quan hệ bền chặt nào giữa con số 500 triệu UDSD bồi thường của Fomosa với con số hơn 10 ngàn tỷ đồng mà Formosa được chính quyền Hà Tĩnh và Tổng cục Thuế cho hoàn thuế? Đây có phải là “cơ sở” để Chính phủ thỏa thuận với Formosa về mức đền bù 500 triệu USD?
– Có phải Chính phủ, thông qua Bộ Tài chính và chính quyền Hà Tĩnh, đã biết trước vụ hoàn thuế hơn 10 ngàn tỷ đồng này để từ đó thương lượng với Formosa, để Formosa lấy tiền được hoàn thuế, cộng thêm một ít tiền nữa cho đủ 500 triệu USD làm tiền bồi thường?
– Phải chăng đã có một âm mưu cho Formosa được hoàn thuế hơn 10 ngàn tỷ đồng, gần bằng số tiền bồi hoàn 500 triệu USD của để Formosa, trong khi đáng lý số tiền hoàn thuế đó phải thuộc về ngân sách nhà nước? Phải chăng chính quyền Hà Tĩnh và Tổng cục Thuế thuộc Bộ tài chính đã thông đồng với Formosa để doanh nghiệp này trốn khoản thuế khổng lồ hơn 10 ngàn tỷ đồng?
– Theo thông tin của báo nhà nước, chính quyền Hà Tĩnh đã cho Formosa được hoàn thuế 10,174 tỷ đồng từ năm 2014 đến nay. Nhưng chỉ đến tháng 8/2016, tổng cục thuế mới có văn bản trình Bộ Tài chính đề nghị thông qua cơ chế cho hoàn thuế này; phải chăng động tác của Tổng cục Thuế là nhằm hợp thức hóa việc đã rồi?
– Những quan chức cấp địa phương và trung ương nào đã nhúng tay vào vụ đổi chác bẩn thỉu này? Các ông Võ Kim Cự, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng sẽ ăn nói ra sao vụ việc chấn động này?
Hoàn toàn có thể cho rằng nếu vụ hoàn thuế hơn 10 ngàn tỷ đồng cho Formosa được thực hiện như một cuộc đổi chác bẩn thỉu, đây sẽ là một vụ đại án quốc gia, không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị.
Không còn gì để nói. Cái gọi là “niềm tin chế độ” trong người dân Việt nói chung và ngư dân miền Trung nói riêng đã cạn sạch từ lâu.
Thói khuất tất và khuất lấp của giới quan chức trong vụ Formosa đang ngày càng đổ dầu vào lửa, càng khiến các cuộc biểu tình không thể ngăn chặn của ngư dân và giáo dân miền Trung sẽ bùng nổ rộng và sâu trong thời gian tới.
Lê Dung / SBTN