VNTB – Lạm phát đã hiện hữu tại Việt Nam

VNTB – Lạm phát đã hiện hữu tại Việt Nam

Hàn Lam

(VNTB) Lạm phát không còn là áp lực mà đã hiện hữu tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng tăng mạnh sau dịch Covid-19, đặc biệt là giá xăng dầu.

Ngày 15/6/2022 (giờ Mỹ), sau cuộc họp chính sách định kỳ tháng 6, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm %, lên mức 1,5%-1,75%. Đây là mức tăng lãi suất lớn trong vòng 28 năm nhằm kiềm chế lạm phát, vốn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của Fed hiện nay.

Việc tăng lãi suất của Fed ảnh hưởng đến chi phí vốn trên thị trường quốc tế ở thời điểm hiện tại. Cùng với đó, áp lực về chi phí vốn cũng đang đè lên một số ngân hàng khi lãi suất huy động trên thị trường đang tăng trở lại. Như vậy, tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới ở Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát.

Do đó, lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nhích lên không phải là xu hướng, mà tùy thuộc vào mức độ thanh khoản từ ngân hàng thương mại, cộng thêm yếu tố lạm phát tâm lý. Tất nhiên, khi lãi suất huy động đầu vào tăng thì mục tiêu giảm lãi suất cho vay sẽ rất khó khăn như kỳ vọng là điều không thể thực hiện.

Trong một góc nhìn khác liên quan đến chính trị, có ý kiến rằng trong bối cảnh vĩ mô đang tương đối nhạy cảm, các ngân hàng trung ương phải nhìn ngó các nước lớn điều hành chính sách như thế nào để có những bước đi phù hợp, tránh ảnh hưởng đến câu chuyện về tỷ giá hay hoạt động tăng lãi suất quá đột ngột, gây ra cú sốc trên thị trường.

Trước mắt là lo lắng việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ đưa đến làm tăng lãi suất cho vay bằng đồng USD, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp. Nhiều tổ chức nghiên cứu trên thế giới gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Mỹ. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Nói một cách khác là khi tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn. Các khoản nợ nước ngoài cũng sẽ chịu tác động tăng khi tỷ giá chịu sức ép điều chỉnh. Đây cũng là những sức ép có thể đo đếm được.

Khi lãi suất tại Mỹ đi lên sẽ làm tăng thêm sức mạnh cho đồng USD, gây áp lực lên VNĐ. Tiền đồng sẽ giảm giá so với USD, có lợi thế cho xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước. Nhưng ở chiều ngược lại, nợ nước ngoài của Việt Nam cũng gia tăng, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn… có thể làm cho giá hàng hóa trong nước tăng lên, tác động không tốt đến lạm phát.

Một chuyên gia tài chính người Việt đang làm việc tại Đại học Bristol, Vương quốc Anh, bình luận: “Trong tình trạng hiện tại, việc Ngân hàng Trung ương ở các nước phát triển phải tăng lãi suất hay thắt chặt tiền tệ là bắt buộc khi họ đã để chính sách tiền tệ quá nới lỏng trong giai đoạn dịch Covid-19 để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng tăng lãi suất quá mạnh cũng sẽ không giúp ích nhiều cho việc kiểm soát lạm phát trong tình trạng này.

Cùng lúc giải một bài toán ba mục tiêu: chống lạm phát, hạn chế vay nợ quá mức để đầu cơ tài sản, tránh suy thoái. Điều này là bất khả thi. Giết chết nền kinh tế bằng thắt chặt tín dụng quá mức sẽ không giải quyết được vấn đề lạm phát nhưng nó có thể kéo nền kinh tế đi vào suy thoái lâu dài và rất tốn kém để thoát ra”.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)