Việt Nam vẫn nằm nguyên trong vòng nghịch lý đầy tủi hổ: bất chấp đại hội đảng 12 “thành công tốt đẹp” và Tổng bí thư Trọng “bất ngờ vì được 100% phiếu bầu”, bất chấp không khí ca ngợi quá đáng của một số tờ báo nhà nước dành cho dàn lãnh đạo mới của Chính phủ và Quốc hội, cũng bất chấp các con số tô hồng về “giữ vững tăng trưởng GDP 6.5%” được thủ tướng mới là Nguyễn Xuân Phúc không thay đổi so với “quyết tâm” không biết bao nhiêu lần của thủ tướng cũ là Nguyễn Tấn Dũng.., tình trạng nền kinh tế năm 2016 có vẻ đang lặp lại năm 2011.
Hình minh họa. Internet
Lặp lại như thế nào? Năm 2011, lần đầu tiên sau nhiều năm, chính phủ Việt Nam phải ban hành quy chế “thắt chặt đầu tư công”. Trước đó, tiền đổ ra quá nhiều, vào chứng khoán, bất động sản, ngân hàng và bảo hiểm. Khi hai thị trường bất động sản và chứng khoán đồng loạt lao dốc, quá nhiều doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước đã trở nên cám cảnh và trở thành con nợ khủng của ngân hàng. Cũng vào năm 2011, lạm phát theo báo cáo đã lên đến 20% (trong thực tế giá cả nhiều mặt hàng trên thị tường tăng gấp rưỡi).
Còn vào năm nay, số liệu cho thấy lạm phát tháng 4/2016 đã tăng cao nhất 5 năm, được giải thích là do tác động của việc tăng giá xăng, thép và phí dịch vụ y tế, giáo dục. Trong khi đó, nền kinh tế trong quý I chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể từ năm 2012 đến nay. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tăng trưởng quý I thấp hơn so với cùng kỳ (5.46% so với 6.12%). CPI quý I/2016 đã tăng 1.25%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước.
Còn có những yếu tố khác khiến lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại, tiếp đà tăng của quý I/2016 là giá lương thực có thể tăng vì hạn hán kéo dài ở Việt Nam; Trung cộng đang tích cực thu mua gạo; giá các dịch vụ công cũng có thể sẽ điều chỉnh tăng…
Trong ít nhất nửa năm qua, nhiều người hưu trí đã cảnh báo một hiện tượng rất đáng lưu ý là khi đi lãnh lương hưu, họ nhận được toàn tiền mới. Mới cứng. Khó có thể hiểu khác hơn là những tờ giấy bạc này vừa được “sản xuất” từ nhà máy in tiền phi mã của Ngân hàng nhà nước.
Từ năm 20111, đã có những thông tin ngoài lề về việc Việt Nam in tiền hàng năm đến 30% so với lượng tiền lưu thông. Chỉ cần thông tin này có một phần cơ sở, có thể nói là là mức độ lạm phát chủ ý đã được Ngân hàng nhà nước đẩy lên rất mạnh ở đất nước tràn ngập suy thoái này.
Một nghịch lý khác cũng đang tái phát lộ là trái ngược với tình trạng ngân sách rỗng ruột và đặc biệt đang phải tìm kiếm ngoại tệ để ngay trước mắt trả nợ cho các chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, nhiều ngân hàng thương mại lớn lại đang thừa tiền. Trong bối cảnh tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phải ngừng hoạt động và rơi vào cảnh phá sản trong quý I/2016 tăng đến 23% so với cùng kỳ năm trước, việc ngân hàng muốn “đẩy” tiền ra lưu thông thật không hề dễ dàng. Tuy nhiên, không làm cho tiền lưu thông cũng là mang một món nợ trên mình. Vì thế, nhiều ngân hàng đang bỏ qua hệ số rủi ro lớn để làm mọi cách tạo ra khối khách hàng vay mượn, bất kể khả năng thanh toán.
Một khung cảnh bế tắc của nền kinh tế!
Về mặt xã hội, mặt bằng giá cả và lạm phát có thể tăng vọt trong năm 2016 sẽ khiến một giai tầng khốn khổ như công nhân, nông dân các vùng bị hạn hán và nhiễm mặn, đặc biệt là ngư dân ở các vùng cái chết miền Trung sẽ lâm vào tình trạng khốn khổ hơn nhiều.
Những người am hiểu tình hình ngư dân miền Trung cho biết cho tới nay, đại bộ phận ngư dân này vẫn chưa nhận được hỗ trợ vật chất của chính quyền địa phương như chính phủ hứa hẹn. Nếu tình trạng thiếu thốn này kéo dài từ 3-6 tháng nữa, dự trữ trong dân sẽ cạn. Khi đó, tất yếu sẽ dấy thành một phản kháng tự nhiên và mang tính đám đông của ngư dân, trực tiếp đối với chính quyền địa phương, sau đó còn có thể trở thành một phong trào phản kháng rộng lớn của ngư dân và người dân các vùng khác.
Lê Dung / SBTN