Út Sài Gòn
(VNTB) – Đâu phải ai chụp hình, quay phim làm kỷ niệm ở chùa đều là có ý đồ xấu.
Ngày 15/6/2024, báo Giác Ngộ viết: “Một số tài khoản khác còn chia sẻ “kinh nghiệm” ngụy trang Phật tử tham dự các sinh hoạt trong chùa để lấy lòng tin, sau đó quay phim, ghi tiếng, chụp hình những cảnh phản cảm có thể xảy ra…
Thực tế những ngày qua, tòa soạn nhận được nhiều phản ánh có những người cầm máy quay phim vào các chùa đeo bám các Tăng Ni, gặng hỏi những điều khiếm nhã với các từ khóa được gợi ý chung quanh việc “cúng dường”.
Sau đó hai ngày, cũng báo Giác Ngộ: “Trao đổi với Báo Giác Ngộ, Luật sư Nguyễn Minh Tường, Công ty luật Vương Gia, TP.HCM nhận định đó là hành vi xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
“Hành vi này có dấu hiệu của tội: ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’, theo Điều 331 – Bộ luật Hình sự. Các cơ quan pháp luật cần phải vào cuộc để xử lý nghiêm theo pháp luật.”, Luật sư Nguyễn Minh Tường có ý kiến”.
– Không cấm mà viết vậy thì khác gì gián tiếp khuyên không nên cho quay?
– Lại chuyện gì à anh Tám?
– Tui mới nói chuyện với thằng cháu. Nó nói nó vô chùa, xin chụp hình quay phim chánh điện làm kỷ niệm thì các chùa đều lắc đầu, không cho. Kêu là lùm xùm cái chuyện gì đó nên không cho. Rồi bà con xung quanh phản ánh, trụ trì chùa ra cảnh báo, không cho bà con trả lời bất kỳ ai hết.
– Chắc là lùm xùm cái chuyện liên quan đến ông sư Minh Tuệ với mấy cái chuyện cúng dường chứ gì!
– Mà tui nói thiệt, đâu phải ai cũng như cái trường hợp mà báo chí viết. Có những người rất nghiêm túc, trước khi quay phim, xin đàng hoàng, trụ trì cho đàng hoàng luôn. Ủa, vãn cảnh chùa mà, quảng bá quê hương xứ mình mà. Mà giờ với mấy cái lùm xùm này, nói thiệt, cho dù mấy thầy có chấp nhận đi chăng nữa thì cũng khó lòng. Có chuyện gì thì ăn sao nói sao đây?
– Mà tui thấy, như bên mình, có khó khăn chi đâu. Đâu phải ai cũng là con sâu, đâu phải ai cũng chăm chăm soi mói? Người ta đi du lịch, thấy đẹp, lưu giữ lại. Người ta chỉ muốn tìm hiểu văn hóa, chỉ muốn tìm hiểu dòng tu, hệ phái. Rồi làm theo mấy cái thủ tục rườm rà, rắc rối, đợi phê duyệt này nọ, thời gian đâu mà đợi?
– Quan điểm của tui thấy, báo Giác Ngộ viết không sai. Nếu tui nhớ không lầm, mấy cái youtube hay mạng xã hội, còn có mấy ông Bộ Thông tin Truyền thông quản lý mà. Ủa, ai làm sai thì mấy ổng phạt đi, như việc mấy ổng phạt mấy tờ báo viết sai vậy đó. Xong đăng tải lên báo chí để răn đe. Đâu phải khách thập phương nào cũng vô chùa soi mói này nọ. Gia đình người ta từ nước ngoài về chỉ muốn ghi hình làm kỷ niệm thôi mà. Xa quê, nhớ quê, nhớ chùa cũ, muốn ghi lại hình ảnh của mái chùa, sân chùa nơi mình cùng đám bạn từng vui đùa, có gì là sai?
– Chịu, chẳng hiểu nổi…
Ai sai thì chịu trách nhiệm thì câu chuyện mà có lẽ, ai cũng biết. Với những youtuber nào có hành vi không đúng, có hành vi vi phạm pháp luật, phạt là chuyện không sai. Tuy nhiên, không thể đánh đồng tất cả những người giơ máy lên chụp hình, giơ điện thoại lên quay phim làm kỷ niệm đều là soi mói “đời tư” là không chính xác.
Nói gì thì nói, chùa vẫn là nơi trang nghiêm, nơi thanh tịnh, đâu phải ai cũng dám có hành vi không đứng đắn ngay tại chùa…