VNTB- Lấn chiếm vỉa hè và lấn chiếm hành lang dân chủ

Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) – Với cả hai loại lấn chiếm vỉa hè và lấn chiếm dân chủ, kẻ có quyền vốn chẳng sợ ai, vì họ đều là đảng viên cộng sản có chức quyền.

   Chính quyền thẳng tay lấn chiếm hành lang dân chủ

Vỉa hè phố phường là nơi cho người dân đi bộ tự do, tới lui xuôi ngược. Vỉa hè có ranh giới rõ ràng, tính từ bức tường mặt tiền nhà phố hắt ra đường. Đó là đất công cộng. Chủ nhà hoặc bất kỳ ai cũng không có quyền lấn chiếm cố định cho riêng mình.
Hành lang dân chủ  tuy là trừu tượng nhưng được hiến định, văn bản Hiến pháp vạch rõ ranh giới, không gian với tên gọi rõ ràng: tự do ngôn luận, tự do biểu đạt ý kiến, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do hội họp và biểu tình.

Khác nhau và giống nhau
Đối tượng lấn chiếm vỉa hè là bất cứ ai, tùy hứng, song chủ yếu là những kẻ được quan chức và công an địa phương bảo kê (*) (chủ tịch Hà Nội gọi là “đứng đằng sau”) thì tha hồ lấn chiếm đàng hoàng, chả phải sợ ai.
Đối tượng lấn chiếm “hành lang dân chủ” chỉ có thể là quan chức nhà nước.
Vậy, rút ra thừa số chung: cả hai kiểu lấn chiếm đều chủ yếu là một đối tượng nguy hiểm và đầy sức mạnh bạo lực: quan chức cầm quyền.
Trong hai tuần qua, vỉa hè quận 1 Sài Gòn bị phó chủ tịch quận khuấy động phá gỡ, tức thì Hà Nội rung chuyển. Phần còn lại 61 tỉnh thành chăm chú đọc báo và bàn tán nhưng vẫn án binh bất động, im lặng là vàng !
Trong khi các nước dân chủ tiến bộ lo những chuyện đại sự vĩ mô, Việt Nam loay hoay với cái vỉa hè và hành lang.
Tuy nhiên,  ở Việt Nam vỉa hè  quả là chuyện không nhỏ.
Vỉa hè chiếm sự quan tâm cả nước trong khi bao nhiêu chuyện quốc kế dân sinh có vẻ bị lấn át trên công luận: nợ công nợ xấu, quốc hội thập thò thông qua nhiều bộ luật cần thiết, ngành tư pháp bất lực trước khiếu kiện đất đai và các loại án oan. Đời sống ngư dân thắc thỏm trên 4 tỉnh miền Trung với mối hiểm họa Formosa được chính phủ bảo kê, níu giữ. Nhà cầm quyền vẫn trơ tráo xua lực lượng vũ trang bảo vệ Formosa, đàn áp  người thưa kiện và biểu tình.v.v…
TBT Nguyễn Phú Trọng còn đang bận tâm hai việc lớn (nhìn bề nổi) là đi các tỉnh thành đốc thúc rà soát đảng viên tự kiểm tự phê 27 biểu hiện suy thoái để cứu Đảng.
TBT Nguyễn Phú Trọng còn phải đóng vai “chánh án tối cao” đốc thúc xét xử mấy tay cộm cán thủ phạm Formosa người Việt và phần cù cặn nhóm lợi ích cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và đồng bọn, thảy đều khó xử. Khó xử chỉ vì thiếu cơ sở pháp lý, thiếu TAM QUYỀN PHÂN LẬP. Bùng nhùng, chồng chéo giữa đảng và chính quyền. Thiếu cơ sở pháp lý.
Chuyện vỉa hè, nhìn bề ngoài, là việc nhỏ so với những việc kể trên. Nhưng ý nghĩa thâm sâu không hề nhỏ. Vỉa hè là phần nổi tảng băng trôi. Phần chìm còn lại là ở 150/180 ông bà chủ lần chiếm vỉa hè, ác thay lại là công an chính quyền phường quận đứng “bảo kê”. Giải pháp triển khai của ông Chủ tịch Hà Nội là ba bước giải quyết xong (chuyện này sẽ bàn sau).
Tỷ lệ 150/180 quán vỉa hè Hà Nội có công an, lãnh đạo chống lưng là “bộ phận không nhỏ” đã suy thoái (như cách nói mập mờ của ông TBT Nguyễn Phú Trọng). Đề nghị ông cần nói chính xác 150/180 là BỘ PHẬN ĐA SỐ, tức là rất lớn. Phần nhỏ hơn, 30/180 hộ là bộ phận ăn theo, theo lí sự dân gian.
LÝ SỰ DÂN GIAN
Những ông bà chủ quán vỉa hè được bảo kê (*) thường gọi “chống lưng” kéo theo những ông bà chủ khác dùng phương pháp SO BÌ để cùng tồn tại. Cảnh sát đi dẹp vỉa hè, có dám ưu tiên chừa lại những ông chủ được chống lưng mà dẹp người khác không ? Người dân chỉ tay mà hỏi như vậy. Thôi thì, CA, CS, đội trật tự đô thị đành quay lưng bỏ đi. Bó tay. Rất nhiều chủ nhà không làm ăn trên vỉa hè, chỉ kê bộ ghế đá ngồi duỗi chân, kê những chậu cây cảnh cho xanh mát và đẹp mắt, dựng xe máy ban ngày khi chưa đóng cửa đi ngủ. Vỉa hè toàn bộ phố phường biến mất, trở thành lãnh địa riêng. Chỗ này còn có nguyên nhân DÂN TRÍ.
Hiến Pháp đã vạch ra hành lang (vỉa hè) DÂN CHỦ rõ ràng.Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội và hội họp. Nhà cầm quyền lấn chiếm vỉa hè DÂN CHỦ bằng bạo lực hung hãn. Ai sẽ dọn dẹp cái “hành lang, vỉa hè” này, trả lại quyền dân chủ cho Dân ?
Những gánh hàng rong chỉ dừng quang gánh trên vỉa hè lòng đường, chốc lát rồi đi tiếp. Chắc chắn đó là những người dân nghèo. Lãnh đạo thành phố HCM nói sẽ “đưa họ vào chợ” cho họ bán hàng. Nói thế là không hiểu gánh, xe hàng rong nhằm bán hàng cho lượng khách không tiện vào chợ hay siêu thị. Đó là thứ hàng lặt vặt, mớ rau, trái cây, bó hoa, xổ số và những tạp hóa nhỏ lẻ khác. Họ không tiện cất công vào chợ, siêu thị tốn tiền gửi xe và mất thời gian khi chỉ cần mua mấy thứ lẻ tẻ. Có nhu cầu mua hàng rong thì có nghề bán hàng rong. Nhà cầm quyền đừng bao giờ lười biếng nghĩ đến cấm hàng rong. Có cung có cầu. Qui luật bất biến.
Vì thế, nhà cầm quyền cần phải phân ra hai loại: người LẤN CHIẾM VỈA HÈ, và người bán hàng rong trên LÒNG ĐƯỜNG để hành xử phù hợp. Đã tự nhận “Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội toàn diện” thì phải suy nghĩ thấu đáo và hành động.
PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG LẤN CHIẾM VỈA HÈ
Loại 1: Những người có “giá chống lưng”. Đây là loại chủ tiệm quán, cửa hàng làm ăn kinh doanh. Thậm chí chủ nhà còn cho thuê vỉa hè công cộng để kiếm lời. Kể luôn cả loại cơ quan công sở ỷ thế mình là “nhà nước” cũng lấn chiếm ngang nhiên.
Loại 2: Những chủ nhà mặt tiền không kinh doanh, tranh thủ kê bộ bàn ghế đá, kê chậu cảnh khủng để mở rộng lãnh địa. Loại này ăn theo những chủ kinh doanh có bảo kê. Loại này xếp vào đối tượng dân trí thấp mặc dù họ là công chức, nhà khá giả chẳng phải lo sinh kế trên vỉa hè.
Loại 3: Những người nghèo buôn gánh bán bưng lấn chiếm tạm thời khi dừng chân bán hàng, bị đuổi  riết thì dời đi chỗ khác nếu không dám so bì cãi lý với nhà chức trách.
KẾT
Câu chuyện vỉa hè dân sinh và hành lang dân chủ ở Việt Nam thực ra chẳng phải chuyện nhỏ.
Với cả hai loại lấn chiếm vỉa hè và lấn chiếm dân chủ, kẻ có quyền vốn chẳng sợ ai, vì họ đều là đảng viên cộng sản có chức quyền. Hệ thống cán bộ phường quận tới trung ương đều coi rẻ việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Vì thế nảy sinh hậu quả khôn lường làm cho xã hội bất an.
Trong 27 điều đảng viên tự kiểm về suy thoái, đề nghị ông tổng bí thư Trọng bổ sung thêm hai việc LẤN CHIẾM kể trên. May ra, Đảng có chuyển biến tốt hơn chăng ? Thôi thì áo rách nhà nghèo vá quanh vá quẩn cũng còn hơn không.
LỖI kể trên thuộc về LỖI HỆ THỐNG. Cũng phải được giải quyết bằng việc chữa lỗi hệ thống mới xong.
——————–
Chú thích

* “Bảo kê” là từ ghép Hán & Việt. “Bảo” là bảo vệ (gốc Hán), “kê” (tiếng Việt) là kê cao vị trí lên, công khai, đàng hoàng.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)