Khác biệt khá lớn với tình trạng phân hóa và cát cứ quyền lực trong nội bộ chính trị Việt Nam, Tập Cận Bình ở Trung cộng tiếp tục tăng cường mạnh mẽ vai trò tập quyền chưa từng có – có thể so sánh với vai trò “thống lĩnh” của Mao Trạch Đông vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Cảnh tượng một nhà thờ bị phá hủy tại thị trấn Bailu ở Bành Châu, Trung cộng. Hình Internet.
Sau khi trở thành “tổng tư lệnh quân đội” vào tháng 4/2016, Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra tuyên bố “Các nhóm tôn giáo Trung Quốc phải tuân theo những quyết định phi tôn giáo của đảng Cộng Sản”. Tuyên bố quá trắng trợn này diễn ra trong một cuộc họp báo quan trọng về tôn giáo dành cho truyền thông nhà nước, trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt kiểm soát các tổ chức xã hội dân sự và nhà thờ.
Tại Trung cộng có hàng trăm triệu tín đồ Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Đảng Cộng Sản tìm cách “định hướng” các tín đồ, trong khi lại đàn áp các nhóm tôn giáo không chính thức.
Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2012, chính quyền Trung cộng đã có đường lối cứng rắn hơn với xã hội dân sự và tôn giáo.
Theo đài RFI, tại tỉnh Chiết Giang (phía đông Trung cộng), trong những năm gần đây, các quan chức địa phương đã cho tiến hành phá hủy nhà thờ hoặc dỡ bỏ cây thánh giá bên ngoài. Theo thống kê của các nhóm bảo vệ nhân quyền, hàng trăm giáo xứ đã bị ảnh hưởng.
Còn tại vùng Tân Cương, nơi tập trung chủ yếu người Hồi Giáo, các nhóm nhân quyền và người dân địa phương đã phản ánh là quyền tự do tín ngưỡng bị thắt chặt với các lệnh cấm hoặc hạn chế thi hành các nghi thức Hồi Giáo như mùa chay Ramadan hay để râu dài. Còn Bắc Kinh luôn tuyên bố là đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố từ tư tưởng cực đoan ở Tân Cương.
Không nghi ngờ gì nữa, toàn bộ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung cộng đang phụ thuộc vào một cá nhân Tập Cận Bình và đang cố gắng tôn tạo vai trò độc đoán bằng việc siết bức tôn giáo.
Giờ đây, vấn đề đặt ra trở nên phức tạp hơn: một khi đã quyết định xâm phạm cả đức tin, liệu chế độ chính trị Trung cộng có thể thắng hay sẽ thất bại thảm hại?
Trong lịch sử, chưa có một chế độ vô thần nào chiến thắng được tôn giáo. Ngay cả chế độ Cuba cũng bắt buộc phải thỏa hiệp với những người Thiên chúa giáo – chiếm đến một nửa dân số đảo quốc này – để cùng tồn tại. Với Việt Nam, chính quyền này tuy vẫn thi hành chính sách đàn áp tôn giáo ly khai, nhưng không dám xâm phạm đức tin nặng nề như chế độ Trung cộng.
Trường hợp duy nhất hiện còn tồn tại tương đối “thành công” đối với tôn giáo là chế độ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên mầm mống nội loạn trong chế độ này là luôn tiềm ẩn và có thể bùng nổ vào bất cứ thời gian nào.
Trung cộng hiện đang ở vào giai đoạn những năm 2000 của Việt Nam khi Hà Nội cố gắng siết bức tôn giáo. Quan điểm cực đoan càng khiến Tập Cận Bình không mấy quan tâm đến những chế tài mà phương Tây áp dụng đối với quốc gia này, chẳng hạn như đưa Trung cộng vào Danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).
Nhưng điều rõ ràng là trong tương lai không xa, Tập Cận Bình không chỉ phải đối phó với nguy cơ đảo chính nội bộ mà sẽ phải gánh chịu hậu quả trầm luân từ cuộc phản công của hàng chục triệu linh mục và giáo dân. Không loại trừ một cuộc chiến “lương – giáo” sẽ nổ ra ở Trung cộng như đã từng kéo dài suốt vài chục năm trong thế kỷ 20 ở Việt Nam.
Lê Dung / SBTN