Hoài Nguyễn
(VNTB) – Bộ Lao động Mỹ nêu tên Việt Nam trong báo cáo về cưỡng bức lao động, lao động trẻ em.
Tin tức trên VOA hôm 6-10-2022 cho hay Việt Nam nằm trong số các quốc gia châu Á bị đề cập đến trong một báo cáo mới công bố của Bộ Lao động Hoa Kỳ về tình trạng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. Báo cáo có tên “Danh sách hàng hóa do lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức sản xuất” do Văn phòng Quốc tế vụ (ILAB) của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 28-9, đề cập đến những quốc gia bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đánh bắt thuỷ hải sản, trong đó có Việt Nam.
“Hoa Kỳ có trách nhiệm chấm dứt tình trạng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức nghiêm trọng”, Bộ trưởng Lao động Marty Walsh nói trong báo cáo. Chính vì vậy, sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ/Uyghur (UFLPA), Bộ này đã phát triển một chiến lược hành động nhằm “đảm bảo các doanh nghiệp và người tiêu dùng Hoa Kỳ không vô tình hỗ trợ cho các hành vi vi phạm quyền con người và quyền lao động”.
Trong báo cáo dài 116 trang của ILAB năm nay, Việt Nam bị liệt kê có các ngành nghề đang tồn tại tình trạng lao động trẻ em, bao gồm sản xuất gạch, hạt điều, cà phê, đánh bắt cá, giày dép, đồ nội thất, da, hạt tiêu, gạo, cao su, mía, chè, dệt may, gỗ, thuốc lá. Riêng ngành dệt may được xem là ngành tồn tại cả hai tình trạng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. (https://www.voatiengviet.com/a/6778055.html)
Người viết không ý kiến về các nhận xét/ phán xét của ILAB, mà chỉ muốn nói rằng nên lưu ý ở đây là trẻ em cũng cần có quyền mưu sinh khi mà các chế độ an sinh, phúc lợi tại Việt Nam lâu nay không kham xuể cho mở rộng trẻ từ 6 đến 17 tuổi.
Sở dĩ lấy mốc tuổi từ 6 đến 17, vì trẻ sơ sinh đến 6 tuổi ở Việt Nam hiện nay được chế độ bảo hiểm y tế miễn phí. Từ 7 tuổi trở đi, tùy gia cảnh mà phần bảo hiểm y tế này có các mức giá điều chỉnh khác nhau.
Riêng trong giáo dục thì lớp 1 đến lớp 5 ở hệ thống trường công lập được miễn phần tiền gọi là học phí hàng tháng, các khoản phí khác của riêng trường thì tùy vào nhu cầu mà có các khoản thu tương ứng, bao gồm cả phần học tiếng Anh và tin học.
Luật pháp Việt Nam quy định độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự theo một vài mức độ, theo đó trẻ em đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, và trẻ em từ 14 đến 16 tuổi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội danh.
Các vấn đề liên quan khác như tiêu chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 – 2025 được quy định tại Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP như sau: Khu vực nông thôn: Hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng ở mức từ 1.500.000 đồng trở xuống; Khu vực thành thị: Hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng ở mức từ 2.000.000 đồng trở xuống.
Vậy Việt Nam có bao nhiêu người nghèo? Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 26,8 triệu hộ gia đình tính tròn. Còn theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ước tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,75% và hộ cận nghèo còn 4%. Từ các con số này, có thể tạm tính số hộ nghèo tại Việt Nam là khoảng chừng 730.000 hộ, và số hộ cận nghèo là khoảng 1 triệu hộ.
Trong số đó có bao nhiêu người nghèo, cận nghèo? Người viết không tìm được con số chính thức. Thôi thì lại tạm tính. Theo kết quả điều tra nêu trên, bình quân mỗi hộ có 3,5 người. Như vậy, làm một phép tính đơn giản sẽ cho biết Việt Nam có chừng 2,5 triệu người nghèo và chừng 3,5 triệu người cận nghèo.
Xin nhấn mạnh ngay rằng tất cả các con số này chỉ là ước tính của người viết dựa trên thống kê trung bình để chúng ta tiện hình dung, không phải là thống kê chính thức.
Thực tế thì với quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, không ít gia đình ở nông thôn phải chịu cảnh túng quẫn, kiệt quệ vì sinh nhiều con.
Xin dẫn chứng luôn về “người thật – việc thật” ở tỉnh Bạc Liêu do nhà báo Thới Bình của trang Việt Nam Thời Báo cung cấp: Tuy mới 42 tuổi nhưng chị Huỳnh Ngọc Tươi (khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu) tù tì sinh liên tục 8 người con và chuẩn bị đón chào thành viên thứ 9.
Hoàn cảnh nghèo, không đất sản xuất, không nghề ổn định, chồng lại không có nghề nghiệp nên mọi gánh nặng gia đình đều trông chờ vào số tiền công ít ỏi từ nghề làm phụ hồ và lặt hẹ của chị.
Lao động nặng nhọc, không ngơi nghỉ lại liên tục mang thai rồi sinh con, con được vài tháng rồi lại tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh nên sức khỏe của chị gần như suy kiệt, thường xuyên đau ốm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, 3 đứa con lớn của chị học hành dở dang, phải xa nhà lao động sớm phụ mẹ nuôi em, đứa kế tiếp mới 13 tuổi cũng phải vừa đi học vừa chăm đàn em nheo nhóc.
Ở độ tuổi 29, chị Đỗ Hồng Nhanh (cùng ngụ phường Nhà Mát) cũng đã sinh đến 5 người con. Chồng làm ngư phủ, bản thân chị làm nghề vá lưới, đồng tiền kiếm được không đủ trang trải cuộc sống. 3 đứa con lớn học hành dở dang vì nghèo khó, 2 đứa con nhỏ dù đến tuổi mẫu giáo những vẫn chưa được đến trường. Mỗi khi ốm đau bệnh tật cũng chỉ được uống vài viên thuốc xin ở trạm y tế; chuyện vui chơi, ăn uống đủ đầy với các em là điều vô cùng xa xỉ.
“Điểm chung ở đa phần các hộ đông con là nghèo khó, trình độ văn hóa thấp, sống bằng nghề làm thuê, mò cua bắt ốc, điều kiện nuôi dạy con cái không đầy đủ” – nhà báo Thới Bình nhận xét, và điều này coi như bổ sung vào bức tranh đa chiều về quyền mưu sinh của những đứa trẻ trong phụ giúp cha mẹ mình chén cơm manh áo.
1 comment
Sau cơn mưa, đường lại ướt