Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
Khi năm 2016 đã trôi qua gần một nửa, một quan chức có trách nhiệm – ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của công ty Quản Lý Tài Sản (VAMC) – mới bật lên báo chí một ý tưởng chưa hề có tiền lệ: “Trong năm 2016 VAMC sẽ lần đầu tiên mua nợ xấu bằng tiền mặt.”
Chưa bao giờ VAMC mua nợ xấu bằng tiền mặt!
Dù mang tính trấn an, nhưng phát ngôn của ông Nguyễn Quốc Hùng lại vô tình thú nhận một sự thật được che giấu lâu ngày. Hiểu một cách đơn giản nhất, chưa bao giờ VAMC mua nợ xấu bằng tiền mặt!
Mặt tái lập tức hiện hình: vậy trong suốt ba năm hoạt động kể từ ngày thành lập cho đến nay, VAMC đã “xử lý” nợ xấu bằng gì?
Trong các báo cáo của VAMC những năm trước, doanh nghiệp có vị trí rất hiểm yếu trong nền kinh tế quốc dân đã luôn phô trương việc xử lý nợ xấu “rất hiệu quả” trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần, và cho đến giờ tỉ lệ nợ xấu của cá ngân hàng này đã giảm hẳn, còn tỉ lệ nợ xấu bình quân đã được kéo giảm dưới 3% theo “nghị quyết” của chính phủ.
Những báo cáo trên lại được Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng liên tục trình ra trước quốc hội như một thành tích, đặc biệt vào thời gian sắp diễn ra Đại Hội 12 của đảng cầm quyền vào Tháng Giêng, 2016. Thậm chí còn đặt ra chỉ tiêu sẽ giải quyết toàn bộ nợ xấu trong vài ba năm tới.
Thế nhưng sau Đại Hội 12 và cùng với sự ra đi của Thủ Tướng Dũng lẫn Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình, sự thật về nợ xấu dần lộ diện theo cách không còn cách nào khác.
Cần nhắc lại, nếu từ năm 2011, các chuyên gia phản biện độc lập đã đề cập đến con số nợ xấu tồn tại trong hệ thống ngân hàng lên đến 500,000 tỷ đồng, trong khi báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước chỉ thừa nhận số nợ xấu này vào khoảng 100,000 -150,000 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2014, Thống Đốc Bình mới buộc phải thú nhận con số thực về nợ xấu tương đương đến hơn 20 tỷ USD đó.
Tương tự, trong khi Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình cố ép nợ xấu về dưới 3% thì chính báo cáo của Ủy Ban Giám Sát và Tài Chính Quốc Gia – một cơ quan phân tích tài chính thuộc chính phủ mà trước đây mang tâm thế khá khép nép – lại cho thấy tỉ lệ nợ xấu thực lên đến 17%.
Ngay trước khi khai mạc kỳ họp thứ 11 vào Tháng Ba, 2016, Ủy Ban Giám Sát và Tài Chính Quốc Gia đã đột ngột tung ra số liệu cho rằng trong năm 2015, nợ xấu là 119,660 tỷ đồng, giá trị tuyệt đối khoảng 120,000 tỷ đồng; tuy nhiên, con số này chưa tính đến 243,000 tỷ đồng nợ xấu đang “mắc kẹt” tại VAMC, gấp đôi số nợ xấu trên sổ sách được thống kê.
Còn giờ đây, người ta đã rõ là có thể đã chẳng có “tiền tươi thóc thật” nào được tung ra để mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại vào những năm trước. Thay vì tiền mặt, rất có thể VAMC đã phát hành “trái phiếu đặc biệt”- một thứ giấy tờ rất gần với khái niệm vô giá trị trong tình hình thâm thủng ngân sách hiện nay – để ép các ngân hàng thương mại phải miễn cưỡng nhét vào ngăn kéo.
Chính vì thế, ngay sau Đại Hội 12, đã xuất hiện khá nhiều thông tin về tình trạng nợ xấu tăng đột biến tại nhiều ngân hàng thương mại. Nói cách khác, nếu như trước đây Ngân Hàng Nhà Nước tìm cách “phù phép” để đẩy các khoản nợ đặc biệt xấu và không thể thu hồi được lên những nhóm nợ cao hơn (có thể thu hồi), thì nay do chẳng có gì thu hồi được nên nợ xấu vẫn còn y nguyên và vẫn hàng ngày lãi mẹ đẻ lãi con, toàn bộ “công tác xử lý nợ xấu” của VAMC từ trước đến nay chỉ còn ý nghĩa trên giấy.
Cũng cho tới nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà VAMC gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn vô vọng hồi âm chính thức. Chuyến thăm Việt Nam vào Tháng Sau, 2016 mà chẳng hề hứa hẹn gì về “sẽ mua nợ xấu” của giám đốc Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) là một minh chứng về tâm thế hầu như thờ ơ và cả cảnh giác của giới kinh doanh quốc tế.
Nếu cả VAMC mà còn không thuyết mị nổi những doanh nghiệp cá mập trong nước “ôm” lại nợ xấu, sẽ chẳng một tập đoàn nước ngoài nào dại dột rước lấy “của nợ Việt Nam.”
Câu hỏi còn lại là nếu năm 2016 này “lần đầu tiên mua nợ xấu bằng tiền mặt,” VAMC sẽ lấy tiền ở đâu? Từ ngân sách – tức từ chính tiền đóng thuế của người dân? Hay sẽ phải âm thầm thao tác in tiền?
Rút rỉa ngân sách hay in tiền?
Vào cuối năm ngoái, khi “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” rất gần với dấu chấm hết, một kết luận xanh rờn được những người bên đảng công bố: Nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ nợ xấu/tổng nợ của toàn hệ thống chỉ còn ở mức 2.9%, tức dưới hạn mức 3% mà Ngân Hàng Nhà Nước đặt ra, thì đây là một con số rất đẹp và an toàn, nhưng kỳ thực phần lớn nợ xấu của hệ thống ngân hàng chưa được giải quyết, chỉ đẩy từ ngân hàng sang VAMC.
Mà như vậy, gần như toàn bộ khối nợ xấu vẫn như một quả bom tấn được hẹn giờ, vẫn đang âm ỉ chờ lúc phát nổ trong lòng các ngân hàng thương mại và cả nền kinh tế.
Nợ xấu bất động sản lại chiếm đến ít nhất 70% tổng nợ xấu lên đến 500,000 tỷ đồng trong khối ngân hàng. Song cứ thực nghiệm bản thành tích của VAMC chỉ xử lý trên giấy được khoảng 10% số nợ xấu mua lại từ các ngân hàng thương mại, sẽ thấy triển vọng để khoảng một phần ba khối tổ chức tín dụng “một đi không trở lại” là rất cao trong vài năm tới.
Vậy lấy gì để “xử lý nợ xấu,” nếu thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ậm ạch, các ngân hàng không thể tống khứ được “của nợ” đang ôm, còn chính phủ cũng chẳng thể “đẩy” được 3 tỷ USD trái phiếu ra quốc tế?
Sẽ “bù đắp nợ” bằng kho dự trữ ngoại tệ được quảng cáo lên tới 40 tỷ USD nhưng hiện thời được báo cáo chỉ còn 30 tỷ USD chăng?
Hay lại in tiền và in tiền ồ ạt để xử lý nợ xấu và giúp thị trường “thăng hoa” lạm phát?
Nếu vào những năm trước, hành động tùy tiện có thể xảy ra khi chính phủ và Ngân Hàng Nhà Nước muốn làm gì tùy ý. Nhưng vào chính lúc này và đặc biệt sau “cách mạng nhân sự” tại Đại Hội 12 của đảng cầm quyền, không một quan chức nào của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và của chính phủ mới muốn mạo hiểm chịu trách nhiệm về nợ xấu theo cách “người ăn ốc, kẻ đổ vỏ.” Không có lý do gì để chính phủ đệ trình và quốc hội thông qua một cách quá dễ dàng cho thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước xuất quỹ dự trữ ngoại tệ, dù chỉ 10%, để trả nợ thay cho các ngân hàng sắp phá sản.
Trong khi đó, lời đánh đố cũ lại hiện ra: Liệu đến một lúc nào đó túng quẫn, Ngân Hàng Nhà Nước có dùng tiền ngân sách để trả nợ thay cho các ngân hàng suýt đổ bể và sẽ đổ bể?
“Hiện ngân sách rất eo hẹp, thu chi chưa cân đối được mà còn chi cho ngân hàng nữa thì ngân sách hụt rất lớn. Không bao giờ cho phép lấy tiền ngân sách đắp vào khoản lỗ của các ngân hàng,” Đại Biểu Quốc Hội Trần Ngọc Vinh của Hải Phòng cảnh báo.
Lời cảnh báo trên xuất hiện cùng thời gian với “ngân sách trung ương chỉ còn đúng 45,000 tỷ đồng” – một hiện thực quá sức chịu đựng lầu đầu tiên được một quan chức không còn chịu đựng thêm được nữa là Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh tiết lộ vào cuối năm 2015.
Chưa kể vụ “Thành Ủy Bạc Liêu vỡ nợ” cùng hàng loạt chính quyền địa phương thu một chi hai, ba…
Đến giờ phút này, nợ xấu ngân hàng Việt Nam vẫn không khác gì một thể dịch hỗn tương của căn bệnh ung thư nửa mùa.
Nửa năm đầu 2016 đã vụt qua rất nhanh. Hơn hai chục tỷ USD nợ xấu lại móc xích với vài trăm tỷ USD nợ công. Tất cả vẫn bế tắc!
Người ta đang chờ đợi cái nửa cuối đầy tai nghiệt của năm nay: khi nào thì ngân hàng phải khóc thét lên vì khối u nợ xấu phát nhiễm toàn thân?