Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng

Ngọc Lan

 

(VNTB)  – Có thầy hướng dẫn mang tính chủ quan, lợi dụng sự mê tín, thiếu hiểu biết của nhiều người để trục lợi – đó là tà sư ẩn mình trong chùa.



Cố học giả Toan Ánh trong sách “Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Tết lễ, hội hè”, kể về nguồn gốc lễ Thượng Nguyên trong đạo Phật như sau: “Ngày mùng 1 và ngày rằm mỗi tháng được coi là ngày Phật, các tín đồ Phật giáo trong những ngày này đều rủ nhau đi lễ chùa. Ngày mùng 1 là ngày đầu tháng nhưng đêm lại tối, còn ngày rằm thì đêm có trăng sáng. Trong một năm, ngày rằm đầu tiên là rằm tháng Giêng nên người ta đua nhau đi lễ Phật”.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”, tức là ai đó quanh năm lên chùa lễ nhưng bỏ mất dịp cúng Phật ngày rằm tháng Giêng thì cũng uổng phí. Với đạo Khổng, đạo Lão trong tín ngưỡng Trung Hoa thì đây còn là ngày vía Thiên Quan, người ta đến chùa dâng sao để giải hạn.

Ngày rằm tháng Giêng, các chùa lập đàn Thất châu Dược sư, khai kinh và tụng kinh Dược Sư khuyên các Phật tử cùng tụng niệm hồi hướng công đức để quốc thái dân an, thế giới được an lành, chúng sinh an lạc.

Còn có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Trước sau ngày rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, đến tối ngày rằm tháng Giêng, bà con nông dân  ra đồng ruộng tập trung cây cỏ lá khô, châm lửa thiêu hủy để diệt sâu bọ.

Đêm rằm tháng Giêng Âm lịch là Tết Nguyên Tiêu cổ truyền của người dân Châu Á, còn gọi là “Tết Hoa Đăng”. Theo tập tục đêm Rằm tháng Giêng ở thành thị hay nông thôn , đâu đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ… Trong đêm Nguyên tiêu có tập tục đốt đèn, chơi lồng đèn và sau này là hội hoa đăng đêm Nguyên tiêu. Lồng đèn bên trong xưa kia là đèn cầy, sau này có đèn điện. Đốt hết đèn cầy, người ta xem nhựa sáp kết dính thành hình thù gì, nếu giống cây lúa thì năm tới lúa sẽ được mùa, nếu giống đại mạch thì năm tới loại cây nông nghiệp này sẽ bội thu, nếu giống hoa quả thì trái cây mùa tới sẽ tươi tốt, nếu giống cây bông thì mùa sau cây bông sẽ xum xuê.

Tuy nhiên, hãy đến với chùa chiền, đến với Phật bằng cái tâm trong sáng thì niềm tin mới bền vững. Đức Phật đã dạy rằng “tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta” nhằm nhắc nhở việc tu học phải đúng chánh pháp. Đừng mang mê tín đến cửa chùa, nhà chùa cũng đừng thực hiện các hoạt động khiến người dân lầm tưởng Phật giáo là mê tín.

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, chia sẻ: “Ngôi chùa ngoài việc để Phật tử và nhân dân đến chiêm bái tu học, còn là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng khác. Đến chùa là bằng tâm Phật – tâm hướng thiện, phải tin những lời Phật dạy với những điều cần tu sửa, nằm ở chỗ làm lành – lánh dữ, khi đó tâm mới an.

Theo đó, đến chùa là để tìm giải pháp chuyển hóa khổ đau theo chánh pháp (tin nhân quả mà biết vượt lên những điều xấu ác, từng bước kiến tạo cuộc sống của mình từ hôm nay) chứ không phải để mê tín, tin rằng có ai đó, cõi nào đó giúp mình giải nghiệp.

Tôi nhấn mạnh, người đi chùa tin vào Tam bảo là phải tin luật nhân quả; còn việc đến chùa mà mê tín thì không những không hết khổ đau mà còn tiền mất tật mang”.

Theo Hòa thượng Hải Ấn, thì trách nhiệm hướng dẫn người dân trong tín ngưỡng tâm linh không chỉ có giáo hội mà từ chính mỗi thầy trụ trì. Chư tăng trong chùa có bổn phận hướng dẫn, chỉ dạy giáo lý cho Phật tử, và vị đó phải có chính kiến, hướng dẫn người dân và Phật tử đến chùa bằng chánh pháp, có hiểu biết đúng như tôi vừa nói.

Có nhiều thầy hướng dẫn mang tính chủ quan, lợi dụng sự mê tín, thiếu hiểu biết của nhiều người để trục lợi – đó là tà sư ẩn mình trong chùa.

Như vậy, từ ý nghĩa trên cho thấy khi cần thiết cũng nên “mệnh lệnh hóa” như ở trường hợp chùa Ba Vàng dịp Tết Giáp Thìn, khi Đoàn giám sát của Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu chùa Ba Vàng tăng cường tuyên truyền những giá trị di sản văn hóa nâng cao tinh thần tự giác, thực hiện hành vi văn minh, lịch sự nơi công cộng theo đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Chùa Ba Vàng phải thực hiện đúng quy định về việc không tổ chức các hình thức mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chùa Ba Vàng chỉ là cái cớ

Trương Thế Tử

VNTB – Việt Nam đang bảo vệ sự đa dạng của văn hóa như thế nào?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Suy tư từ một sự kiện văn hoá

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo