VNTB – Liên hoan phong trào xã hội lớn nhất Việt Nam

VNTB – Liên hoan phong trào xã hội lớn nhất Việt Nam

Dân Trần 

 

(VNTB) – Cùng thảo luận để làm sao xây dựng một cộng đồng vững mạnh hơn.

 

Hai năm gần đây, thế giới đã trải qua những biến cố khủng khiếp do dịch bệnh, chiến tranh… Tất cả mọi người thuộc mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ… Vậy làm sao để bảo vệ người yếu thế, môi trường và thúc đẩy phong trào xã hội?

Nỗ lực vực dậy phong trào xã hội trong nước

Tại Việt Nam, phong trào xã hội trong nước đi xuống một phần là do sự thay đổi của chính sách, một phần do tình hình kinh tế ảm đạm. Những nhóm cộng đồng, tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội lần lượt phải đóng cửa hoặc chuyển hướng hoạt động để đảm bảo an toàn trong bối cảnh mới. Điều này đòi hỏi các tổ chức phải ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp thúc đẩy phong trào, phát triển cộng đồng.

Chính vì vậy, trong hai ngày 08-09 tháng 12 này, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, người dân, những người hoạt động xã hội, các chuyên gia trong phong trào xã hội tại Việt Nam và khu vực Á Châu sẽ cùng gặp nhau trực tiếp và cả trực tuyến ở Liên hoan Phong Trào Xã Hội Social Movement Festival 2023 tại Tokyo, thủ đô Nhật Bản.

Theo ban tổ chức , liên hoan sẽ gồm ba phần chính: Điểm giao lưu sáng kiến trực tuyến (online), Hội nghị SMF2023 trực tuyến (online), Hội thảo bàn tròn tổ chức trực tiếp (offline) tại Tokyo.

Cụ thể, hội nghị SMF2023 trực tuyến sẽ là cuộc họp online dành cho những nhà hoạt động xã hội, NPOs, NGOs nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam, Á Châu và trên thế giới. Là nơi để các tổ chức gặp gỡ, rút tỉa những kinh nghiệm, giải pháp trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời chia sẻ các sáng tạo, các xu hướng mới trong lãnh đạo phong trào xã hội ở khu vực.

Điểm giao lưu sáng kiến trực tuyến: là phần dành cho các tổ chức, hội nhóm tại Việt Nam trình bày demo các dự án phụng sự cộng đồng, tạo tác động và phát triển xã hội. Đây là cơ hội để mọi người giới thiệu những sáng kiến tiêu biểu mang lại thay đổi tích cực cho cộng đồng. Top 2 dự án xuất sắc nhất sẽ được vinh danh với phần thưởng 15triệu đồng/dự án từ ban tổ chức SMF 2023.

Hội thảo bàn tròn tổ chức trực tiếp tại Tokyo: là không gian để các bên liên quan trong lĩnh vực lao động thảo luận về việc xây dựng một cộng đồng người Việt định cư ở Nhật Bản vững mạnh hơn.

Nhật Bản: từ phong trào Đông Du 1905 tới Liên hoan phong trào xã hội SMF2023 tại Đông Kinh (Tokyo)

Theo ban tổ chức, Nhật Bản từ lâu đã là điểm đến mơ ước của nhiều người Việt. Tại đây, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã khởi xướng ra phong trào Đông Du nhằm đưa nhân tài Việt Nam sang Nhật đào tạo để quay về kiến xây quê hương trở nên văn minh và tiến bộ.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ hai (chỉ sau Trung Cộng) trong bảng xếp hạng dân nhập cư tại Nhật, với khoảng nửa triệu người. Biến Nhật trở thành nước có nhiều người Việt sinh sống thứ 3 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Campuchia. Sự góp mặt của một số lượng lớn những người xuất khẩu lao động, thực tập sinh, các du học sinh đã hình thành nên cộng đồng người Việt nhập cư và làm việc tại Nhật với nhiều thách thức.

Mới đây nhất, Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước Việt Nam, đã phải sang Tokyo để ký kết thoả thuận nâng cao quan hệ với chính phủ Nhật. Cho thấy vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam tại Nhật đang rất cấp bách, và được phía Việt Nam chú trọng hơn khi đưa vào nghị trình các cuộc họp song phương.

Vì vậy Liên hoan Phong trào Xã hội SMF tổ chức một hội thảo bàn tròn tại Tokyo nhằm tạo không gian để các bên liên quan trong vấn đề xuất khẩu lao động –  người lao động, môi giới, các tổ chức bảo vệ người lao động, doanh nhân – ngồi lại với nhau, cùng nhau thảo luận làm sao để xây dựng một cộng đồng vững mạnh hơn. Đặc biệt, hội thảo này sẽ có chia sẻ kinh nghiệm của cộng đồng khác như Đài Loan và Hàn Quốc.

Nơi quy tụ những tổ chức xã hội hàng đầu

Liên hoan SMF2023 này sẽ là nơi quy tụ những tổ chức hàng đầu khu vực như Academia Sinica (Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia Đài Loan); Asia Centre: viện nghiên cứu nhằm tạo ra tác động xã hội đã được cấp Quy chế tư vấn đặc biệt cho ECOSOC (Hội đồng Kinh tế – Xã hội Liên hợp quốc).

Một số tổ chức thúc đẩy dân chủ nhân quyền trên thế giới cũng góp mặt như: ARTICLE 19 – một NGOs lấy tên từ Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền Quốc tế, về quyền tự do quan niệm và biểu đạt. International IDEA: tổ chức liên chính phủ (IGO) có sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ nền dân chủ bền vững trên toàn thế giới.

SMF2023 có hai tổ chức về quyền của người LGBTQIA+ là QLC Bali là cộng đồng người LGBTQIA+ tại Bali, Indonesia. Cùng với Young Pride Club: tổ chức LGBTIQ+ đầu tiên được thành lập và quản lý bởi sinh viên đại học tại Thái Lan.

Về quyền kỹ thuật số, liên hoan có sự tham gia của SAFEnet – Southeast Asia Freedom of Expression Network: là Mạng lưới Tự do Ngôn luận Đông Nam Á có mục tiêu Bảo vệ quyền kỹ thuật số cho tất cả mọi người. Và Security Matters (SecM): tổ chức chuyên bảo mật an ninh mạng cho những nhà hoạt động xã hội và nhân quyền tại Á Châu.

 Và những khách mời, diễn giả uy tín

Bàn tròn này sẽ là nơi góp mặt của nhiều diễn giả, khách mời uy tín trong giới công tác xã hội như:  Lennon Ying-dah Wong: Giám đốc Sở Chính sách đối với người lao động nhập cư Đài Loan;  Johnson Ching-Yin Yeung chủ tịch Tổ chức  Ân xá Quốc tế (Amnesty International) Hongkong, cựu chủ tịch của Mặt trận Nhân quyền Dân Sự (Civil Human Rights Front), và là thành viên của #MilkTeaAlliance (Liên Minh Trà Sữa).

Các gương mặt người Việt tại liên hoan gồm có: Anh Nguyễn Thế Huy: Giám đốc điều hành của Osaka Collaboration Management; chị Angelina Trang Huỳnh là nhà sáng lập, giám đốc điều hành Rise, đồng tổ chức Social Movement Festival 2023; chị Trinity Phạm: nhà đồng sáng lập và giám đốc chương trình của Rise; Anh Luyện Hữu Mạnh, giám đốc đại diện công ty Future Bright; Anh Thân Công Hậu, giám đốc điều hành VNGROUP.

Phía giáo hội có linh mục Phêrô Nguyễn Cao Sâm, SVD hiện là phó giám đốc Ủy ban Mục Vụ Di dân của Tổng giáo phận Seoul, Hàn Quốc; và linh mục Đa Minh Cao Sơn Thân, thành viên sáng lập Hội Bạn Hữu Việt Nam Tại Nhật (Nhà Hy Vọng).

Thạc sĩ Hla Myat Tun, Giám đốc Điều hành của Colors Rainbow ở Myanmar sẽ là diễn giả keynote tại SMF2023. Ca sĩ Kai Mata sẽ hát khai mạc liên hoan, đây là một ca sĩ-nhạc sĩ đồng tính nữ người Indonesia được quốc tế biết tới qua nhiều hoạt động phong trào cho cộng đồng LGBTIQ+. Và MC Lê Uyên, giám đốc điều hành Faith Imagery, sẽ là người dẫn chương trình cho điểm giao lưu sáng kiến của SMF2023.

Thành phần ban tổ chức Social Movement Festival cũng là những cái tên uy tín trong giới công tác xã hội trong khu vực như: The Open Culture Foundation (OCF) là một Quỹ Văn hoá mở, hoạt động phi lợi nhuận, phi đảng phái tại Đài Loan, có tôn chỉ cốt lõi là đảm bảo Quyền kỹ thuật số và tự do internet; TeamCommUNITY (TCU) là tổ chức phi chính phủ có sứ mệnh hỗ trợ, bảo vệ và phát triển mạng lưới bảo vệ Quyền Kỹ thuật số toàn cầu, dựa trên tinh thần lành mạnh, hòa đồng, bền vững.

Các đại diện ban tổ chức Việt- Nhật gồm có: NPO Hiệp hội Người Việt tại Nhật: Đây là tổ chức phi lợi nhuận được lập ra với mục đích xây dựng một cộng đồng người Việt tại Nhật đoàn kết, lành mạnh. Và RISE: Tổ chức NGO tiên phong tại Việt Nam trong đào tạo, thúc đẩy và liên kết các phong trào dựa vào người dân để mang lại thay đổi xã hội… Rise thường xuyên tổ chức các khoá học đào tạo tại Trường Nghề Phong Trào Xã Hội, xây dựng các hoạt động đầu tư hỗ trợ phong trào, kết nối cộng đồng, xây dựng mạng lưới bền vững.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)