Việt Nam Thời Báo

VNTB – Liệu lần này sẽ có thay đổi về bản án phúc theo điều 117 bộ luật hình sự?

Lê Hữu Minh Tuấn
 

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Ngày 28-2-2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Hữu Minh Tuấn.

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có nhiều thân chủ bị kết án bởi điều 117 này cho biết, “cùng với điều luật 331, thì điều 117 bộ luật hình sự không nên được điển chế vào bộ luật hình sự Việt Nam. Vì các điều luật này hạn chế quyền tự do ngôn luận theo điều 25 của hiến pháp, không những thế, cũng hạn chế điều 19 trong Công ước về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR) 1966 mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết từ năm 1982.

Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc phát ngôn làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức một cách không chính đáng thì chỉ là một lỗi dân sự. Chúng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà thôi. Theo đó, tôi nghĩ chính quyền nên xem xét lại sự tồn tại của 2 điều luật này để bảo đảm sự hội nhập, tương thích của luật pháp Việt Nam đối với những tiêu chuẩn luật pháp hình sự quốc tế”.

Vẫn theo luật sư Đặng Đình Mạnh thì, “Qua nhiều vụ án hình sự xét xử tội danh theo điều 117 trong thời gian vừa rồi, tôi không hy vọng nhiều vào khả năng sớm thay đổi quan điểm của chính quyền đối với điều luật này. Tuy nhiên, xu thế hội nhập với quốc tế là không thể đảo ngược được, cho nên, tôi tin sẽ có sự thay đổi, nhưng phải chờ thời gian xa hơn”.

Ở một góc nhìn khác, luật sư Hà Nguyễn Cát Tường cho rằng cần tu chỉnh điều 117 để phù hợp với điều 4 của hiến pháp, qua đó việc cáo buộc các tội danh sẽ phù hợp hơn, vì trên thực tế những nhà báo tự do như ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Đoan Trang…, họ đều lên tiếng yêu cầu tự do cạnh tranh về đảng chính trị, tức họ nhắm tới cụ thể ở đây là đảng cộng sản Việt Nam.

“Bộ luật hình sự hiện hành cần quy định đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bởi đó là một điều hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được quy định tại điều 4 hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Đồng thời có tu chỉnh thêm về khách thể đảng cộng sản mới đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của điều luật nhằm không bỏ lọt tội phạm, không tạo sơ hở cho các thế lực thù địch và bọn phản động ở nước ngoài có cơ hội lợi dụng thực hiện các hoạt động chống phá đảng và Nhà nước góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội” – luật sư Hà Nguyễn Cát Tường nói.

Vẫn theo luật sư Cát Tường, ở phiên phúc thẩm bị cáo Lê Hữu Minh Tuấn tới đây, tuy không nhiều hy vọng lắm, song có một điều rất mong được thẩm phán chủ tọa làm rõ, hoặc kiến nghị làm rõ, đó là vì sao lại cho rằng bị cáo “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”?

“Tại khoản 2 điều 117 bộ luật hình sự hiện hành quy định “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”. Về mặt lý luận, khoản 2 của điều luật này được xác định là cấu thành tội phạm tăng nặng với các hành vi phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế lại chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết về việc áp dụng xử lý tội phạm “trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” đối với tội phạm này.

Việc quy định rõ ràng dấu hiệu pháp lý trong khung hình phạt tăng nặng sẽ góp phần hoàn thiện quy định pháp lý của điều luật, bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất giữa các cơ quan hành pháp như cơ quan an ninh điều tra, viện kiểm sát và tòa án nhân dân. Đồng thời, thể hiện rõ nguyên tắc xử lý và phân hóa trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong đấu tranh, xử lý tội phạm của pháp luật hình sự Việt Nam” – luật sư Cát Tường ý kiến.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ám ảnh bắt bớ

Phan Thanh Hung

VNTB – Tuyên bố của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam về việc ông Nguyễn Tường Thụy bị bắt

Phan Thanh Hung

VNTB – Trận chiến pháp lý thú vị: trông người mà ngẫm đến ta

Phan Thanh Hung

1 comment

Chí Quang 14.02.2022 9:23 at 09:23

Việc bầu cử quốc hội ở VN là do đảng sắp đặt; 95% đại biểu quốc hội là đảng viên, tức người của đảng, nên cái điều 117 mới thành luật. Nếu quốc hội mà do dân thật sự bầu ra, ví dụ các đại biểu tự do như ông Lê Trọng Hùng chẳng hạn, thì sẽ không đời nào thông qua điều 117 và cả cái điều luật “đất đai thuộc sở hữu tòan dân, do nhà nước quản lý” nữa, vì nó cho phép đảng muốn lấy đất của dân đem bán đấu giá lúc nào cũng được…

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo