VNTB – Liệu Luật đất đai sửa đổi lại có bị lùi?

VNTB –  Liệu Luật đất đai sửa đổi lại có bị lùi?

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Trong một động thái quyết liệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên bố: Không thể lùi thông qua Luật đất đai sửa đổi.

 

Theo chương trình dự kiến, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 diễn ra vào trung tuần tháng 1-2024, Quốc hội xem xét thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tin tức từ nghị trường Quốc hội cho biết đến cuối tháng 12-2023, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã rà soát kỹ lưỡng được 232/265 điều. Sau rà soát, còn 35 nhóm điều, khoản được các cơ quan đã thống nhất tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trường hợp tổ chức Kỳ họp Quốc hội bất thường vào tháng 1 năm 2024, với khối lượng công việc rất lớn, thời gian rất gấp, việc trình Quốc hội biểu quyết thông qua là rất… thách thức.

Hiện có 3 nội dung tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn cơ sở, có ý kiến chính thức và thiết kế phương án cụ thể: về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.

Chính phủ cho biết, cơ quan này đã thống nhất với phương án đã thiết kế trong dự thảo luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi kèm Công văn ngày 26-12-2023. Theo đó, quy định thời điểm công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền đến trước ngày 01-7-2014.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013, mốc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho trường hợp này là đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01-7-2004. Như vậy, thời điểm công nhận quyền sử dụng cho đất không có giấy tờ tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được nới thêm 10 năm so với quy định cũ. Quy định này nếu diễn giải theo kiểu hồi tố thì trong vụ đất đai ở vườn rau Lộc Hưng, sẽ không thể nào xảy ra, vì đây là đất đai thỏa mãn yêu cầu “không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền đến trước ngày 01-7-2014”.

Dự thảo còn có một chi tiết được đánh giá là cởi mở: Chính phủ thống nhất quy định theo hướng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam, thì được có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước). Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ như quy định tại Luật Đất đai năm 2013.

Diễn giải về dự luật trên, luật sư N.L.P (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói rằng Luật Quốc tịch Việt Nam quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Bên cạnh đó, để kế thừa quy định tại Luật Đất đai năm 2013 đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật, ở dự thảo lần này Chính phủ đã đưa ra hướng xử trí chỉnh lý quy định về nhận quyền sử dụng đất có phần cởi mở hơn về quyền sở hữu.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)