Việt Nam Thời Báo

VNTB- Linh mục Lê Nam Cao – giáo xứ Hướng Phương: Việt Nam chưa có tự do tôn giáo thực sự

Hàn Giang

 Images intégrées 1
Giáo dân Hướng Phương bị thương ở vụ căng thẳng vừa qua (ảnh: Mỹ Yên)
(VNTB) – “Tình hình tự do tôn giáo người ta dùng bằng cái luật mà từ ngữ hay dùng là cơ chế xin-cho, người ta ban ơn. Có nghĩa là mình cần thì mình xin và người ta thích thì người ta ban ơn (cho). Cho nên nơi nào mà thoả hiệp thì nơi đó xem ra được tự do hơn một chút, còn nơi nào mà mình cứ sống đòi quyền lợi một cách bình đẳng thì nơi đó bị chèn ép nhiều. Gói gọn lại là Việt Nam chưa có tự do tôn giáo thực sự…”, lời của Linh mục, cha Lê Nam Cao giáo xứ Hướng Phương.
Ngày 6/4/2016, tin từ giáo xứ Hướng Phương (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, đã xảy ra căng thẳng giữa giáo dân với lực lượng công quyền thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận từ mấy ngày qua. Theo truyền thông, báo đài “lề trái” loan tin thì lực lượng công quyền lúc căng thẳng nhất đã huy động con số lên khoảng mấy trăm người với đầy đủ trang bị, khí tài như: dùi cui, lá chắn, súng… Có mấy giáo dân bị thương và phía giáo dân cũng thu nhặt được dùi cui, một vài vỏ đạn được cho là của lực lượng công quyền đã dùng trong lúc xảy ra căng thẳng với giáo dân. Tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam trong nhiều năm qua thường xuyên bị những cơ quan, đoàn thể quốc tế, những cá nhân trong và ngoài nước lên án kịch liệt vì bị xâm phạm nghiêm trọng. 

Images intégrées 2
Lực lượng công quyền huy động đến giáo xứ Hướng Phương (ảnh: Nguyễn Huyền Trang)
Dưới cái nhìn của một linh mục, cha Lê Nam Cao đã chia sẻ với Việt Nam Thời Báo (VNTB) qua những gì đã xảy ra ở giáo xứ Hướng Phương và tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam.     
    
PV (VNTB): Thưa cha, ngày 6/4/2016 vừa qua, giáo xứ Hướng Phương của chúng ta và chính quyền địa phương đã xảy ra căng thẳng. Vụ việc như thế nào, mong cha chia sẻ?
Linh mục Lê Nam Cao: Vào lúc 12h30 ngày 6/4/2016, giáo xứ Hướng Phương tổ chức tuần chầu lượt, vì giáo phận Vinh hằng năm cứ mỗi giáo xứ tổ chức tuần chầu lượt một lần theo phiên lịch của giáo phận. Giáo xứ Hướng Phương tổ chức tuần chầu lượt, mỗi lần kéo dài từ ngày thứ sáu, thứ bảy và hết ngày chủ nhật. Những ngày trước, thường bà con tổ chức dọn vệ sinh, trang trí nhà thờ để đón lễ… Bà con giáo dân có làm hai cột sắt cao tầm bốn, năm mét để treo cờ. Bên chính quyền địa phương không bằng lòng.
PV (VNTB): Lúc căng thẳng, phía chính quyền đã huy động lực lượng khoảng bao nhiêu người? Trang bị của họ như thế nào?

Linh mục Lê Nam Cao: Người ta tổ chức cảnh sát cơ động, cảnh sát 113, công an , dân quân tự vệ … lên đến cả nghìn người và đưa cả phương tiện chuyên dụng đến. Trước khi nhổ hai cột sắt, người ta dùng đến pháo, hơi cay, khói mù … để trấn áp bà con giáo dân.  

Images intégrées 3                
Vỏ đạn và dùi cui giáo dân thu nhặt sau căng thẳng (ảnh: trang mạng)
PV (VNTB): Giáo dân của chúng ta có ai bị thương hay không?

Linh mục Lê Nam Cao: Thông thường giáo dân bị thương bởi chuyện một số anh em công an địa phương bắt, rồi người ta đưa vào nơi giam giữ, đánh đập. Có mấy người bị thương bao gồm cả đàn bà, trẻ em và người già trong đó có anh Thìn là người bị nặng nhất.

Images intégrées 4
Giáo dân Hướng Phương bị thương ở vụ căng thẳng vừa qua (ảnh: Mỹ Yên)
PV (VNTB): Tổ chức tuần chầu này có những hoạt động gì mà phía chính quyền phải huy động lực lượng đến ngăn cản, đàn áp?

Linh mục Lê Nam Cao: Có gì đâu. Giáo dân chỉ dựng hai cột sắt để trèo lên treo cờ cho dễ thôi, không có gì cả.
PV (VNTB): Tình hình hôm nay đã lắng dịu chưa thưa cha?

Linh mục Lê Nam Cao: Giờ thì các giáo dân đã về lại với cuộc sống gia đình bình thường hết rồi. Lòng giáo dân có hoang mang, lo lắng nhưng vì tuần chầu lượt nên các giáo dân gạt bỏ mọi chuyện sang bên để tuần chầu lượt diễn ra cho được tốt đẹp. Hiện tại tình hình đã yên ổn.     
PV (VNTB): Vụ việc đã được giáo xứ Hướng Phương của chúng ta lên tiếng hay chưa?

Linh mục Lê Nam Cao: Đối với anh em linh mục trong vùng Quảng Bình cũng như trong giáo phận thì đã có động viên giáo dân chia sẻ. Còn riêng giáo phận thì các Đức cha còn bận đi dự kỳ họp hội đồng Gíam mục cho nên các Ngài chưa về và tôi cũng chưa báo cáo lại với các Ngài. Chờ các Ngài về tôi sẽ báo cáo cụ thể hơn.  
PV (VNTB): Vậy thưa cha! Chính quyền địa phương đã lên tiếng về vụ việc này hay chưa?
Linh mục Lê Nam Cao: Bên chính quyền thì họ lặng lẽ làm. Cho đến bây giờ có một vài người có trách nhiệm đã điện thoại, họ đến động viên giáo xứ rồi làm sao mong linh mục quản xứ bình ổn giáo dân để giáo dân yên tâm thế thôi chứ họ không có lời nào khác vào trước và sau khi hành động cả.      
PV (VNTB): Từ trước giờ giữa giáo xứ ta và phía chính quyền đã có lần nào căng thẳng với nhau hay chưa?

Linh mục Lê Nam Cao: Giáo xứ Hướng Phương thì phải nói là một giáo xứ cái gốc của Quảng Bình. Năm 1629, cha Đắc Lộ đã đến đây và kể từ đó cho đến giờ giáo xứ Hướng Phương này là xứ mẹ của Quảng Binh, trước đây gọi là Bình Chính. Từ năm 2006, hạt Bình Chính cắt ra thành 4 hạt, hạt mẹ gọi là hạt Hướng Phương. Vì như thế, các linh mục về đây coi xứ luôn luôn bị chèn ép vì người ta ép được giáo xứ Hướng Phương thì người ta mới dễ ép được các giáo xứ khác. Đặc biệt, bảy, tám năm trở lại đây, giáo xứ Hướng Phương (bị) người ta chèn ép một cách rõ ràng hơn và cụ thể hơn. Năm nay lại là năm thánh của giáo phận Vinh cũng là năm thánh của lòng thương xót Chúa nên Đức giám mục của giáo phận đặt nhà thờ này làm trung tâm hành hương của giáo phận đặc biệt là ở vùng Quảng Bình. Lễ và các đoàn hành hương người ta về đây nhiều hơn nên xem ra người ta không bằng lòng, người ta tìm mọi cách để phá, gây khó dễ. Một trong những cái mà người ta gây khó dễ nhiều nhất là trong các dịp lễ, người ta dùng công an giao thông để gây khó dễ làm bà con giáo dân khác sợ không dám đến đây tham dự thánh lễ. Đây là cách người ta thường xuyên sử dụng dưới chiêu bài chúng tôi đi làm nhiệm vụ.

Hành động thầm lén, tìm cách cấu kết các phần tử để phá ngầm trong giáo xứ thì nhiều rồi nhưng có lẽ mấy năm gần đây vấn đề đàn áp công khai và rõ ràng hơn. Đây là lần thứ hai, còn lần thứ nhất là vào dịp cuối tháng 11 đầu tháng 12/2015.          
PV (VNTB): Trong chuyến sang thăm Việt Nam, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ, ông David Saperstein đã gặp Bộ trưởng Bộ công an ông Tô Lâm. Qua trao đổi, ông đại sứ đã đánh giá cao sự tiến bộ về mặt tự do tôn giáo ở Việt Nam. Cha nhận định sao về sự đánh giá này của ông đại sứ?

Linh mục Lê Nam Cao: Nếu mà một ai đó mới đến Việt Nam lần đầu thì có lẽ nhận xét đó là đúng, nhưng thực chất nhận xét đó hoàn toàn sai. Đặc biệt mấy năm gần đây người ta chèn ép tôn giáo, đặc biệt đối với đạo Công giáo một cách rõ rệt hơn. Bằng cách này hay cách khác người ta làm cho giáo dân nhụt chí không dám thực hành đời sống đạo.       
PV (VNTB): Vậy với nhận định cá nhân của cha thì phải đánh giá sao cho đúng về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay?

Linh mục Lê Nam Cao: Tình hình tự do tôn giáo người ta dùng bằng cái luật mà từ ngữ hay dùng là cơ chế xin-cho, người ta ban ơn. Có nghĩa là mình cần thì mình xin và người ta thích thì người ta ban ơn (cho). Cho nên nơi nào mà thoả hiệp thì nơi đó xem ra được tự do hơn một chút, còn nơi nào mà mình cứ sống đòi quyền lợi một cách bình đẳng thì nơi đó bị chèn ép nhiều. Gói gọn lại là Việt Nam chưa có tự do tôn giáo thực sự. Không riêng gì bên đạo Công giáo mà bên anh em Phật giáo cũng vậy thôi.
     
PV (VNTB): Trong vài tuần tới Hoa Kỳ và Việt Nam có đối thoại Nhân quyền, phía giáo xứ của chúng ta thấy có cần thiết phải đưa vụ việc hôm 6/4/2016 ra trước buổi đối thoại này hay không?

Linh mục Lê Nam Cao: Nếu có điều kiện mà cho giáo xứ hay bản thân tôi được lên tiếng thì tôi cũng sẵn sàng lên tiếng để nhằm đòi lại cái quyền bình đẳng theo luật là bảo đảm tự do tín ngưỡng.

VNTB xin cám ơn những chia sẻ của Linh mục, cha Lê Nam Cao.

Tin bài liên quan:

VNTB- Ngư dân Hà Tĩnh: Phải trừng trị những kẻ liên quan đến vụ ”cá chết Formosa”

Phan Thanh Hung

VNTB- Formosa và sự sụp đổ bài toán lòng dân

Phan Thanh Hung

VNTB- Dân oan bị đàn áp khốc liệt, ai giúp đỡ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.