TS Phạm Đình Bá
(VNTB) – Với nhiều quyền sinh sát trong tay, các quan chức công an hám quyền đi làm lãnh đạo Nhà nước mà lại thiếu năng lực và khả năng làm việc.
Bối cảnh của bất ổn
Ông Trọng được bầu giữ chức Tổng Bí thư từ năm 2011 đến nay trải qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng 10, 11, 12 và 13. Tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào năm 2021, ông Trọng đã được bầu lại giữ chức Tổng Bí thư, bất chấp quy định của điều lệ đảng về không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Với tư cách là Tổng Bí thư, ông Trọng có trách nhiệm bồi dưỡng và tiến cử người kế nhiệm. Ông đóng vai trò trung tâm trong việc quy hoạch và lựa chọn nhân sự lãnh đạo cấp cao của đảng. Gần đây, những tranh chấp để tranh giành ảnh hưởng ở tầng cao trong đảng một phần là vì ông Trọng chưa chuẩn bị cho một quá trình chuyển đổi ôn hòa để có người thay thế ông ở ghế bí thư.
Tính hết các ông Phạm Minh Chính (thủ tướng), Tô Lâm (bộ trưởng công an), Nguyễn Văn Nên (bí thư, Sài Gòn), Phan Đình Trạc (trưởng ban nội chính trung ương), Nguyễn Hòa Bình (chánh án), có tất cả 5 ông từ ngành công an trong khoảng 14 ủy viên bộ chính trị đầy quyền lực hiện nay. Ảnh hưởng của quan chức công an trong chính trường nhà nước độc đảng hiện nay là đáng kể, có lẽ chưa bao giờ như bây giờ.
Việc này dẫn đến triển vọng tăng vọt về quyền lực ở tầng chót của nhà nước độc đảng rơi vào tay quan chức công an, ví dụ như tổng bí thư đảng, thủ tướng chính phủ, bí thư Sài gòn. Bởi vậy câu hỏi “lò công an có đúc ra lãnh đạo giỏi không” là câu hỏi thời điểm và quan trọng.
Các ví dụ về công an vì dân
Anh Nguyễn Hữu Vinh từng là công an nhưng có thành tích với trang “thông tấn xã vỉa hè” Anh Ba Xàm. Anh là người sáng tạo với kỹ năng về thiết lập mạng, giao tiếp hiệu quả, xây dựng những mối quan hệ với nhiều người viết và tạo nội dung hấp dẫn. Anh có khả năng thích ứng với thay đổi và phát triển hãng “thông tấn” khác biệt, tạo nên tiếng nói trái ngược với tuyên truyền của báo chí lề độc đảng. Những kỹ năng này cho phép anh thu hút và giữ chân một lượng lớn khán giả trung thành trước khi bị Nhà nước độc đảng đóng cửa hãng “thông tấn” tự phát của anh.
Theo nhà báo Phạm Đình Trọng, đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang lúc sinh thời là người minh mẫn và tỉnh táo. Ông nhận ra trong khi các nước tư bản không ngừng hoàn thiện luật pháp bảo đảm quyền của người dân thì các nước cộng sản lại hối hả, gấp gáp làm ra luật pháp để tước quyền của người dân. Ông đến với nỗi đau của người dân trong tai ương độc đảng toàn trị ở Thủ Thiêm, ở vườn rau Lộc Hưng, Sài Gòn, ở Đồng Tâm, Hà Nội bằng những bài viết sắc sảo lí lẽ, thấu đáo luật pháp và luật đời, chỉ ra sai trái và tội ác của nhà nước độc đảng làm điều phi pháp và thất đức gây tội ác quá lớn với dân. [1]
Chị Tạ Phong Tần bắt đầu viết blog khi chị còn là đảng viên và làm việc trong ngành công an. Năm 2004, chị đã trở thành một nhà báo tự do. Hai năm sau đó, chị bắt đầu một blog có tiêu đề “Công lý và Sự thật”, được biết đến về các bài báo cáo về các vụ tham nhũng của công an. Năm 2012, chị bị tuyên án mười năm tù giam nhưng đến năm 2015, chị được đình chỉ thi hành án và sang định cư ở Mỹ.
Các ví dụ về công an là lá chắn cho đảng
Ông Trần Đại Quang lúc làm chủ tịch nước không có thành tích gì đáng kể, ngoại trừ việc khu lăng mộ của ông ấy ở Ninh Bình có diện tích khá lớn khoảng 2-3 ha, một khu đất nông nghiệp được san lấp và xây dựng lăng mộ. Việc này hình như có nhiều tai tiếng sau khi ông qua đời.
Phan Văn Anh Vũ hay thượng tá công an Vũ Nhôm lúc còn hoành hành là trùm bất động sản giàu khủng với cơ sở làm ăn khắp nước và liên hệ giao thương với các nước cận kề. Cuối năm 2017, Vũ tuần tự rút vốn khỏi các công ty mình quản lý rồi bỏ trốn. Chỉ vài ngày sau khi bị truy nã, Vũ bị bắt ở Singapore rồi bị trục xuất về Hà Nội khoảng 1 tuần sau đó.
Hãy so sánh khả năng chuyên nghiệp của thượng tá công an Vũ Nhôm và khả năng linh hoạt của 3 luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân để tránh lưới vây khi các ông luật sư này bị công an truy lùng. Chỉ độ một tuần sau khi họ bị truy tố bởi công an Long An, các luật sư này đến Hoa Kỳ định cư, nhẹ nhàng và bí ẩn. Vụ việc này cho thấy khả năng chuyên nghiệp thấp của công an để truy lùng các luật sư và khả năng chuyên nghiệp thấp của thượng tá Vũ Nhôm để lẩn tránh và hoàn thành nhiệm vụ.
Ông công an lên làm thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây gặp lãnh đạo các công ty Nvidia và Apple đều mời họ “xây nhà máy” ở Việt Nam. Thực tế là các công ty này không tự sản xuất hàng hóa. Ông Chính có vẻ như cứ tưởng các công ty này cũng sản xuất hàng như hãng Samsung có các nhà máy ở Việt Nam. [2]
Ông Chính nói như vậy rõ ràng là không hiểu về đối tác, và những dàn tham mưu của ông ấy cũng bù trất. Cả Nvidia và Apple chỉ đầu tư vào nghiên cứu/phát triển và thương mại hóa sản phẩm mà không sở hữu nhà máy riêng của họ. Thế thì mời họ mở nhà máy thì có khác gì đưa cái ấu trĩ của mình ra cho người xem. [2]
Năm 2022, ông Chính nổi tiếng như cồn ở Mỹ. Khi kể lại với đồng bọn về đối thoại giữa ông và Tổng Thống Joe Biden khi ông Biden gợi ý là ông Chính “không thể tin vào Nga”. Ông Chính bi bô với đồng bọn rằng ông nói với ông Biden một cách “Rõ ràng, sòng phẳng. Mẹ nó! Có sợ gì đâu…” Ông Chính hầu như bù trất rằng nơi ông phát ngôn được trang bị camera để theo dõi nghi ngờ có sự xâm nhập. [3]
Ông Chính cũng thường làm việc theo kiểu đưa ra nghị định chạy theo đuôi vấn đề đã xảy ra, như trong các vụ giải quyết thiếu điện, giải quyết khan hiếm thuốc và vật tư y tế, hay giải quyết khan hiếm Covid vắc xin chỉ sau khi biến thể lây lan nhanh làm tăng số người bệnh trên nhiều vùng của đất nước. Cách ông Chính làm cũng giống cách ổng nói… “Mẹ nó, đụng đâu làm đó, có sợ gì!”. [4]
Từ lúc ông Chính lên làm thủ tướng tháng 4/2021, có nhiều hỗn loạn trong nhà nước độc đảng. Tháng 1/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức chủ tịch nước vì liên quan đến 2 ông phó thủ tướng Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam bị thôi chức, và 2 ông bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.
Tháng 1/2024, Trần Tuấn Anh đã bị cho thôi các chức vụ ủy viên bộ chính trị, trưởng ban kinh tế trung ương. Tháng 3/2024 ông Võ Văn Thưởng từ chức chủ tịch nước vì sai phạm liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn trong thời kỳ ông làm bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi. Tháng 4/2024, ông Phạm Thái Hà là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị công an bắt sau khi tháp tùng ông Huệ đi thăm viếng Trung Quốc.
Có nhiều tin đồn rằng nhà nước độc đảng bị đục nước thì phe công an có thể béo cò. Trên nguyên tắc, các vụ thanh trừng đặc trưng ở trên và những thanh trừng to nhỏ khác trong đảng là quyết định từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhưng mặt trước và các bộ mặt của những cuộc thanh trừng này là Trung tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam – và Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an.
Theo luật sư Đặng Đình Mạnh trên trang VNTB, ông Tô Lâm có hàng loạt sai phạm, vi phạm pháp luật tày đình. Đáng kể nhất là vụ ông Tô Lâm tổ chức bắt cóc người từ Đức sang đến Thái Lan bất chấp luật pháp quốc tế, luật pháp quốc gia sở tại và chính luật pháp Việt Nam. Ông ấy cũng tùy tiện tổ chức in mẫu hộ chiếu mới bỏ thông tin về nguyên quán, khiến sau đó phải bổ sung bằng phụ chú. [5]
Ông ấy liên tục thay đổi mẫu chứng minh nhân dân/căn cước và cùng với việc thay đổi hộ chiếu gây phiền hà cho Nhân dân, gây lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 năm 2021, gây hao tổn ngân sách nhà nước. Hơn nữa, ông Tô Lâm có lối sống xa hoa, ăn bò dát vàng gây hình ảnh xấu trong dân. [5]
Hậu quả của công an đi làm lãnh đạo là gì?
Ông Chính làm thủ tướng giữa những vụ án Việt Á, chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát, tập đoàn Phúc Sơn, tập đoàn Thuận An và nhiều vụ tham nhũng lớn nhỏ khác. Cách làm ăn và thái độ tắc trách của Nhà nước ông Chính là không thu thập dữ liệu về hậu quả của những vụ việc này lên đời sống của dân.
Thí dụ, tác hại đối với hàng triệu người bị buộc phải dùng bộ dụng cụ xét nghiệm không chuẩn Việt Á là gì? Khi Nhà nước ông Chính chi từ 6 đến 24 tỷ đô để ngăn chặn việc rút tiền hàng loạt từ ngân hàng của nhóm Vạn Thịnh Phát, bao nhiêu dịch vụ khác cho dân sẽ bị cắt giảm hay hủy bỏ hoàn toàn? Bao nhiêu bệnh viện sẽ thiếu thuốc và thiếu bác sĩ? Bao nhiêu học sinh sẽ thiếu trường học?
Nhưng tác hại lớn nhất có thể là thể chế bất ổn làm tê liệt nhiều chuyện, kể cả việc đình trệ hay hủy bỏ đầu tư từ nước ngoài chỉ vì bất ổn chính trị, thực tế hay nhận thức. Chả ai biết thể chế hiện nay là thể chế gì. Chắc chắn không phải là kỹ trị, vì đảng chỉ trọng đỏ hơn chuyên môn.
Thể chế hiện nay chả phải là đảng trị. Không ai biết tầm quyết định của ông tổng Trọng đến đâu và tầm truy sát của ông Tô Lâm lên những người có khả năng thay thế ông Trọng to lớn như thế nào. Nhiều khả năng đây là thể chế công an trị, với nhiều quyền sinh sát trong tay các quan chức công an hám quyền đi làm lãnh đạo Nhà nước nhưng họ lại thiếu năng lực và khả năng làm việc. Tội dân tôi!
______________
Tham khảo:
1. Tiếng Dân – Phạm Đình Trọng. Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang: Tôi đã gửi niềm tin nhầm chỗ! 29/07/2022; Available from: https://baotiengdan.com/2022/07/29/dai-ta-an-ninh-nguyen-dang-quang-toi-da-gui-niem-tin-nham-cho/.
2. RFA. Thấy gì từ việc CEO các tập đoàn công nghệ đến Việt Nam ca tụng rồi sang Indonesia đầu tư? 19/04/2024; Available from: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-can-see-from-ceos-of-technology-corporations-coming-to-vietnam-to-praise-and-then-going-to-indonesia-to-invest-04192024145653.html.
3. VNTB, Video Thủ tướng Chính “chửi thề” không còn trên YouTube của Bộ Ngoại giao Mỹ. 16/05/2022.
4. VNTB. Phạm Đình Bá – Thủ tướng thợ đụng. 11/06/2023; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-thu-tuong-tho-dung/.
5. VNTB – LS Đặng Đình Mạnh. Nguyên nhân chính trường Việt Nam hỗn loạn. 09/04/2024; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-nguyen-nhan-chinh-truong-viet-nam-hon-loan/.
1 comment
Chỉ biết tiêu chuẩn vào trường đại học Công An có thể xem như 1 VNese equivalence của Harvard hay Yale. Nếu Harvard, Yale … là những lò đào tạo những nguyên thủ của hổng riêng nước Mỹ mà của cả thế giới, thì … Yeah, why not?