Hoài Nguyễn
(VNTB) – Rất có thể nhà chức trách ở tỉnh Long An cho rằng những đứa trẻ này có cha mẹ rõ ràng, nhưng người chăm sóc lại tạo ngộ nhận là trẻ mồ côi để kêu gọi lòng nhân ái…
Tin tức đồng loạt trên báo chí vào chiều ngày 1/11/2022 – tức non một ngày trước phiên tòa phúc thẩm “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều luật hình sự 331 đối với sáu người đang sinh sống ở ấp Lập Thành, Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An, mà công luận thường gọi là “Thiền am bên bờ vũ trụ/ Tịnh thất Bồng Lai”; theo đó, sau khi có kết quả giám định ADN đối với 27 người sống ở nơi tự xưng Tịnh thất Bồng Lai, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã ban hành quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai.
Tin tức nói rằng, để có căn cứ giải quyết tố cáo ông Lê Tùng Vân và những cá nhân sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc có hành vi giả sư, giả trẻ mồ côi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm, ngày 24/9/2022, Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định ADN, phối hợp với các cơ quan chức năng thu mẫu tóc, niêm mạc miệng của 27 người (17 mẫu người lớn, 10 mẫu trẻ em).
Từ cơ sở kết quả giám định và nhiều dấu hiệu liên quan, Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiếp tục điều tra.
Mặc dù nội dung trên không liên quan gì đến tội danh theo Điều luật hình sự 331, nhưng với loại tin tức này sẽ tạo tâm lý đám đông, ảnh hưởng đến diễn biến phiên tòa phúc thẩm ngày 2/11/2022.
Bài viết này bàn luận bước đầu quanh cụm từ cáo buộc “hành vi giả sư, giả trẻ mồ côi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm”.
Trước hết cần định nghĩa thế nào là “sư” để có thể “giả sư”?
Theo giáo phái khất sĩ, nam tu sĩ được gọi chung là sư và nữ tu sĩ được gọi chung là ni. Còn hệ phái Phật giáo Nam tông chỉ có tăng, không có ni nên danh xưng chung đối với các vị Nam tông là sư. Một điều chú ý là đối với Phật giáo Nam tông, thường không dùng danh xưng thầy để gọi các nhà sư.
Trong cách gọi dân gian, Phật giáo cũng sử dụng các danh xưng như: sư chú, sư bác, sư ông, sư bà hay sư cụ. Điều này cũng có sự phân biệt nhất định.
Sư chú dành để chỉ những người xuất gia ở chùa nhưng chưa được thụ giới; sư bác chỉ những người đã được thụ giới Sa di hay Sa di Ni; sư ông, sư bà để chỉ những người đã được thụ giới tỳ kheo và tỳ kheo Ni.
Ngoài ra, đối với các vị bán thế xuất gia, nghĩa là đã lập gia đình trước khi vào đạo, vẫn phải trải qua các thời gian tu tập và thụ giới, cho nên cách xưng hô cũng không khác. Tuy nhiên để tránh việc gọi một người đứng tuổi xuất gia là chú tiểu, giống như gọi các vị trẻ tuổi, có nơi gọi các vị bán thế xuất gia này là sư chú, hay sư bác. Bên cạnh đó, các xưng hô trong đạo như sư ông, sư bà, sư cụ cũng thường được dành để gọi vị sư phụ của sư phụ mình, hoặc gọi chư tôn đức có hạ lạp cao, thu nhận nhiều thế hệ đệ tử tại gia và xuất gia.
Như vậy, cần làm rõ hành vi “giả sư” là “giả” ra sao ở Tịnh thất Bồng Lai; điều đó có nghĩa căn cứ vào đâu để phân biệt “thật – giả” cho nhân xưng “sư”?
Vấn đề kết tiếp, thế nào là “giả trẻ mồ côi”?
Điều 3 của Luật nuôi con nuôi, phân biệt rằng, “Trẻ em mồ côi là trẻ em mà cả cha mẹ đẻ đã chết hoặc một trong hai người đã chết và người kia không xác định được. Trẻ em bị bỏ rơi là trẻ em không xác định được cha mẹ đẻ”.
Với điều luật trên cho thấy những đứa trẻ ở Tịnh thất Bồng Lai có thể xác định được cha hoặc mẹ từ việc Công an tỉnh Long An trưng cầu giám định ADN.
Điều 6 của Luật trẻ em, tại khoản 12 cấm “Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi”.
Như vậy việc trục lợi ở đây như cáo buộc của cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm” xảy ra ở Tịnh thất Bồng Lai cần xác định những ai là bị hại, và các bị hại này có phải thật sự họ bị lừa đảo từ hành vi “giả sư – giả trẻ mồ côi” hay không?