VNTB – Lũ quét, dân làng, hiện tại và tương lai

VNTB – Lũ quét, dân làng, hiện tại và tương lai

TS Phạm Đình Bá

 

(VNTB) – Lũ quét vẫn đe dọa dân làng với biến đổi khí hậu và đôi khi vô cảm. 

 

Bài này viết với tiềm thức những mùa mưa thời trung học đi cứu trợ dân làng bị lũ quét ở Quảng Nam năm 1970. Nhóm tôi từ hội Chữ Thập Đỏ nhìn thấy đời sống và sinh kế nông dân bị cắt đứt và thiệt hại đổ lên đầu những người chẳng có bao nhiêu, nhưng mất mác của họ lại quá lớn. Ngay cả sở hữu nhỏ nhoi của họ như một con heo con cũng chết treo chót vót trên lũy tre làng. 

Sau hơn 50 năm, những người dân dễ bị tổn thương ấy bây giờ đối mặt với nguy cơ lũ quét ra sao? 

Giữa tháng 10/2023, 6 huyện ở Thừa Thiên – Huế, 4 huyện ở Đà Nẵng, 13 huyện ở Quảng Nam, và 6 huyện ở Quảng Ngãi phải đối mặt với nguy cơ cao về lũ quét, lũ bùn đá, đá sụt trên các sông, suối, sạt lở đất trên sườn dốc ở nhiều nơi. [1] Lũ quét vẫn đe dọa dân làng với biến đổi khí hậu và đôi khi vô cảm. 

“Chúng tôi ở vùng “rốn lũ” nên mỗi lần mưa lớn cùng với thủy điện điều tiết, xả lũ là lại ngập sâu. Nhưng trận lũ đợt này, khi thủy điện Sông Kôn vừa thông báo xả lũ được khoảng vài giờ đồng hồ thì nước trên sông Vu Gia đã lên nhanh rồi tràn vào nhà. Nhiều tài sản bị ngập sâu, người dân không kịp kê lên cao”, theo ông Thắng ở Quảng Nam, ngày 15/10/2022. [2]

Trên cả nước, năm 2016, lũ quét, lũ bùn đá và lở dốc đã giết 60 người và làm hư hại nhiều hộ nhà. Năm 2017, 71 người chết và 4109 ngôi nhà hư hại, và hơn 13.246 ngôi nhà có nguy cơ cao bị đe dọa bởi lũ quét và lở dốc. [3]

Ở Thụy Sĩ, tối ngày 11/08/2019, bão lớn đã khiến sông Losentze ở làng Chamoson tràn bờ. Chiếc xe chở 2 người bị dòng rác thải cuốn trôi. Họ vẫn còn liệt kê là mất tích. [4]

“Mọi chuyện diễn ra cực kỳ nhanh chóng, nhưng người dân địa phương chúng tôi biết rằng dòng sông nhỏ này có thể dâng cao thành dòng lũ dữ dội chỉ trong mười lăm phút sau một cơn bão lớn.”

Vào lúc 2h30 sáng ngày 26/07/2013, 130 ngàn mét khối đá đã rơi xuống đồng cỏ trên núi cao ở Grisons, Thụy Sĩ. Một người chăn cừu đứng cạnh túp lều trên núi cao đã bị đá rơi trúng và tử vong. Mười bảy người tham gia trại thanh niên đã được sơ tán không hề hấn gì. [4]

Đánh giá rủi ro là cốt lõi của quá trình quản lý rủi ro. Nếu được tích hợp vào quá trình lập kế hoạch phát triển, đánh giá rủi ro có thể xác định các hành động vừa đáp ứng nhu cầu phát triển vừa giảm thiểu rủi ro.  

Để “rủi ro” phát sinh phải có mối “nguy hiểm”. Mối nguy hiểm là nguồn phát sinh hoặc sự kiện khởi đầu, ví dụ như mưa xối xả. Kế đó phải có đường đi giữa nguồn phát sinh và nơi tiếp nhận, ví dụ như tuyến lũ, dòng chảy trên mặt hoặc lở đất. Rủi ro có cơ lớn nếu nguồn phát sinh có đường đến nơi tiếp nhận để làm thiệt hại người và tài sản. 

Việc đánh giá rủi ro đòi hỏi phải xem xét tính chất và xác suất của mối nguy hiểm, các mức độ tiếp xúc của người và tài sản đến mối nguy hiểm, tính nhạy cảm của người và tài sản đối với các mối nguy hiểm, và giá trị của người và tài sản. 

Quá trình phòng chống lũ quét thường bao gồm bốn bước chủ yếu: 1) mô tả đặc điểm của khu vực, 2) đánh giá các mối nguy hiểm, 3) đánh giá tính dễ bị tổn thương và 4) tích hợp kết quả từ bước #1 đến bước #3 để đánh giá rủi ro của lũ quét. [4]  

Bước #1 bao gồm thu thập dữ liệu về khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, tạo cơ sở để lưu trữ và xử lý dữ liệu. Các dữ liệu thu thập là nền tảng khoa học để phân tích hiểm họa, đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương, và lập kế hoạch để đối phó với hiểm họa và cải thiện tình trạng dễ bị tổn thương.

Bước #2 đánh giá các mối nguy hiểm, xác định cường độ của lũ quét và phát thảo các trình tự và sự kiện có thể xảy ra ở lưu vực. Các đánh giá này thường trình bày các kịch bản nguy hiểm dưới dạng bản đồ nguy hiểm. Công nghệ về lập bản đồ nguy hiểm và dự đoán các sự kiện thường dùng các kỹ thuật như địa chất, hình ảnh vệ tinh, mô hình dự đoán qua máy tính, và đặc biệt là lập bản đồ hệ thống thông tin.

Bước #3 đánh giá tính dễ bị tổn thương, cả về thể chất lẫn tinh thần. Đánh giá đầu tiên tập trung vào việc tiếp xúc với các mối nguy hiểm. Kế tiếp là xem xét bối cảnh xã hội của các mối nguy hiểm và liên hệ tính dễ bị tổn thương xã hội với các phản ứng đối phó của dân, bao gồm cả khả năng chịu đựng và khả năng phục hồi trước các mối nguy hiểm.  

Bước #4 tích hợp mức độ nguy hiểm và mức độ dễ bị tổn thương tổng thể, cả về vật chất và kinh tế xã hội, để làm nên thang đo mức độ rủi ro, ví dụ như năm mức độ rủi ro khác nhau: rất cao, cao, trung bình, thấp vừa phải và thấp. 

Thế thì những điều kiện thuận lợi và cản trở quá trình triển khai bước #1 đến #4 ở VN và Thụy Sĩ là sao?

Thuận lợi chính ở VN là chất xám, với nhiều người nghiên cứu sâu về lũ quét có kỹ năng và kinh nghiệm ngang hàng với các nhà nghiên cứu lớn ở các nước tân tiến. Ví dụ, một nhóm nghiên cứu các yếu tố như độ dốc, sử dụng đất, kết cấu đất, mật độ tán cây và mật độ thoát nước để tạo bản đồ đánh giá nguy cơ xảy ra lũ quét ở lưu vực sông Cầu, Bắc VN. Kết quả cho thấy, trên 10% diện tích của lưu vực có nhiều xác suất bị ảnh hưởng lũ quét với cường độ cao. [5]  

Trong một dự án, các tác giả Việt, Đức và Ấn Độ đánh giá mức độ tổn thương của hộ gia đình trước lũ quét và trượt lở đất ở các vùng cao ở Bắc VN. Tần suất và cường độ lũ quét và lở đất gia tăng ở các vùng nầy là mối nguy hiểm gây thiệt hại nặng nề nhất đối với sinh kế của dân. [5]

Một ví dụ nữa là một dự án tóm tắt các hệ thống cảnh báo sớm về lũ quét ở VN. Kết quả cho thấy một số hệ thống giám sát và cảnh báo thí điểm dựa trên lượng mưa và mực nước sông đã được lắp đặt và vận hành. Tuy nhiên, chúng chỉ phù hợp để cảnh báo lũ và lũ quét trên các lưu vực sông. Trong khi hệ thống cảnh báo sớm về dòng chảy bùn đá, mối nguy hiểm thường xuyên xảy ra ở thượng lưu các lưu vực miền núi, vẫn chưa được nghiên cứu và áp dụng ở VN, tính đến năm 2020. [3]

Trước khi bàn về trở ngại trong triển khai bước #1 đến #4 ở VN, hãy cùng nhìn vào cách họ làm ở Thụy Sĩ (TS). Bản đồ rủi ro của TS chỉ ra nơi có nguy cơ tiềm ẩn từ dòng chảy bề mặt. Bản đồ là công khai trực tuyến, bao gồm cả nước, dùng phương pháp tiêu chuẩn hóa để thu thập dữ liệu toàn vùng, và dựa vào mô hình toán để đánh giá rủi ro. [4]

Bản đồ rủi ro ở TS xác định những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi các lũ quét hiếm gặp đến rất hiếm. Khoảng thời gian lặp lại ước tính là hơn 100 năm, biểu thị rằng trong bối cảnh dài hạn, loại sự kiện này xảy ra trung bình ít hơn một lần trong 100 năm. Người dùng tích hợp điều kiện tại mỗi địa điểm với kết quả từ bản đồ rủi ro để hỗ trợ việc đối đầu với lũ quét cho hợp lý tại mỗi địa phương. [4]

Quay lại với VN, trở ngại đầu tiên về phòng chống lũ quét là về thể chế. Các cơ quan quản lý các làng ở TS được thành lập thông qua 1 người 1 phiếu bầu. Người dân tin tưởng vào người đại diện của mình. Họ tin tưởng rằng các nhà quản lý đập thủy điện sẽ thay mặt người dân đưa ra những quyết định khó khăn, một mặt cân bằng sinh kế của người dân trong làng, mặt khác là nhu cầu sản xuất điện cho làng. Chức năng của người quản lý là tối đa hóa phúc lợi chung của người dân. 

Ở VN, những người quản lý đập không chiếm được lòng tin của dân làng. Họ hoạt động như những cán bộ tuân theo các quyết định từ cấp trên, và cấp trên có thể ở xa với mức độ quan tâm mơ hồ về phúc lợi của dân địa phương. Đó là lý do tại sao chúng ta đã nghe những câu chuyện về việc xả nước từ các đập thủy điện khiến một số dân làng thiệt mạng và hư hại tài sản của họ, ví dụ như chuyện ông Thắng ở Quãng Nam đã kể ở trên. [2]

Trở ngại thứ 2 là cách làm việc ở VN. Ở TS, người ta làm việc theo trình tự hợp lý, đặt vấn đề cần giải quyết, thu thập đầy đủ và khách quan các dữ liệu từ dân, tìm hiểu ý nghĩa của dữ liệu, thu hút mọi người cùng tham gia vào quá trình ra quyết định, và đưa ra quyết định tốt nhất dựa trên khoa học và bằng chứng. 

Ở VN, chỉ có nhà nước bảo và dân phải tuân theo. Cách làm của nhà nước không dựa vào khoa học. Nhà nước sắp xếp các hạng mục chuyên môn và hoạt động khoa học vào các không gian dưới quyền quản lý và giám sát của đảng. Đảng chỉ huy động chuyên môn vì mục đích chính trị, đồng thời giám sát và kiểm soát các mối đe dọa tiềm ẩn cho độc tài toàn trị từ các ngành chuyên môn, khoa học và nghiên cứu. [6]

Đảng lúc nào cũng lo ngại về thiểu số cầm quyền bị lật đổ. Mọi dữ liệu hay thông tin đều có thể bị tùy tiện dán nhãn “an ninh quốc gia”. Không có dữ liệu nào được thu thập ở các tỉnh và trên toàn quốc một cách có hệ thống về lũ quét trước đây, không lưu giữ hồ sơ về các trận lũ quét trong quá khứ, không bảo tồn về nguyên nhân và các yếu tố góp phần vào thiệt hại từ lũ quét. Các nhà nghiên cứu sâu về lũ quét ở VN không có dữ liệu để phỏng đoán lũ quét, có khi chỉ xảy ra 1 lần trong 100 năm.

Cách cai trị tập trung của đảng từ buổi đầu hướng về chia cách để dễ trị, đặc biệt là không khuyến khích sự hợp tác giữa các tỉnh, nhất là các tỉnh có tiềm năng trở thành trung tâm quyền lực thay thế. Ngược lại, công tác phòng chống lũ quét đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, tổ chức và người dân. Bởi vậy các nghiên cứu sâu về lũ quét ở VN đa phần là chỉ xem xét vụ việc ở một vài địa phương, khó có tầm vóc lớn cần thiết để chia xẻ kinh nghiệm và dữ liệu xuyên qua nhiều vùng. [3, 5, 7]

Đảng coi trọng cai trị và cầm quyền hơn là lo cho an sinh của dân. Ưu tiên nầy của đảng đã có từ khi bắt đầu thành lập nhà nước và sẽ tồn tại chừng nào nhà nước hiện tại còn nắm quyền. Những nhà nghiên cứu về lũ quét ở VN dù có tài năng và cố gắng, nhưng khả năng đóng góp của họ vào quá trình đối phó với lũ quét bị hạn chế bởi thể chế, cách làm việc và ưu tiên chồng chéo của đảng.

Với thể chế 1 người 1 phiếu bầu và cách làm việc có khoa học, Thái Lan đã triển khai một hệ thống dự báo lũ lụt theo thời gian thực cho một vùng gần Bangkok, nơi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi lũ quét. Kết quả cho thấy 61% số trận lũ quét đã được dự báo thành công với độ chính xác đủ cao để đưa ra cảnh báo sớm và giúp thẩm định các biện pháp kiểm soát lũ rõ ràng. [8]

Bài này dùng việc phòng chống lũ quét làm ví dụ để minh họa sự khác biệt về thể chế và cách làm việc giữa chế độ độc tài ở VN và thể chế xã hội ở Thụy Sĩ. Mức phát triển ở các chế độ độc tài độc đảng toàn trị chỉ đi lên được tới một tầng nhất định, chỉ như chim bay trong lồng không thoát ra được, vì giới hạn bởi thể chế bao cấp và cách làm việc trên bảo dưới vâng. 

Việc phòng chống lũ quét hiện nay vào những năm 2020 cũng lập lại y như trong quá khứ 50 năm trước vào những năm 1970, thực ra là có phần tồi tệ hơn xưa. Khi Thụy Sĩ tiến bộ trong phòng chống lũ quét, đảng đẩy dân VN đi dần vào rủi ro bởi lũ quét.

Tương lai của cả nước sẽ ra sao? Trong 30 năm tới, Việt Cộng sẽ sao chép cách Trung Cộng phát triển kinh tế. Đến giữa những năm 2050, VN sẽ phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình, với những lợi thế từ bóc lột công nhân để gia công cho nước ngoài và cướp đất của dân để làm giàu cho thiểu số cầm quyền sẽ dần dần không còn hiệu lực nữa. 

Các ông kẹ trong đảng phải biết rằng họ không thể xây dựng lâu đài cho gia đình tùy tùng của họ trên bất bình đẳng, lợi dụng mồ hôi nước mắt của dân để làm giàu mãi mãi.

Lãng phí 30 năm tới để làm gì? Phải chăng để cả nước phải đối mặt với tình trạng trì trệ kinh tế lâu dài ở Việt Nam vào giữa những năm 2050, giống như tình trạng ở Trung Cộng hiện nay.

________________

Nguồn:

  1. Luật Sư Việt Nam, Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất khu vực từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi. 16/10/2023 
  2. Mạnh Cường, Quảng Nam: Kinh hoàng với trận lũ quét giữa đêm khuya ‘quá nhanh, quá nguy hiểm’, in Thanh Niên,. 15/10/2022.
  3. Ngo, T.T.H., B.T. Vu, and T.K. Nguyen, Early warning systems for flash floods and debris flows in Vietnam: A review. Geotechnics for Sustainable Infrastructure Development, 2020: p. 1233-1240.
  4. Swiss Confederation. Natural hazards concern everyone. How Switzerland is managing risks. Accessed December 18, 2023; Available from: https://www.bafu.admin.ch/dam/bafu/en/dokumente/naturgefahren/magazin-umwelt/magazin-die-umwelt-2020-2-naturgefahren-gehen-alle-an.pdf.download.pdf/magazin-die-umwelt-2020-2-naturgefahren-gehen-alle-an.pdf.
  5. Pham, N.T.T., et al., Vulnerability assessment of households to flash floods and landslides in the poor upland regions of Vietnam. Climate Risk Management, 2020. 28: p. 100215.
  6. Morris-Jung, J., Reflections on governable spaces of activism and expertise in Vietnam. Critical Asian Studies, 2017. 49: p. 441 – 443.
  7. Duong Thi, L., T. Do Van, and H. Le Van, Detection of flash-flood potential areas using watershed characteristics: Application to Cau River watershed in Vietnam. Journal of Earth System Science, 2020. 129: p. 1-16.
  8. Chitwatkulsiri, D., et al., Development and Application of a Real-Time Flood Forecasting System (RTFlood System) in a Tropical Urban Area: A Case Study of Ramkhamhaeng Polder, Bangkok, Thailand. Water, 2022. 14(10): p. 1641.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)