Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Luật sư Nguyễn Đăng Trừng đã bị “bịt miệng”?

Minh Tâm

(VNTB) Đầu tháng 8-2014, trang web của Đoàn Luật sư TP.HCM đã bị “đóng cửa”. Bản sao của website cũng “biến mất” trên bộ tìm kiếm google. Không có một lời giải thích nào được đưa ra, kể cả website của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng không có bất kỳ thông tin nào liên quan.

Vạ mồm?

Website của Đoàn Luật sư TP.HCM, trong ngày 01-08-2014 đăng tải 2 văn bản đều được ký tên Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Trừng.

Ở Công văn số 135D/ĐLS, gửi Thành ủy TP.HCM về yêu cầu thu hồi quyết định kỷ luật khai trừ đảng đối với đảng viên Nguyễn Đăng Trừng, trên cương vị Chủ nhiệm, LS Trừng viết: “Nội dung của tất cả các văn bản mà tôi đã gửi đến các luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM phản ánh đúng sự thật về sự áp đặt không dân chủ và can thiệp trái pháp luật đối với Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP.HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018)”.

Nhận xét về mình, LS Trừng viết: “Ở Đoàn Luật sư TP.HCM rất cần một chủ nhiệm, một thủ lãnh quyết đoán như tôi và ở đây không có cửa cho một chủ nhiệm nhu nhược, không dũng cảm kiên quyết bảo vệ vai trò vị trí của Đoàn Luật sư và quyền lợi luật sư”.


Tố cáo về sự áp đặt không dân chủ

Thông báo 135E/ĐLS của Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, có tiêu đề khá sốc: “Làm rõ thêm về sự áp đặt không dân chủ, can thiệp trái pháp luật đối với Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP.HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018)”.

Cách dùng từ trong thông báo 135E/ĐLS cũng dễ nóng mặt: “Ông Trần Thế Lưu (Trưởng ban nội chính Thành ủy – chú thích của người viết) tự mình đứng ra chủ trì cuộc họp Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM do Sở Tư pháp mời, đạo diễn, tạo ra cái gọi là Nghị quyết 01/2014/ĐLS-NQ ngày 7 tháng 6 năm 2014 trái pháp luật. Do trái pháp luật lại không được sử dụng con dấu của Đoàn Luật sư TP.HCM phải nhờ Sở Tư pháp ban hành Công văn số 3058/STP-BTTP ngày 10 tháng 6 năm 2014 để thông báo cái gọi là Nghị quyết đó nhưng thực tế cái Nghị quyết này chỉ là một thứ giấy lộn không có giá trị pháp lý” (phần gạch dưới nội dung là nguyên văn của thông báo).

Về việc kiểm tra con dấu của Đoàn Luật sư TP.HCM, LS Trừng cho biết chỉ sau khi Đoàn Luật sư thành phố lên tiếng phản đối đích danh ông Trần Thế Lưu là tác giả của toàn bộ việc áp đặt không dân chủ, thì mới có cuộc kiểm tra đột xuất hôm 03-07-2014 của Phòng Cảnh sát quản lý hành chánh về trật tự xã hội.


Quá giận mất khôn?

Khách quan nhìn nhận, trong các văn bản được ký tên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, có một số câu từ được thể hiện không mang văn phong pháp lý. Chính điều này đưa đến cảm giác chính sự áp đặt quá vô lý từ Thành ủy đã khiến cá nhân LS Trừng phải nổi nóng.

Sau khi nhận được công văn từ Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Văn Thảo ký (ông Thảo nguyên là Vụ phó Vụ Bổ trợ Tư pháp, một cơ quan thuộc Bộ Tư pháp, chuyên giám sát luật sư, công chứng viên,… – chú thích người viết) về nội dung ủng hộ các quyết định của các ông Nguyễn Văn Đua (nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM), ông Trần Thế Lưu về Đoàn Luật sư TP.HCM, LS Trừng đã viết trong Thông báo 135E/ĐLS với ngôn từ gay gắt và được gạch chân tạo điểm nhấn cho người đọc:

“Ông Lê Thúc Anh (chủ tịch, từng làm Phó Chánh án Tòa án Tối cao – chú thích người viết) để ông Nguyễn Văn Thảo ký công văn trên là muốn ông Thảo đứng ra “đỡ đạn” cho mình. Nhưng những lập luận của Đoàn Luật sư TP.HCM trong Công văn 135/ĐLS ngày 20 tháng 5 năm 2014 và Thông báo số 135C ngày 27 tháng 6 năm 2014 mạnh như thần công đại pháo, bản thân ông Lê Thúc Anh không chịu nổi. Ông Nguyễn Văn Thảo làm sao chịu nổi”.

Dẫu có nổi nóng với những phát biểu nặng cảm tính, song với điều kết ở Thông báo 135E của LS Nguyễn Đăng Trừng, rất đáng để cộng đồng quan tâm chia sẻ: “Việc bảo vệ dân chủ và sự tự quản, độc lập không còn là vấn đề riêng của Đoàn Luật sư TP.HCM, mà trở thành mối quan tâm chung của đội ngũ luật sư trên cả nước”.

Áp đặt bất chấp dân chủ đã có từ lâu

Thời gian xúc tiến thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam năm 2009, ông Lê Thúc Anh, cư trú tại TP.HCM, gửi hồ sơ xin gia nhập Đoàn Luật sư TP.HCM thì bị đoàn này bác, vì: “Ông Lê Thúc Anh đã được Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc quyết định làm Chủ tịch Hội đồng lâm thời Luật sư Toàn quốc, có nghĩa là ông Lê Thúc Anh đã là luật sư đại diện cho Đoàn luật sư nào đó”.

Cuối cùng, ông Lê Thúc Anh vẫn trở thành luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đạt đủ yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra phải là luật sư mới được tham gia Hội đồng lâm thời Luật sư Toàn quốc.

Không chỉ từ chối kết nạp ông Lê Thúc Anh, Đoàn Luật sư TP.HCM còn gửi một công văn cho Bộ Tư pháp, yêu cầu rút tên luật sư Nguyễn Đăng Trừng ra khỏi Hội đồng lâm thời Luật sư Toàn quốc. Tuy nhiên Ban Chỉ đạo Ðại hội Ðại biểu Luật sư Toàn quốc thông báo: “Không chấp nhận cho luật sư Trừng rút tên khỏi hội đồng lâm thời bởi lý do mà ông Trừng nêu ra là không chính đáng. Theo Đề án thành lập Tổ chức Luật sư Toàn quốc, chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội và Sài Gòn là hai thành viên đương nhiên”.

Lúc đó, LS Nguyễn Đăng Trừng đã dự báo: “Đây là một tổ chức nghề nghiệp nên quá trình bầu cử phải dân chủ. Thực tế lại không được như vậy. Cách đang làm sẽ không nhận được sự tín nhiệm của giới luật sư, khó lòng kết nối các đoàn luật sư trong cả nước và bảo vệ được quyền lợi cho luật sư trong quá trình hành nghề”.

Kết cục của chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM hiện nay là tất yếu của hệ lụy khi các tổ chức hội, đoàn chưa có được quyền tự do và tiếng nói độc lập.

Minh Tâm

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

Tin bài liên quan:

Thư gửi DLV, an ninh và những người đã từng là bạn nhưng chưa cùng chí hướng

Phan Thanh Hung

Ba kịch bản cho tương lai Việt Nam

Phan Thanh Hung

Tinh thần Bùi Thị Minh Hằng – Kỳ cuối: “Có cắn lưỡi tự tử ở đây cũng thế thôi”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.