Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Luật sư Nguyễn Đăng Trừng đã “cãi” Đảng ra sao?

Minh Tâm

(VNTB) Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kết luận ông Nguyễn Đăng Trừng đã vi phạm qui chế làm việc của Đảng đoàn Đoàn Luật sư TP, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của tổ chức Đảng do điều lệ Đảng qui định, vi phạm điều lệ Đoàn Luật sư TP và qui chế làm việc của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng đoàn.

“Suy thoái về đạo đức, lối sống”: Thành ủy vi hiến?

Một trong những vi phạm được chỉ ra là ông Trừng lợi dụng chức vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, không thông qua Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP, tự ý ký 4 văn bản để phản bác ý kiến chỉ đạo của UBND TP, của Liên Đoàn luật sư Việt Nam; đồng thời xuyên tạc, nói không đúng sự thật về ý kiến chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đoàn Luật sư TP nhiệm kỳ VI (2013 – 2018) đối với một số cán bộ lãnh đạo trong Ban Thường vụ Thành ủy TP và Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ban thường vụ Thành ủy TP kết luận thái độ và việc làm của ông Nguyễn Đăng Trừng thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện cụ thể như: vô tổ chức, vô kỷ luật, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, làm trái nghị quyết của tổ chức đảng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, độc đoán, gia trưởng, gây mất đoàn kết nội bộ, không còn đủ tư cách đảng viên.

Cáo buộc về “suy thoái về tư tưởng chính trị” là thuộc thẩm quyền của Ban thường vụ Thành ủy TP. Còn việc nếu có vi phạm “suy thoái về đạo đức, lối sống”, thì đó là thuộc quyền tự do cá nhân ông Nguyễn Đăng Trừng được hiến định tại Điều 3 và Điều 14 của Hiến pháp 2013. Những “suy thoái” nếu có này, tùy vào mức độ, sẽ nhận được sự chế tài, điều chỉnh từ các văn bản liên quan của luật dân sự.

Ông Trừng phạm tội… dám cãi tay đôi với Đảng?

Trong phạm vi quyền hạn, chức trách của mình, luật sư Nguyễn Đăng Trừng đã làm gì để bị cáo buộc “suy thoái về tư tưởng chính trị?”.

Trong thông báo 135E/ĐLS có tiêu đề “Làm rõ thêm về sự áp đặt không dân chủ, can thiệp trái pháp luật đối với Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ VI (2013-2018)”, ký ngày 1-8-2014, chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho biết ông Nguyễn Văn Đua, nguyên phó Bí thư Thường trực vừa nghỉ hưu và ông Trần Thế Lưu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, là những người đã cản trở, làm cho việc tổ chức Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP.HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018) bị trì hoãn.

Thông báo dài 4 trang này có đoạn viết: “Đội ngũ luật sư trên cả nước, trong đó có luật sư của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đều hiểu rất rõ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội” (Điều 4, khoản 1, Hiến pháp). Nhưng lãnh đạo không phải là đứng ra làm thay công việc của một tổ chức xã hội nghề nghiệp như của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, không phải áp đặt không dân chủ, can thiệp trái pháp luật đối với Đại hội nhiệm kỳ của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các luật sư trên cả nước cũng hiểu rất rõ rằng: “các tổ chức Đảng và Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật” (Điều 4, khoản 3, Hiến pháp)”.

Phần kết, thông báo 135E/ĐLS, viết: “Thực tiễn lịch sử trên thế giới cho thấy rằng quốc gia nào càng dân chủ thì nghề luật sư càng phát triển và đội ngũ luật sư càng đông đảo. Nên bảo vệ dân chủ và sự tự quản, độc lập của Đoàn Luật sư để nghề luật sư ở Thành phố và cả nước phát triển ngang tầm với nghề luật sư ở các nước trong khu vực và trên thế giới là mối quan tâm chung của toàn xã hội ở nước ta hiện nay”.

“Tội” dám bảo vệ sự độc lập cho Đoàn Luật sư

Trong Công văn 135D/ĐLS, ký ngày 01-08-2014 gửi Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, về việc yêu cầu thu hồi quyết định kỷ luật số 3030-QĐNS/TU kỷ luật khai trừ đảng đối với ông Nguyễn Đăng Trừng, trên cương vị Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, luật sư Nguyễn Đăng Trừng có đoạn viết: “Một đảng viên, một chủ nhiệm, một thủ lãnh Đoàn Luật sư được đông đảo các luật sư là đảng viên và quần chúng tín nhiệm mạnh mẽ và lãnh đạo tốt Đoàn Luật sư TP.HCM như tôi không thể bị kỷ luật về mặt đảng. Tôi bị kỷ luật chỉ vì một lý do duy nhất là đã kiên quyết bảo vệ dân chủ và sự tự quản, độc lập của Đoàn Luật sư TP.HCM, ngoài ra không có bất cứ lý do nào khác”.

Có lẽ cũng nên nói thêm, vào chiều ngày 22 tháng 6 năm 2009, khi luật sư Nguyễn Đăng Trừng biểu quyết trong cuộc họp Ban Chủ nhiệm, về việc xóa tên luật sư Lê Công Định khỏi Đoàn Luật sư do “vi phạm điểm g, khoản 1, điều 9 Luật Luật sư; điều 1 và điều 2 Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư”, không rõ luật sư Trừng có hình dung rằng 5 năm sau đó chính ông đã phải chua chát nhận ra rằng: “trong cuộc đấu tranh này đã xuất hiện những Trần Ích Tắc, những Lê Chiêu Thống trong đội ngũ luật sư của chúng ta cũng là chuyện bình thường của mọi cuộc đấu tranh và càng đòi hỏi chúng ta phải dũng cảm kiên cường” (Trích phần kết của thông báo 135E/ĐLS).

Minh Tâm

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

Tin bài liên quan:

(VNTB)-Luật sư Nguyễn Đăng Trừng đã bị “bịt miệng”?

Phan Thanh Hung

Đền bù, giải tỏa, khởi kiện: Dân oan đất đai ở tỉnh Đồng Nai cần biết

Phan Thanh Hung

Báo SGGP “trấn áp” Thư ngỏ 61: Sao lại sợ dân mở miệng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo